Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 27/10
08:37' 27/10/2004 (GMT+7)

1.Soạn luật, nên giao cho những nhóm luật gia!

2.Nhãn sinh thái: Công cụ tăng sức cạnh tranh hàng xuất khẩu

3.Chất lượng phát triển KCX-KCN quá thấp 2

4.Tư nhân là khách hàng tiềm năng

5.Sự vượt trội của xuất khẩu

Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam:

Soạn luật, nên giao cho những nhóm luật gia!

Soạn: AM 180231 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
TS Nguyễn Vân Nam.

“Bệnh nghề nghiệp không cho phép tôi im lặng” - GS-TS Nguyễn Vân Nam bộc bạch khi đề cập đến tập ý kiến phản biện dự thảo Luật cạnh tranh (CT) dài 46 trang mà ông vừa gửi đến Quốc hội (QH).

Là người đã nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy luật tại Đức, GS Nam cho biết ông đang trong quá trình vận động kinh nghiệm và chất xám của các luật gia Việt kiều và các cộng sự Đức nhằm giúp VN xây dựng một đội ngũ làm luật chuyên nghiệp.

- Thưa giáo sư, Luật CT từ những dự thảo đầu tiên đã trở thành điểm nóng trong những cuộc tranh luận. Ông có theo dõi những vấn đề mà mọi người đặt ra xung quanh các dự thảo này?

GS-TS Nguyễn Vân Nam hiện đang là giám đốc điều hành một công ty luật liên doanh tại TP.HCM. Ông từng giảng dạy bộ môn luật sở hữu trí tuệ (SHTT) và luật cạnh tranh ở Trường đại học Humboldt (Berlin). Luận án đầu tiên của ông ở Đức là thạc sĩ về lý thuyết kinh tế vĩ mô, sau đó thạc sĩ về luật SHTT, tiến sĩ về luật hành chính công và năm 2000 lấy bằng tiến sĩ khoa học về luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế.

Ông được phong giáo sư tại Đức năm 2002. Tháng 12-2003, ông đã hoàn thành đề tài “Xây dựng và thực hiện chiến lược SHTT cho doanh nghiệp VN trong thời kỳ hội nhập quốc tế” theo đơn đặt hàng của Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM.

Hiện nay, ông đang hợp tác với Nhà xuất bản Trẻ để dịch ra tiếng Việt cuốn sách “Vai trò của nhà nước trong thời đại toàn cầu hóa” của ông đã được xuất bản bằng tiếng Đức năm 2002.

- Tôi đã đọc toàn bộ hơn 200 bài viết nhận xét về dự thảo Luật CT trên báo chí và Internet. Cảm nhận đầu tiên là các ý kiến còn riêng rẽ, tản mạn, không có tính hệ thống, chưa đụng chạm đến những vấn đề cốt lõi. Thế là “bệnh nghề nghiệp” trỗi dậy. Tôi tải toàn văn dự thảo thứ 9 xuống đọc, rồi trình bày những suy nghĩ của mình với ban chủ nhiệm Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM. Sau đó, GS Nguyễn Ngọc Trân (phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của QH) có gọi điện cho tôi, đề nghị viết những ý phản biện chính để ông chuyển sang Bộ Thương mại (đơn vị soạn thảo dự thảo - NV). Tôi cũng đã nhận được ý kiến trả lời của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, đi vào cụ thể từng vấn đề tôi nêu.

- Vậy vì sao ông lại viết tiếp bản phản biện này?

- Vẫn còn một số điểm tôi chưa đồng ý với cách giải thích của Bộ trưởng Tuyển. Bên cạnh đó, vì QH sẽ ra quyết định cuối cùng đối với dự thảo luật nên tôi nghĩ ý kiến của tôi cũng phải đến nơi nó cần đến.

- Nhưng đến nay chúng ta đã có dự thảo thứ 15, nghĩa là ban soạn thảo cũng đã trải qua quá trình cân nhắc kỹ lưỡng?

- Vấn đề không nằm ở chỗ từng qui định cụ thể mà là quan điểm chiến lược giải quyết vấn đề CT của dự luật. Theo tôi, việc tập trung đưa ra các qui định về chống hạn chế CT (chống độc quyền) trong bộ luật không thích hợp với qui mô và trình độ phát triển kinh tế hiện nay của VN. Thực tế đang chứng minh rằng trong thời đại toàn cầu hóa, luật chống độc quyền quốc gia không có cách nào điều chỉnh được hoạt động của các tập đoàn xuyên quốc gia, bởi vì những tập đoàn này nằm ngoài biên giới quốc gia nhưng có thể tác động độc quyền ở bất kỳ thị trường nội địa nào. Chỉ có hai nước là Anh và Mỹ mới đặt trọng tâm hàng đầu lên chống độc quyền. Trong khi đó, các nước phát triển khác đều chọn trọng tâm là chống CT không lành mạnh. Đây cũng chính là chiến lược mà VN sẽ phải lựa chọn vì chỉ có nó mới giải quyết được những vấn đề cấp bách trong hoạt động CT hiện nay của doanh nghiệp.

- Ông kỳ vọng gì vào bài phản biện của mình?

- Tôi rất muốn các đại biểu QH nghiên cứu những nhận xét phản biện của tôi. Nếu QH thấy những ý kiến của tôi chưa đủ sức thuyết phục, hãy giao cho một hội đồng chuyên gia nước ngoài về Luật CT thẩm định lại dự thảo. Thẩm định lại dự thảo luật bằng một cơ quan chuyên môn độc lập là một công đoạn bắt buộc trong quá trình soạn thảo luật theo thông lệ quốc tế.

- Vậy theo ông, các bộ luật nên được soạn thảo theo trình tự như thế nào?

- Đối với việc soạn thảo các bộ luật chuyên ngành, như Luật CT chẳng hạn, các nước phát triển đều giao cho các nhóm luật gia có quan điểm khác nhau soạn thảo. Mỗi nhóm viết một dự thảo luật hoàn chỉnh, ở VN theo tôi chọn ra ba nhóm là đủ. Các nhóm sẽ trình bày trước cơ quan chịu trách nhiệm trước QH (đối với Luật CT là Bộ Thương mại) rằng dự thảo của họ được soạn thảo dựa theo chiến lược nào, kỹ thuật giải quyết ra sao, mục đích để đạt được cái gì. Từ đó bộ sẽ chọn ra hai dự thảo để giao cho hai cơ quan thẩm định luật độc lập (công ty luật nước ngoài là tốt nhất). QH sẽ thảo luận chọn ra dự thảo cuối cùng. Dự thảo này có thể đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, tức môi trường mà nó sẽ được áp dụng. Việc chỉnh sửa sau đó, nếu có, cũng không đụng chạm đến những điểm cơ bản của bộ luật mà chỉ góp phần hoàn thiện nó.

- Liệu chúng ta có tìm được những nhóm soạn thảo luật đủ năng lực để tham gia các dự án luật tại VN không, thưa giáo sư?

- Tôi nghĩ điều này không khó, bởi ngày càng xuất hiện nhiều văn phòng luật uy tín, cả trong và ngoài nước. Nhưng điều tôi quan tâm hơn là chúng ta phải làm gì để xây dựng được đội ngũ luật sư trẻ đủ trình độ tiếp cận với hệ thống luật quốc tế và có khả năng soạn thảo luật trong tương lai. Tôi đang bắt đầu tiếp cận với Luật sở hữu trí tuệ, một lĩnh vực mà hành lang pháp lý của VN còn rất mong manh.

Từ năm ngoái, Tập đoàn luật Boehmert & Boehmert của Đức thông qua tôi muốn giúp VN thành lập một trung tâm đào tạo luật sư sở hữu trí tuệ tại TP.HCM. Họ đã thảo đề án hoạt động của trung tâm này kèm giáo trình cụ thể, sử dụng các nguồn tài trợ quốc tế mà họ sẽ đứng ra vận động cho chúng ta.

- Xin cảm ơn giáo sư.

(Theo TT)

Về đầu trang 

Nhãn sinh thái: Công cụ tăng sức cạnh tranh hàng xuất khẩu

Soạn: AM 180233 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Nhãn sinh thái, còn gọi là nhãn môi trường, là loại nhãn mác cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về sự thân thiện hơn với môi trường của sản phẩm so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại.

Khi các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đông lạnh như tôm, cá tra, cá basa vào thị trường một số nước EU phải đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định về đảm bảo môi trường. Đối với các doanh nghiệp, chi phí phải bỏ ra để đáp ứng các loại tiêu chuẩn môi trường áp dụng trong thương mại có thể lên tới 20% tổng chi phí.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng vào thị trường các nước này cần chú ý một số quy định và yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Thông số về vệ sinh an toàn thực phẩm

Thứ nhất là quy định đối với hàng hóa xuất khẩu thì không được chứa một vài chất nhất định theo yêu cầu của mỗi nước dẫn đến việc cấm nhập khẩu đối với một số sản phẩm với lý do bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Đối với doanh nghiệp thuộc ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam khi xuất hàng vào EU phải chú ý đến những quy định của Chương trình quản lý và kiểm tra sinh học và các quy định tại "Sách Trắng" của EU về an toàn vệ sinh thực phẩm, đây là rào cản kỹ thuật rất cao của EU.

EU có một hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm đối với người dân. Một trong các thành viên của EU khi phát hiện thấy bất kỳ một sản phẩm nào không đảm bảo các thông số về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là sản phẩm cho người đều đưa lên mạng cảnh báo nhanh cho toàn cộng đồng và đình chỉ việc nhập khẩu, lưu thông sản phẩm đó trên thị trường.

Một minh chứng cho hệ thống này đối với thực phẩm là mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam khi xuất vào EU bị phát hiện là nhiễm Chloramphenicol và sau đó thêm cả Nitrophuram. Ngay lập tức, EU đã ban hành lệnh kiểm tra dư lượng thuốc kháng sinh đối với mọi loại tôm nhập khẩu vào EU có nguồn gốc từ Việt Nam.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trong thị trường EU cần lưu ý ngay đến chính sách hóa chất mới của EU được áp dụng cho giai đoạn từ 2005 - 2012 trong mọi lĩnh vực có sử dụng hóa chất, từ công nghiệp giày, dép, dệt may đến chế biến thực phẩm phải nghiên cứu kỹ các quy định mới của EU về hóa chất. Vì việc thực hiện những quy định chính sách mới về hóa chất của EU sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

Đối với các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ thì các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải tuân thủ các quy định của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) và Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) thuộc Bộ Y tế Mỹ. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm được phép cưỡng chế các luật nhằm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng về việc lương thực, thuốc men và dụng cụ y tế, mỹ phẩm. Sự liên quan của EPA đến xuất nhập khẩu chỉ giới hạn bởi các chất cặn độc hại, thuốc trừ sâu, diệt côn trùng có hóa chất, vì cơ quan nay có một hệ thống thông báo cho các nước nhận hàng được biết về các chất có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và môi trường nước nhập khẩu.

Theo Đạo luật Liên bang về thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm (FFDCA), EPA có thẩm quyền quy định những giới hạn về dung sai đối với các chất được sử dụng làm thuốc trừ sâu trong thực phẩm và thức ăn gia súc hoặc quy định trường hợp miễn trừ yêu cầu về dung sai nếu mức độ dung sai đó không cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. EPA phải đảm bảo an toàn, và có thẩm quyền kiểm nghiệm nhiều loại cây cấy gen ở những tác động liên quan đến môi trường và nông nghiệp.

Nước Mỹ đã có kinh nghiệm áp dụng phương pháp đánh giá dựa trên cơ sở khoa học các loại sản phẩm của công nghệ sinh học hiện đại, có nghĩa là việc kiểm nghiệm sản phẩm được tiến hành một cách minh bạch theo các tiêu chí khoa học phù hợp với sản phẩm đó.

Hàm lượng chất tái chế trong sản phẩm

Thứ hai là yêu cầu về hàm lượng chất liệu tái chế chứa đựng trong sản phẩm hàng hóa xuất khẩu. Với mục đích chủ yếu nhằm tạo ra cho thị trường các sản phẩm có chất lượng tốt, tạo điều kiện giảm giá thành, tiết kiệm chi phí bình quân trên một đơn vị sản phẩm.

Chẳng hạn với các sản phẩm gỗ hoặc giấy. Mặc dù các luồng thương mại trong buôn bán các sản phẩm gỗ nhiệt đới khá nhỏ, nhưng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các sản phẩm gỗ đã được đề xuất nhằm giải quyết khía cạnh môi trường của phá rừng. Các biện pháp hạn chế dự kiến được áp dụng đối với các hàng hóa sử dụng nhiều tài nguyên do các nước có nguy cơ đánh mất tính đa dạng sinh học xuất khẩu và các nước hiện nay đang nhận lợi ích từ tính đa dạng sinh học toàn cầu nhập khẩu.

Công ước về buôn bán quốc tế đối với các sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES ) là một ví dụ về thỏa thuận quốc tế dưới hình thức cấm đoán việc buôn bán một số sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng, kể cả một số loại gỗ. Các nước nhập khẩu gỗ còn đưa ra một số đề xuất nhằm chặn đứng hoạt động buôn bán các sản phẩm gỗ nhiệt đới. Chính quyền địa phương ở Đức, Hà Lan, Áo đã thi hành lệnh cấm sử dụng các loại gỗ nhiệt đới.

Để hạn chế việc sử dụng bột gỗ nhằm bảo vệ môi trường, các nước EU quy định hàm lượng vật liệu tái chế trong sản phẩm giấy trắng; các panen làm bằng gỗ nhập khẩu. Điều đó dẫn tới một số nước phải tăng cường sử dụng giấy tái chế để sản xuất giấy trắng xuất khẩu sang EU. Về mặt thương mại, đây được xem là hạn chế thương mại của những nước có truyền thống chuyên môn hóa sản xuất giấy từ bột gỗ.

Còn tại Thụy Điển, Hội bảo vệ tài nguyên của Thụy Điển đã đánh giá tác động của sản phẩm tẩy rửa, giặt là được cấp nhãn sinh thái bán trên thị trường là xác định số lượng hóa chất gia dụng dùng cho máy giặt và rửa đĩa chén cũng như các loại xà phòng giảm từ 100.000 tấn xuống 85.000 tấn và 60% số thành phần hóa chất sử dụng trong tẩy rửa, xà phòng ngay lập tức được thay đổi. Hàm lượng phốt phát trong chất tẩy rửa của các sản phẩm này dẫn tới làm giảm các hợp chất có hại trong vùng nước bề mặt của Thụy Điển cũng như môi trường sống của cộng đồng dân cư. Điều đó là một biện pháp tốt để kích thích sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Yêu cầu về bao gói và dán nhãn hàng hóa

Các yêu cầu thứ 3 về bao gói hàng hóa thường được nhiều nước châu Âu áp dụng với tiêu chí bảo vệ môi trường, yêu cầu các nhà xuất khẩu của các nước phải sử dụng các loại chất dẻo, nhựa, sợi hóa học thay vì sử dụng sợi truyền thống vì họ cho rằng chất dẻo dễ tái chế hơn. Thứ tư là yêu cầu dán nhãn sinh thái đối với hàng hóa, yêu cầu này có tác động đối với hoạt động thương mại trên những góc độ khác nhau. Điều đó đem đến những tác động bất lợi đối với các loại sản phẩm nhập khẩu bị phân biệt đối xử, hay có thể coi đây là rào cản kỹ thuật đối với thương mại.

Chẳng hạn, đối với ngành giấy, đồ thủ công, mỹ nghệ ảnh hưởng tới yêu cầu về nhãn sinh thái có thể lớn hơn so với các lĩnh vực khác vì nó liên quan đến tài nguyên rừng. Hàm lượng khí thải từ máy giặt, điều hòa có thể làm ảnh hưởng tới tầng ozon vì phải tuân thủ các quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy kiệt tầng ozon, quy định cấm này căn cứ vào quá trình sản xuất. Đây là yếu tố có tính chất rất quan trọng trong khuôn khổ các ưu tiên và các chính sách mua sắm nguyên nhiên vật liệu của các nhà nhập khẩu tại các quốc gia phát triển. Các logo dán nhãn sinh thái sẽ được gắn cho loại sản phẩm nào thỏa mãn các tiêu chí đặt ra cho nhóm sản phẩm đó. Thực phẩm và đồ uống, dược phẩm không nằm trong phạm vi cấp nhãn của EU.

Có 9 nhóm sản phẩm được gắn nhãn của EU là: máy giặt; chất phụ gia bón cho đất; giấy toilet; bột giặt cho đồ dệt; sơn vẽ - véc ni nội thất; len và áo phông; giấy photo; tủ lạnh - tủ đá. Gần đây có 16 nhóm sản phẩm đang được chuẩn bị cho việc xây dựng tiêu chí là: chất cách ly; chất tẩy rửa bát đĩa; (dùng cho máy và dùng tay); chất làm sạch trong gia đình; pin và ắc quy; gạch - đồ gốm; keo xịt tóc; dầu gội đầu; máy tính cá nhân; ôtô; giày; sản phẩm dệt (trừ áo thun); dịch vụ du lịch... EC đã phát hành các hướng dẫn sử dụng cho các thành viên, bao gồm: các thủ tục thiết lập các tiêu chí, các nguyên tắc chiến lược và các nguyên tắc liên quan đến chính sách, sử dụng phân tích vòng đời vào nhãn sinh thái.

Yêu cầu về phương pháp sản xuất, chế biến sản phẩm

Yêu cầu thứ 5 này có tác động đến môi trường của nước sản xuất nhưng không tác động gì tới môi trường của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, một số nước phát triển có xu hướng đặt thành yêu cầu đối với hàng nhập khẩu. Yêu cầu này đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Vì việc triển khai thực hiện yêu cầu này là hết sức khó khăn do thiếu sự quản lý đồng bộ và theo dõi đầy đủ các tác động của môi trường trong quá trình sản xuất và chế biến. Những quy định này đang và sẽ có tác động không nhỏ đến thương mại và phát triển hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ví dụ như trong ngành thủy sản, nông sản Việt Nam (tôm, cá basa, gạo, chè, cà phê, hạt điều...) đều không được dùng các hóa chất tẩy rửa có độc tố hay thuốc trừ sâu, trong quá trình nuôi trồng, chế biến. Việt Nam trong thời gian qua đã phải đầu tư hơn cho việc kiểm tra hàm lượng thuốc trừ sâu và thuốc kháng sinh có trong sản phẩm. Trường hợp trong sản phẩm bị phát hiện có những thành phần này thì khách hàng có quyền từ chối nhập khẩu. Ở Đức yêu cầu nhà cung cấp hoặc thương gia phải có tuyên bố sản phẩm của mình không có một số hóa chất nhất định.

Từ đó có thể khẳng định rằng nhãn sinh thái là một trong những vấn đề có tính thời sự cao trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đang ở trong giai đoạn đàm phán để gia nhập WTO, việc tự nguyện tham gia các chương trình cấp nhãn sinh thái có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước.

Giải pháp chung đối với các doanh nghiệp

Về nhận thức, do nhiều hạn chế về mặt thông tin, hơn nữa đây là một vấn đề hết sức mới mẻ nên nhiều doanh nghiệp của ta còn chưa hiểu được nội dung và tầm quan trọng của việc áp dụng nhãn sinh thái đối với các sản phẩm hàng hóa của mình. Hiện nay, ngoài việc doanh nghiệp cần mạnh mẽ triển khai áp dụng tiêu chuẩn theo ISO 9000 thì nên xem xét và có các biện pháp để áp dụng tiêu chuẩn môi trường của sản phẩn ISO 14000 bằng cách đầu tư thích đáng đối với hoạt động nghiên cứu thị trường, nghiên cứu các quy định, các rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm.

Về năng lực quản lý, để áp dụng dán nhãn sinh thái, yêu cầu các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức quản lý môi trường theo cách tiếp cận hệ thống. Đây là một phương thức quản lý còn rất mới đối với các doanh nghiệp của ta, vì vậy, việc triển khai áp dụng sẽ gặp không ít khó khăn, trong đó, việc nâng cao trình độ quản lý của các doanh nghiệp là điều rất cần thiết. Về kinh phí cho việc triển khai áp dụng nhãn sinh thái bao gồm các chi phí về hệ thống quản lý môi trường lẫn chi phí cho việc chứng nhận đăng ký nhãn sinh thái. Ngoài ra, còn một số chi phí khác nữa, vì vậy rất tốn kém, trong khi khả năng tài chính của các doanh nghiệp lại có hạn.

Tuy nhiên, chúng ta cần có biện pháp đầu tư dần dần, khắc phục các nhược điểm về kinh phí thông qua việc vay vốn đầu tư phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật. Về cơ sở pháp lý, hệ thống các quy định đối với tiêu chuẩn môi trường và thương mại Việt Nam còn thiếu cập nhật, không đồng bộ. Có rất nhiều các tiêu chuẩn quốc tế xây dựng vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là việc các doanh nghiệp cùng phối hợp với các cơ quan nhà nước đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện vấn đề này.

Về nguồn nhân lực, hệ thống nguồn nhân lực của Việt Nam rẻ nhưng còn nhiều bất cập, thiếu công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, ý thức kỷ luật kém. Đây là vấn đề cần được quan tâm của các nhà doanh nghiệp trong việc trích một phần lợi nhuận để thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật các thông tin, khoa học, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, thực hiện các biện pháp nâng cao tay nghề công nhân, nâng cấp trình độ công nghệ.

Bên cạnh đó, sự nỗ lực và hoạt động hỗ trợ của các bộ ngành, sự cố gắng của Nhà nước trong việc hoàn thiện môi trường pháp lý cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình hội nhập được thuận lợi hơn.

(Theo TBKTVN)

 

Về đầu trang 

Chất lượng phát triển KCX-KCN quá thấp 2

Với 106 khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) hiện hữu, đang thu hút 2.864 dự án đầu tư trong và ngoài nước, tổng vốn đăng ký là 11.390 triệu USD và 72.612 tỉ đồng, đang giải quyết việc làm trực tiếp cho 600.000 lao động và mỗi năm mang về trên 3 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu, các KCX-KCN đang góp một phần quan trọng trong phát triển nền kinh tế của Việt Nam.

Soạn: AM 180235 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới đây của Vụ Quản lý KCX-KCN Bộ KH&ĐT cho thấy: Chất lượng phát triển các KCX-KCN của cả nước còn quá thấp.

Vốn đầu tư ngày càng giảm

TPHCM được coi là một trong những địa phương thành công trong thu hút dự án đầu tư vào các KCX-KCN của cả nước. Tuy nhiên thời gian qua, vốn và quy mô các dự án đầu tư vào khu vực “công nghiệp tập trung” ngày càng giảm. Theo Ban Quản lý các KCX và CN TPHCM, nếu năm 2002, vốn đầu tư mới nước ngoài vào KCX-KCN của TPHCM là 100,68 triệu USD thì đến năm 2003 chỉ còn 35,75 triệu USD. Vốn đầu tư trung bình trên từng dự án cũng giảm: năm 2002 là trên 4 triệu USD, năm 2003 chỉ còn 3,91 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2004 là 3,9 triệu USD.

Ông Phạm Hồng Kỳ, Giám đốc Trung tâm Đầu tư nước ngoài phía Nam của Bộ KH&ĐT, cho rằng không chỉ riêng ở TPHCM mà là chung của cả nước, bởi ngày càng khan hiếm các dự án lớn đầu tư vào các KCX-KCN. Ông Kỳ cho biết, năm 1997, vốn đầu tư trung bình trên một dự án của cả nước là 23 triệu USD, nhưng sau đó đã “tụt dốc không phanh” theo từng năm, đến năm 2003, chỉ còn 3,44 triệu USD/dự án. Hiệu quả sử dụng đất cũng ngày càng thấp. Vốn đầu tư bình quân trên 1 ha đất cho toàn bộ dự án trong thời điểm năm 1999 là 1,61 ha và 3,86 triệu USD, đến năm 2003 chỉ còn 1,34 ha và 2,37 triệu USD/dự án.

60% hàng xuất khẩu là gia công

Sau 12 năm hình thành và phát triển, công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp (DN) trong KCX-KCN đã có bước chuyển tích cực. Tuy nhiên ông Trần Ngọc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý KCX-KCN, cho rằng “về cơ bản, loại công nghệ phổ biến hiện nay của các DN trong KCX-KCN vẫn nghiêng về chủng loại... trung bình”. Điều này được thể hiện qua năng lực xuất khẩu trên đầu người còn thấp: 8.711 USD, so với 140.000 USD ở các KCN Đài Loan, tức năng lực xuất khẩu trên đầu người của các KCX-KCN Đài Loan gấp ta hơn 15 lần. Hậu quả: Chất lượng sản phẩm và dịch vụ của nhiều DN chưa bảo đảm cho yêu cầu xuất khẩu, sức cạnh tranh thị trường về chất lượng, giá cả thấp hơn so với sản phẩm của một số nước ASEAN, Trung Quốc... “Lâu nay trên 60% hàng hóa xuất khẩu của các DN KCX-KCN thực chất là hàng gia công, nên giá trị gia tăng mang lại không cao” - ông Hưng nói.

Hạ tầng, môi trường- bức xúc dài dài

Hạ tầng kém, môi trường ô nhiễm, không phải là chuyện mới mẻ đối với sự phát triển của các KCX-KCN hiện tại. Đây là điều phàn nàn của các nhà đầu tư lâu nay, thế nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Cụ thể như ở TPHCM, để đến được KCX Tân Thuận, KCX Linh Trung II, nhà đầu tư phải “gồng mình” chịu đựng cảnh kẹt xe triền miên trên cầu Tân Thuận, đường Huỳnh Tấn Phát, Tỉnh lộ 43. Hay muốn đến KCN Tân Tạo, Hiệp Phước, phải “lộc cộc” lội qua đường Bà Hom, tuyến đường Bắc Nam đang xuống cấp nghiêm trọng. Bên trong hàng rào, tình trạng điện chập chờn, thiếu nước phục vụ sản xuất vẫn thường xảy ra. Hàng loạt các KCN như Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân, Tân Bình, Tân Thới Hiệp... vẫn phải sử dụng nguồn ước ngầm, tất cả những điều này đã hạn chế tính hấp dẫn của các KCX-KCN, đôi khi phải bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư.

Theo Vụ Quản lý KCX-KCN, trong tổng số 106 KCN hiện hữu của cả nước, đến nay mới chỉ có 16 KCN được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại là đang xây dựng hoặc chưa đầu tư, nên các DN phải tự xử lý theo cách riêng của mình. “Do đó, ở hầu hết các KCN, tình trạng ô nhiễm thường xảy ra, gây tác hại xấu đến môi trường và sự thiếu bền vững trong phát triển KCX-KCN” - ông Hưng nói.

(Theo NLĐ)

 

Về đầu trang 

Tư nhân là khách hàng tiềm năng

Đến nay, cả nước có 160.000 doanh nghiệp (DN), trong đó chỉ có gần 6.000 DN nhà nước (NN), một số DN đầu tư nước ngoài, còn lại chủ yếu là các đơn vị thuộc thành phần kinh tế tư nhân, như: công ty cổ phần, công ty TNHH và DNTN.

Riêng địa bàn TP.HCM hiện có 46.276 DN đang hoạt động, trong đó kinh tế tư nhân chiếm 88%, gồm 29.553 công ty TNHH, 11.221 DNTN, còn lại 12% là DNNN và công ty đầu tư nước ngoài. Vốn hoạt động của DN kinh tế tư nhân còn nhỏ, bình quân mỗi công ty TNHH chỉ đạt 1,958 tỷ đồng, mỗi DNTN là 601 triệu đồng. Đây là tiềm năng lớn về đầu ra cho thị trường vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Tuy nhiên, từ trước tới nay, nhiều NHTM thường có ác cảm với kinh tế tư nhân. Mỗi khi DNTN xin vay vốn thì ngân hàng tỏ thái độ nghi kỵ, đối xử khắt khe quá mức. Nhưng ở Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Sài Gòn (BIDV Sài Gòn) lại có chiến lược coi DNTN là khách hàng tiềm năng lâu dài. Tuy mới thành lập 2 năm nay nhưng BIDV Sài Gòn đã đạt doanh số cho vay trên 2.000 tỷ đồng, trong đó kinh tế tư nhân chiếm 85%. Trên 800 DN kinh tế tư nhân vừa và nhỏ, cùng với gần 7.000 khách hàng là cá nhân và hộ gia đình đã tham gia vay vốn của ngân hàng này.

Ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc BIDV Sài Gòn, cho biết: Trong hoạt động tín dụng, BIDV Sài Gòn luôn coi trọng đổi mới phong cách giao dịch, tiếp cận dự án, rút ngắn 50% thời gian giải quyết cho vay theo quy định, tránh gây phiền hà cho khách hàng. Nhờ đó, chất lượng tín dụng bảo đảm, đến nay tỉ lệ nợ quá hạn luôn được kiểm soát chỉ ở mức dưới 0,5%/tổng dư nợ cho vay và chưa phát sinh rủi ro hay nợ xấu. Được biết, tỉ lệ nợ quá hạn đó thấp hơn 10 lần so với nợ quá hạn bình quân của hệ thống NHTM trên địa bàn TPHCM.

Số lượng DN kinh tế tư nhân đang phát triển rất mạnh. Theo kế hoạch, đến năm 2010, Việt Nam phấn đấu đạt 500.000 DN, trong đó chủ yếu là kinh tế tư nhân. Vì hoàn cảnh lịch sử, thành phần kinh tế này ra đời chậm, chưa có điều kiện tích lũy, nhu cầu cần vay vốn để kinh doanh rất lớn, do đó đây sẽ là lực lượng đối tác tiềm năng của hệ thống NHTM trong nước.

(Theo NLĐ)

 

Về đầu trang 

Sự vượt trội của xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt trên 21,3 tỷ USD, không những cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay, mà tuy mới qua 10 tháng đã lớn hơn mức kim ngạch đã đạt trong cả năm của các năm từ năm 2003 trở về trước.

Soạn: AM 180237 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Trong các lĩnh vực hoạt động của 10 tháng đầu năm 2004 thì xuất khẩu là một lĩnh vực đạt kết quả nổi bật nhất với nhiều điểm vượt trội. Dễ thấy nhất là quy mô xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 10 đều đạt mức kỷ lục 2,2 tỷ USD và bình quân tháng trong 10 tháng đầu năm đạt trên 2,1 tỷ USD, cao hơn kim ngạch cả năm của năm 1991.

Tốc độ tăng xuất khẩu cao hiếm thấy

Tốc độ tăng so với cùng kỳ của 10 tháng đầu năm đạt 28,1%. Đây là tốc độ tăng thuộc loại cao so với cùng kỳ nhiều năm qua và gấp trên 3,7 lần tốc độ tăng GDP, trở thành một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm cho GDP cũng đạt được tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ trong nhiều năm trước đó.

Tốc độ tăng của xuất khẩu đều khá cao ở cả 2 khu vực kinh tế và đều đạt mức tăng 2 chữ số. Khu vực kinh tế trong nước đạt 9.605 triệu USD, tăng 15,2%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 11.726 triệu USD và tăng 40,9%.

Cả 2 nhóm mặt hàng trong khu vực này đều tăng khá. Dầu thô đạt 4.659 triệu USD, tăng 48,6%, chủ yếu do giá tăng cao; nhờ vậy thu ngân sách từ lĩnh vực này so với dự toán và so với cùng kỳ đều cao hơn các chỉ số chung của tổng thu ngân sách.

Các mặt hàng khác của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7.067 triệu USD, tăng 36,2%. Do tăng cao hơn tốc độ chung, nên tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã đạt 55%, cao hơn tỷ trọng 45% của cùng kỳ năm trước; riêng tỷ trọng các mặt hàng khác (không kể dầu thô) cũng đã tăng khá (33,2% so với 31,2%).

Trong tổng mức tăng 4.679 triệu USD, thì mức tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) lên đến 3.404 triệu USD, chiếm tới 72,8% tổng mức tăng. Việc tăng lên với tốc độ cao của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã chứng tỏ các doanh nghiệp của khu vực này, một mặt đã phát huy lợi thế về vốn, về trình độ kỹ thuật- công nghệ, trình độ quản lý, tay nghề người lao động, tiếp thị, thị trường tiêu thụ..., mặt khác đã tận dụng cơ hội tốt hơn để đẩy mạnh xuất khẩu khi các nước thực hiện cam kết cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu, khi giá cả thế giới tăng.

Tất cả các mặt hàng xuất khẩu đều tăng

Xuất khẩu tăng ở hầu hết các mặt hàng. Có 21/23 mặt hàng chủ yếu có kim ngạch tăng so với cùng kỳ, trong đó có 12 mặt hàng tăng cao hơn tốc độ chung như dầu thô, than đá, điện tử máy tính, dây điện và cáp điện, sản phẩm nhựa, xe đạp và phụ tùng xe đạp, dầu thực vật, đồ chơi trẻ em, cà phê, gạo, hạt tiêu, hạt điều, chè, sản phẩm gỗ. Mới qua 10 tháng, đã có 7 mặt hàng đạt trên 800 triệu USD, trong đó có 4 mặt hàng còn đạt trên 1,8 tỷ USD là dầu thô, dệt may, giày dép, thuỷ sản v.v...

Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng năm nay tăng do cả hai yếu tố: lượng tăng và giá tăng. Lượng tăng có dầu thô, than đá, cà phê, hạt điều, chè... Giá tăng có dầu thô, than đá, gạo, cao su, hạt điều, lạc; chỉ 6 mặt hàng trên do giá tăng mà trong 9 tháng đã mang lại thêm 1.114 triệu USD, chiếm 27,3% tổng mức tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước so với cùng kỳ và chiếm tới 69,5% tổng mức tăng kim ngạch xuất khẩu của 6 mặt hàng trên.

Theo tính toán sơ bộ, giá xuất khẩu tăng khoảng 8,5%, lượng xuất khẩu tăng khoảng 15,5%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng cũng bị giảm, như sữa và sản phẩm sữa, lạc; giá xuất khẩu giảm có cà phê, hạt tiêu, chè...; lượng xuất khẩu giảm có sữa và sản phẩm sữa, gạo, cao su, lạc...

Để bù vào sự sút giảm tốc độ tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ ( năm trước tăng cao tới 63%), do Mỹ kiện bán phá giá cá basa, tôm, đưa ra hạn ngạch hàng dệt may, những tháng đầu năm nay chỉ tăng trên 10%, xuất khẩu vào các thị trường khác tăng rất đáng kể, nên tốc độ tăng trưởng chung năm nay vẫn cao hơn cùng kỳ. Đây cũng là bài học về xuất khẩu là không nên "bỏ trứng vào một giỏ", mà cần đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá mặt hàng.

Năm 2004 mới qua 83,3% thời gian, nhưng xuất khẩu đã đạt khoảng 95% kế hoạch đề ra cho cả năm. Khả năng cả năm có thể đạt trên 25 tỷ USD, tăng trên 24% so với năm 2003, vượt xa so với mục tiêu cả về kim ngạch tuyệt đối (22,4- 22,6 tỷ USD), cả về tốc độ tăng (11- 12%).

Do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu (28,1% so với 21,4%), nên nhập siêu đã giảm cả về kim ngạch (3.784 triệu USD so với 4.036 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (17,7% so với 24,2%).

Tuy nhiên, nhập khẩu tăng có một phần quan trọng là do giá tăng, 9 tháng đầu năm 2004 so với cùng kỳ, giá xăng dầu tăng 26,9% làm kim ngạch tăng 544 triệu USD, giá sắt thép tăng 34,3%, làm kim ngạch tăng 432 triệu USD, giá chất dẻo tăng 23,5%, làm kim ngạch tăng 152 triệu USD, giá phân bón tăng 28,6%, làm kim ngạch tăng 109 triệu USD, giá bông tăng 28,9%, làm kim ngạch tăng 36 triệu USD, giá sợi dệt tăng 11,8%, làm kim ngạch tăng 26 triệu USD, giá lúa mì tăng 35,1%, làm kim ngạch tăng 31 triệu USD, giá giấy tăng 8,9%, làm kim ngạch tăng 15 triệu USD.

Chỉ những mặt hàng trên do giá tăng đã làm kim ngạch tăng 1.345 triệu USD, chiếm 34% tổng mức tăng của kim ngạch nhập khẩu. Trong khi đó lượng nhập khẩu một số mặt hàng bị giảm, như máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, sắt thép, phân bón, giấy, sợi dệt, lúa mì..., ảnh hưởng đến đổi mới thiết bị kỹ thuật- công nghệ, đến sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Nhập siêu chung tuy giảm chút ít, nhưng vẫn còn khá lớn. Đáng lưu ý, khu vực kinh tế trong nước do tăng trưởng của xuất khẩu thấp hơn của nhập khẩu (15,2% so với 21,1%), nên nhập siêu vừa lớn, vừa gia tăng cả về kim ngạch tuyệt đối (từ 5.131 triệu USD lên 6.700 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (từ 61,6% lên 69,8%). Điều đó chứng tỏ khu vực kinh tế trong nước chưa tận dụng tốt việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo cam kết hội nhập, mà còn chậm khắc phục thách thức do việc đó đưa lại, đồng thời nếu không sớm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh thì sẽ nhập siêu lớn, thậm chí còn thua trên sân nhà...!

(Theo TBKTVN)

 

Về đầu trang 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi