1.Đơn hàng đã có, nhưng vẫn lo... côta!
2.Cấm hay không?
3.Đầu tư 25 triệu USD xây nhà máy sản xuất điện thoại di động
4.Một công ty nước ngoài đào tạo quản lý doanh nghiệp
Dệt may bước vào năm 2005:
Đơn hàng đã có, nhưng vẫn lo... côta!
|
Sản xuất áo thun tại Công ty may Thạch Bình - Ảnh: T.V.N. |
TT - Theo các doanh nghiệp ngành dệt may có qui mô tương đối lớn, lượng đặt hàng cho năm 2005 vẫn ổn định, không có biến động lớn.
Ông Ngô Trung Kiên, giám đốc Công ty cổ phần may Sài Gòn 2, cho biết hiện công ty đã có đủ đơn hàng làm cho quí 1-2005 với số lượng trên 600.000 sản phẩm, trị giá gần 2 triệu USD cho các mặt hàng áo jacket, quần tây xuất sang Mỹ, áo sơmi xuất đi EU và Nhật.
“Các mặt hàng có hạn ngạch giá vẫn không giảm, nhưng với các thị trường phi hạn ngạch như Nhật thì giá giảm 10% so với giá chào của năm 2004” - ông Kiên nói.
Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 cũng yên tâm có việc cho hơn 1.500 lao động khi đơn đặt hàng cho ba tháng đầu năm 2005 tròm trèm gần 700.000 sản phẩm. Ông Phạm Xuân Hồng, tổng giám đốc Sài Gòn 3, lạc quan cho biết hợp đồng 200.000 quần tây xuất cho Nhật giá FOB vẫn giữ bình quân 8 USD/chiếc, riêng giá gia công cho áo jacket và quần tây xuất sang Mỹ cũng dao động từ 1,2-3 USD/chiếc.
Tương tự, Công ty dệt may Thành Công cũng có đơn đặt hàng cho hết tháng 2-2005 với 1 triệu sản phẩm áo thun xuất khẩu sang thị trường Mỹ. “Chúng tôi đã đàm phán được với giá FOB bình quân 4,5 USD/áo, giá không đổi so với giao dịch năm rồi. Nhưng đổi lại, khách hàng yêu cầu cao hơn nữa về mặt chất lượng cũng như “xiết” thời gian giao hàng lại gắt hơn”, ông Phan Hồng Lĩnh, phụ trách xuất khẩu thị trường Mỹ, tiết lộ.
Công ty may Thạch Bình cũng thở phào nhẹ nhõm với những hợp đồng 1 triệu sản phẩm gồm quần tây, áo sơmi lẫn đồ thun xuất sang thị trường EU, trị giá gần 2 triệu USD theo giá FOB cho đến hết quí 1-2005. “Đây là khách hàng truyền thống của công ty. Họ chỉ yêu cầu chúng tôi đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng đã ký kết. Họ cũng nhắc đi nhắc lại phải đảm bảo đúng là có đủ quota để giao hàng cho họ. Mà điều này nằm ngoài khả năng của chúng tôi!", ông Trần Đức Dung, phó giám đốc công ty, băn khoăn nói.
Cũng trong tâm trạng này, ông Nguyễn Ân, giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn js), cho biết dù hiện tại Garmex Sài Gòn js đã gút xong xuôi hợp đồng cho các tháng đầu năm 2005, bình quân mỗi tháng xuất khẩu 300.000-350.000 sản phẩm mặt hàng áo thun và jacket đi Mỹ và Nhật, nhưng vẫn “hơi lo, không biết hạn ngạch có biến động gì hay không”.
(Theo Tuổi Trẻ)
Về đầu trang
Kinh doanh đa cấp:
Cấm hay không?
|
Kinh doanh lành mạnh sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với kinh doanh đa cấp. |
Thời gian qua, một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã lợi dụng việc chưa có quy định pháp luật điều chỉnh phương thức kinh doanh đa cấp, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để có hành vi lừa đảo, chộp giựt, trốn thuế, có khả năng gây ra những vấn đề xã hội lớn. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo SGGP đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội và các nhà làm luật chung quanh vấn đề này.
TS Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Phải được nghiên cứu bởi cơ quan có trách nhiệm
Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về kinh doanh đa cấp và phản ứng chung của xã hội là không thuận. Nhiều người đặt quá nhiều hy vọng, muốn đổi đời với hình thức kinh doanh đó đã vỡ mộng. Ở một số nước, hình thức kinh doanh này được chấp nhận dù cũng không phải được quá khuyến khích hay là cái gì rất đặc trưng của họ.
Ở Việt Nam khi phương thức bán hàng này được du nhập thì cần phải được nghiên cứu bởi cơ quan có trách nhiệm. Một sự trả lời chính thức về vấn đề này là rất cần thiết, nhất là từ những gì hình thức kinh doanh này đang diễn ra trong thực tế thời gian qua.
Những tác động xã hội của kinh doanh đa cấp đã đến mức cần phải có sự chú ý của cơ quan chức năng. Muốn quản lý tốt thì phải có quy định. Muốn có quy định thì phải hiểu nó là vấn đề gì, nhất là trước đây, nó chưa tồn tại và chỉ mới xuất hiện ở nước ta chưa lâu.
Lợi ích của nó như thế nào, ảnh hưởng ra sao; nó tồn tại ở tại nước ngoài như thế nào và trong điều kiện nước ta thì có áp dụng được không, áp dụng như thế nào...
Tất cả phải được trả lời thấu đáo. Tôi cũng muốn nhấn mạnh, cần phải làm rõ vấn đề để có chính sách và nếu cần, phải được điều chỉnh bằng quy phạm pháp luật thì phải có quy phạm pháp luật. Bởi ban hành luật thì dễ hơn thực thi luật.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Sài Gòn Coop): Tăng cường giám sát kinh doanh đa cấp
Tôi chưa biết trên thế giới hình thức kinh doanh đa cấp tồn tại như thế nào, còn ở Việt Nam, kinh doanh đa cấp thời gian qua phần nhiều là không lành mạnh. Do đó, tôi nghĩ cần có một quy định cụ thể rõ ràng về hình thức kinh doanh này.
Hiện nay, chúng ta chưa có luật nên cần nhanh chóng có một văn bản dưới luật với quy định cụ thể nhằm tăng cường giám sát kinh doanh đa cấp. Văn bản này cũng cần quy định những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có đăng ký cụ thể, rõ ràng.
Và giá cả thì vô chừng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Thực tế, kiểu tuyên truyền miệng làm cho người ta rất tin. Hiện nay, do hình thức này chưa có mô hình nên tôi không nghĩ là nó sẽ mạnh hơn, trong lúc có nhiều hình thức phân phối, nhiều loại hình kinh doanh khác người ta làm tốt hơn.
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội: Sẽ quy định một số điều cấm
Dự thảo Luật Cạnh tranh dự kiến trình Quốc hội lần này có quy định về bán hàng đa cấp. Trong đó có quy định một số điều cấm liên quan đến vấn đề đặt cọc, hoa hồng. Nghiêm cấm bắt buộc phải đặt cọc; nghiêm cấm bắt người tham gia phải mua một số hàng...
Nhằm quản lý phương thức kinh doanh này ngay sau khi Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua, sẽ có một Nghị định riêng về giám sát bán hàng đa cấp. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh: muốn quản lý tốt thì cần phải hiểu rõ kinh doanh đa cấp không phải là hoạt động mang tính thương mại bình thường. Đây không phải là hệ thống bán buôn, hệ thống bán lẻ hay là quá trình buôn bán hàng, quá trình đại lý.
Nó khác với đại lý bán hàng, khác với hệ thống bán buôn, bán lẻ mà thực chất là tổ chức mạng lưới phân phối hàng hóa theo các cấp khác nhau. Nếu không hiểu đúng thì người ta lợi dụng và bị lợi dụng trước hết là người tiêu dùng, người được vận động tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Hiện nay đang diễn ra tình hình này ở VN. Nhiều người chưa hiểu và đã bị lợi dụng.
Theo con số thống kê chưa chính thức, đã có khoảng 20 doanh nghiệp áp dụng hình thức kinh doanh đa cấp tại Việt Nam từ năm 2000 đến nay.
Mặt hàng được kinh doanh theo phương thức này chủ yếu liên quan đến sức khỏe con người như: thực phẩm bổ dưỡng, máy massage, máy lọc không khí hoặc mỹ phẩm.
Tỷ lệ hoa hồng của phương thức kinh doanh này cao hơn hoa hồng của phương thức kinh doanh truyền thống có thể từ 5%-53%.
Để đạt được hoa hồng hấp dẫn như trên, những người tham gia phải trực tiếp mua một lượng hàng có giá trị khá lớn hoặc phải giới thiệu những người tham gia mới mua hàng với giá trị tương đương.
(Nguồn: Bộ Thương mại) |
(Theo SGGP)
Về đầu trang
Đầu tư 25 triệu USD xây nhà máy sản xuất điện thoại di động
|
Trao giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy ĐTDĐ. |
Chiều 28/10, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng đã tổ chức trao giấy phép đầu tư hợp tác kinh doanh giữa Công ty cổ phần VinaMobi Việt Nam và Công ty Zentek Technology Singapore Pte. Ltd.
Theo giấy phép đầu tư, bên phía Việt Nam góp 15 triệu USD, phía Singapore góp 10 triệu USD để xây dựng nhà máy chế tạo, lắp ráp điện thoại di động và các linh phụ kiện điện thoại di động... tại khu công nghiệp Hòa Khánh.
(Theo Thanh Niên)
Về đầu trang
Một công ty nước ngoài đào tạo quản lý doanh nghiệp
TT - Công ty CTS (Corporate Training Solutions - 100% vốn nước ngoài) vừa chính thức ra mắt và giới thiệu các chương trình đào tạo chuyên về nghiệp vụ quản lý doanh nghiệp (DN) và tiếng Anh nhằm giúp các DN phát triển nguồn nhân lực.
Tổng giám đốc Dave Danielson cho biết các chương trình được thiết kế theo nhu cầu của từng DN và đối tượng học, do các giảng viên có kinh nghiệm trong các ngành công nghiệp liên quan giảng dạy. CTS cũng đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với các trường đại học, học viện và công ty có tiếng trên thế giới để có thể tổ chức các khóa học kèm thực tập ở nước ngoài, giúp học viên có cơ hội cọ xát nhiều hơn với môi trường làm việc quốc tế.
(Theo Tuổi Trẻ)
Về đầu trang
|