Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 1/11
08:30' 01/11/2004 (GMT+7)

1.Thương hiệu Vietcombank giá bao nhiêu?

2.Tăng tốc xuất khẩu

3.Thủy sản Việt Nam tìm đường vào Đức

4.Sao lại “hành” DN đến vậy?

5.Đà Nẵng: sẽ gặp gỡ doanh nghiệp ba lần/năm

6.Sẽ tăng cường hợp tác về dầu khí, thủy sản

Thương hiệu Vietcombank giá bao nhiêu?

Mặc dù đề án cổ phần hóa (CPH) của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) phải sang quý IV/2005 mới trình Chính phủ, nhưng đã có nhiều nhà đầu tư “đeo bám”. Cũng dễ hiểu, bởi đây là doanh nghiệp (DN) Nhà nước với số vốn hàng ngàn tỉ đồng đi vào CPH, đồng thời lại là một thương hiệu đang làm ăn có hiệu quả được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến.

CPH để thu hút khoảng 4.000 tỉ đồng

Soạn: AM 184263 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Khách hàng trong và ngoài nước sử dụng dịch vụ của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank).

Theo tính toán của Vụ Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, vốn điều lệ cần thiết cho một ngân hàng khi hội nhập phải tương ứng với một ngân hàng trung bình trên thế giới, tức khoảng 9.000 tỉ đồng. Nếu như khi CPH, Nhà nước vẫn nắm giữ tỉ lệ chi phối là 51%, thì vốn điều lệ tương ứng cần thiết là 4.590 tỉ đồng. Con số này hoàn toàn có thể, bởi vốn điều lệ VCB hiện nay vào khoảng 4.500 tỉ đồng, ngân sách Nhà nước chỉ cấp bổ sung chưa đến 100 tỉ đồng. Như vậy, phần vốn điều lệ cần bổ sung còn lại là 4.410 tỉ đồng sẽ được phát hành cổ phiếu (CP) qua con đường CPH. Ngoài một tỉ lệ CP ưu đãi bán cho cán bộ, nhân viên trong chính công ty, phần còn lại hơn 4.000 tỉ đồng sẽ được phát hành ra ngoài ngân hàng.

Chưa cần thiết phải huy động vốn nước ngoài

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Lê Đức Thúy, cho biết sẽ phát hành CP ưu đãi, nhưng giai đoạn đầu, VCB chưa cần thiết huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài trong khi chưa định giá và giải quyết xong các vấn đề về tài chính. Chính các chuyên gia nước ngoài cũng khuyến cáo không nên để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia ngay từ đầu vào tiến trình CPH VCB, vì họ sẽ được hưởng lợi của việc mua các CP ưu đãi. Trong giai đoạn này, VCB sẽ phát hành khoảng 2.000-2.500 tỉ đồng CP ưu đãi, nhưng chỉ dành cho các tổ chức và cá nhân trong nước.

Theo quy định chỉ có DN CPH mới được phát hành CP ưu đãi, luật chưa nói tới tình huống sẽ có DN phải phát hành CP ưu đãi để tiến hành CPH. Vì vậy, việc phát hành CP ưu đãi của VCB xem ra chưa hợp luật. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, nếu chờ những văn bản pháp luật đầy đủ phải có thời gian; còn phát hành dưới dạng trái phiếu chuyển đổi thì quy định của luật pháp lại không được tính vào vốn điều lệ, trong khi mục tiêu của VCB là tăng vốn điều lệ chứ không phải tăng huy động vốn. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ cho phép VCB phát hành CP ưu đãi để tăng vốn điều lệ.

Sẽ mời tổ chức quốc tế định giá lại tài sản của VCB

Hiện nay, VCB là ngân hàng thương mại duy nhất có công ty trực thuộc và văn phòng đại diện tại Hồng Kông, Singapore, Nga, Mỹ và Pháp; có nhiều liên doanh hoạt động có hiệu quả với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính vì vậy, việc đánh giá thương hiệu VCB quả là một điều không dễ dàng ở cả trong nước và quốc tế. Hơn nữa, đánh giá lại tài sản của VCB khi thực hiện CPH cũng là chuyện không dễ, bởi hàng loạt trụ sở, cơ sở làm việc, tài sản là bất động sản được bàn giao từ các vụ án chưa phát mại phải đánh giá lại theo giá thị trường. Điều chắc chắn là giá của nó sẽ tăng vài chục lần so với giá ghi trên sổ sách đã quá lạc hậu so với thực tế hiện nay. Giải pháp được đặt ra là mời một tổ chức quốc tế làm công việc đánh giá lại tài sản của VCB. Thế nhưng, hiện quy định cho mức chi phí để CPH là 500 triệu đồng trở xuống, trong khi đó VCB với hàng ngàn tỉ đồng phải mất khoảng vài trăm ngàn USD đến triệu USD mới có thể thuê công ty tư vấn nước ngoài có uy tín, kinh nghiệm để định giá và có định giá được thương hiệu thì mới định được việc bán CP với mệnh giá bao nhiêu là phù hợp.

(Theo TT)

Về đầu trang 

Tăng tốc xuất khẩu

Chỉ trong tháng 10-2004, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 32,7%. Tính chung cả 10 tháng đầu năm, xuất khẩu đã thắng lợi lớn cả về số lượng hàng hóa và kim ngạch, với kim ngạch xuất khẩu gần 22 tỷ USD. Như vậy, kế hoạch xuất khẩu cả năm 24 - 25 tỷ USD hoàn toàn có thể đạt được nếu sự nỗ lực của các doanh nghiệp vẫn được duy trì...

Doanh nghiệp dệt may mở rộng sản xuất

Soạn: AM 184265 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

80% sản phẩm bàn, ghế, tủ, kệ bằng gỗ của Công ty Lạc Phương Nam, Thủ Đức TPHCM đã xuất khẩu qua thị trường Mỹ.

Tại Công ty Dệt Phong Phú, những ngày này cán bộ, công nhân viên đang nỗ lực chuẩn bị các đơn hàng cho năm 2005. Chuẩn bị đơn hàng từ bây giờ để kịp tập kết nguyên phụ liệu, tổ chức sản xuất ngay từ đầu năm mới là một yếu tố quan trọng để đạt kế hoạch năm sau. Riêng năm 2004, Dệt Phong Phú cơ bản đảm bảo tiến độ kế hoạch doanh thu và xuất khẩu, là một trong những doanh nghiệp phấn đấu đạt doanh thu trên 1.400 tỷ đồng.

Năm nay, ngành dệt thật sự gặp khó khăn vì nguyên phụ liệu tăng giá đột ngột ngay từ đầu năm trong khi các đơn hàng đã được ký kết và chuẩn bị từ cuối năm trước đó. Cũng đầu năm, Phong Phú ký đơn hàng xuất khẩu cho Target (Mỹ) bằng phương pháp đấu thầu qua mạng, trị giá trên 4 triệu USD. Ngay sau khi ký hợp đồng, giá nguyên phụ liệu tăng đột biến, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của đơn hàng.

Chuẩn bị cho các đơn hàng năm 2005, Phong Phú đã liên kết sử dụng thiết bị của một số doanh nghiệp bạn chưa được khai thác hiệu quả trong cùng Tổng Công ty Dệt May Việt Nam (Vinatex). Một số doanh nghiệp đã đồng ý chuyển máy dệt, dây chuyền hoàn tất, để Phong Phú cử người quản lý, tổ chức sản xuất nghiêm túc ngay từ đầu năm. Hợp đồng với Target trong 6 tháng đầu năm 2005 sẽ xuất khoảng 2 triệu USD cũng cần có sự chuẩn bị từ bây giờ. Ông Trần Quang Nghị, Tổng Giám đốc Công ty Dệt Phong Phú khẳng định, năm 2005 Phong Phú vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa mở rộng các hoạt động kinh doanh dịch vụ-thương mại để đưa doanh thu lên 2.000 tỷ đồng.

Cũng từ đầu năm đến nay, Vinatex đã chỉ đạo cho các đơn vị thành viên mở thêm một số nhà máy may tại các tỉnh nhằm tăng nhanh được lượng hàng hóa xuất khẩu. Ông Vũ Đức Thịnh, Tổng Giám đốc Vinatex đánh giá, việc đưa nhanh các nhà máy mới vào hoạt động vừa tăng lượng hàng xuất khẩu, vừa góp phần phát triển ngành công nghiệp cho các tỉnh. Đây cũng là khuynh hướng cần thiết, vì do giá nhân công tại khu vực các thành phố lớn hiện khá cao nên chuyển dịch về các địa phương có thể sử dụng được nguồn nhân công giá rẻ.

Kết quả, chỉ riêng Công ty May Việt Tiến đã có thêm 4 nhà máy mới đưa vào hoạt động trong năm nay, giải quyết gần 5.000 lao động cho các tỉnh và khối lượng hàng hóa của Việt Tiến tăng đáng kể góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch doanh thu cả năm 1.400 tỷ đồng.

Thêm nhiều loại hàng hóa xuất khẩu tiềm năng

Ngoài các mặt hàng dệt may có khả năng mang lại kim ngạch xuất khẩu 4,2 tỷ USD trong năm nay, ngành da giày cũng đã có nhiều nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ. Tính đến nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đã đạt trên 2 tỷ USD và có khả năng đạt trên 2,6 tỷ USD trong năm nay.

Ông Nguyễn Gia Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam cho biết, trong khi các doanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp không tăng trưởng nhưng khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng rất mạnh. Điển hình là Công ty Đỉnh Vàng, một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong ngành da giày đang tiếp tục mở rộng sản xuất, thu hút gần chục ngàn lao động tại khu vực Hải Phòng. Doanh nghiệp này tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, đầu tư nhà xưởng và thiết bị hiện đại, do vậy đã nhận được các đơn hàng từ các hãng có thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Theo ông Nguyễn Gia Thảo, các doanh nghiệp trong nước nên chuyển dần từ gia công sang làm hàng FOB để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, nhưng cũng hết sức thận trọng vì tỷ lệ rủi ro rất lớn. Đồng thời, các nhà máy nên chuyển gia công các sản phẩm giày cấp thấp sang giày cao cấp để tăng giá trị gia công, tăng khả năng cạnh tranh cho ngành da giày Việt Nam.

Cũng trong 10 tháng qua, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đã xuất khẩu thuốc lá điếu đạt kim ngạch gần 29 triệu USD, tăng 90,6%, mở ra triển vọng thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mở rộng diện tích trồng cây thuốc lá vàng sấy. Công ty Dầu thực vật-Hương liệu- Mỹ phẩm Việt Nam cũng nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh luyện, với kim ngạch xuất khẩu trên 30 triệu USD, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm các doanh nghiệp nhựa xuất khẩu lượng hàng hóa đạt kim ngạch tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ…

Mới đây, Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên gồm 50 xe ô tô khách các loại sang Dominica, mở ra triển vọng xuất khẩu hàng loạt xe trong năm tới. Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam vừa chuẩn bị xong các thủ tục để triển khai đóng 17 tàu chở hàng có trọng tải 53.000 tấn cho Anh… Đây là các sản phẩm xuất khẩu mới quan trọng, mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo trong nước phát triển.

(Theo SGGP)

 

Về đầu trang 

Thủy sản Việt Nam tìm đường vào Đức

Soạn: AM 184269 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Thông qua Công ty Dịch vụ phát triển thực phẩm Việt Nam (VFP), vừa qua lần đầu tiên một số công ty thủy sản Việt Nam đã tổ chức "Ngày thủy sản Việt Nam" tại Hãng sản xuất máy bay Airbus ở Hamburg (Đức). Khoảng 70 mặt hàng thủy sản đã được chế biến ngay tại chỗ và trưng bày phục vụ khách.

Công ty Dịch vụ thực phẩm của Hãng Airbus cùng 60 đối tác là các công ty dịch vụ thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các hệ thống nhà hàng của các tập đoàn sản xuất xe hơi, điện thoại, điện tử lớn ở Đức đã đến dự buổi ra mắt đặc biệt này. Đây là những công ty từ trước đến nay chỉ nhập khẩu các sản phẩm thủy sản Việt Nam qua trung gian.

(Theo TN)

 

Về đầu trang 

Sao lại “hành” DN đến vậy?

DN Mạnh Thắng chuyên kinh doanh các loại săm lốp xe tại số 2 quốc lộ 1A, P.7, thị xã Sóc Trăng do ông Vũ Mạnh Thắng làm chủ. Hiện ông Thắng đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để chuẩn bị khởi kiện Chi cục Thuế thị xã Sóc Trăng ra tòa.

Theo ông Thắng, ngày 16-8-2004, Chi cục Thuế thị xã Sóc Trăng đã lập biên bản quyết toán hóa đơn và thu hồi 37 hóa đơn trắng còn lại trong quyển hóa đơn GTKT-3LL ký hiệu LD/2004-N. Trong biên bản quyết toán hóa đơn Chi cục Thuế đã không nêu ra một lý do nào về việc thu hồi hóa đơn của DN.

Sau khi bị “trắng tay”, mỗi ngày ông Thắng phải đi mua từng hóa đơn lẻ để xuất cho khách hàng. Đến ngày 30-9, ông Thắng đến Chi cục Thuế để mua tiếp hai hóa đơn lẻ nhưng lại bị nơi đây từ chối, không bán. Ngày 1-10, ông Thắng đã làm đơn kêu cứu đến Cục Thuế tỉnh và nơi đây có văn bản yêu cầu Chi cục Thuế trả lời cho DN Mạnh Thắng. Nhưng mãi đến ngày 26-10 ông Thắng vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi nào của Chi cục Thuế thị xã.

Từ ngày không có hóa đơn, DN Mạnh Thắng lâm vào cảnh khốn khó, nhiều khách hàng đã bỏ đi nơi khác vì DN không xuất được hóa đơn bán hàng. Doanh thu giảm từ 200 triệu đồng/tháng còn 60 triệu đồng/tháng, dẫn đến thua lỗ. Những khoản khách hàng nợ DN ông Thắng cũng không thu hồi được vì không giao được hóa đơn.

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã tìm đến Chi cục Thuế thị xã Sóc Trăng. Theo ông Lâm Kim Tuân, lý do thu hồi hóa đơn của ông Thắng là do ngày 16-8 DN này đã tự ý xuất hóa đơn bán hàng số 0028811, 0028812 và 0028813 cho chính bản thân DN Mạnh Thắng để thanh lý hàng tồn kho. Ông Tuân khẳng định rằng do đơn vị mua hàng là hộ khoán Mạnh Thắng nên đây chính là hành động tự ý chuyển phương thức đóng thuế từ phương pháp khấu trừ sang phương pháp khoán nên buộc phải thu hồi số hóa đơn còn lại.

Để minh chứng thêm cho việc thu hồi hóa đơn của DN Mạnh Thắng là đúng, bà Lý Tố Nga - quyền chi cục trưởng Chi cục Thuế thị xã Sóc Trăng - đã đưa chúng tôi xem một xấp tờ khai thuế giá trị gia tăng của nửa tháng tám cùng bảng quyết toán thuế thu nhập DN của DN Mạnh Thắng và cho rằng: “Nếu ông Thắng không tự ý chuyển sang hình thức đóng thuế khoán thì ông ấy đâu có nộp bảng quyết toán thuế thu nhập DN này làm chi!”.

Còn ông Thắng thì cho biết: “Do tôi không còn hóa đơn khấu trừ nào vì bị Chi cục Thuế thu hồi và bắt tôi phải mua hóa đơn lẻ nên ngày 18-8 (sau khi bị thu hồi hóa đơn hai ngày) tôi phải kê khai và nộp hồ sơ này cho ngành thuế chứ đâu phải nộp bảng quyết toán là nghỉ đóng thuế theo hình thức khấu trừ”.

Về chuyện không ghi lý do thu hồi hóa đơn (để trống trong biên bản) của Chi cục Thuế thị xã Sóc Trăng, bà Lý Tố Nga cho rằng để trống là do DN của ông Thắng không hề có vi phạm nào nên không thể ghi vào đó lý do gì cả. Như vậy, đã quá rõ ràng là DN Mạnh Thắng không vi phạm gì nên không thể bị thu hồi hóa đơn nhưng Chi cục Thuế làm ngược lại và cuối cùng là cắt luôn việc bán hóa đơn bán lẻ!

(Theo TT)

 

Về đầu trang 

Đà Nẵng: sẽ gặp gỡ doanh nghiệp ba lần/năm

Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng với 37 doanh nghiệp (DN), chủ tịch UBND TP Hoàng Tuấn Anh cho biết sẽ định kỳ tổ chức gặp gỡ DN ba lần/năm chia theo từng khối công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và thủy sản - nông - lâm.

Một số khó khăn của DN đã được giải quyết ngay như tăng thời hạn hợp đồng thuê đất từ 10 - 15 năm để DN yên tâm đầu tư sản xuất, công bố qui hoạch và bố trí mặt bằng sản xuất mới cho các DN phải di dời, giải tỏa, tạo điều kiện cho các DN có sản phẩm tốt cung cấp cho các dự án của TP, giúp DN quảng bá sản phẩm thông qua các hoạt động đối ngoại TP...

Chủ tịch UBND TP cũng đồng ý thành lập Hội Công thương nhằm gắn kết quan hệ giữa các DN công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện xây dựng thương hiệu mạnh cho các sản phẩm công nghiệp của Đà Nẵng.

Cũng tại cuộc gặp gỡ nhiều DN có ý kiến phàn nàn về một số cán bộ có thái độ không hòa nhã, vòi vĩnh DN. Ông Hoàng Tuấn Anh đề nghị DN nên báo cụ thể cho lãnh đạo TP biết để có biện pháp xử lý.

(Theo TT)

 

Về đầu trang 

Ông Jon Vea, Giám đốc đối ngoại Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Na Uy:

Sẽ tăng cường hợp tác về dầu khí, thủy sản

Hôm nay 1/11, đức vua Na Uy Harald V và hoàng hậu Sonja bắt đầu chuyến thăm VN kéo dài đến 5-11.

Soạn: AM 184271 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Ông Jon Vea, Giám đốc đối ngoại Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Na Uy.

Trước thềm chuyến thăm, tại thành phố Oslo (thủ đô Na Uy), Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Jon Vea, giám đốc đối ngoại Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Na Uy, về sự kiện này. Ông Vea cho biết:

- Điều đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh về chuyến thăm này là một phái đoàn gồm 130 doanh nghiệp Na Uy sẽ tháp tùng nhà vua và hoàng hậu. Chúng tôi đặt ra khá nhiều mục tiêu và sứ mệnh phải thực hiện trong chuyến đi này.

- Thưa ông, những lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên thảo luận trong các cuộc gặp gỡ giữa hai bên trong chuyến viếng thăm này?

- VN và Na Uy có khá nhiều điểm tương đồng, đặc biệt đều có bờ biển dài, địa hình nhiều đồi núi. Dầu khí và thủy sản đóng vị trí quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu của cả hai nước. Đây cũng chính là những lĩnh vực chúng ta đang tăng cường hợp tác. Sẽ có những hội thảo chuyên đề về dầu và khí đốt, thủy điện, đóng tàu, thương mại, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản được tổ chức ở Hà Nội và TP.HCM. Một vài dự án sẽ chính thức được ký kết trong dịp này.

- VN đang đầu tư vào các nhà máy điện. Thủy điện lại là thế mạnh của Na Uy. Liệu sẽ có một nhà máy thủy điện vốn đầu tư của Na Uy tại VN?

- Có chứ, nhưng dự án này vẫn đang trong vòng bàn thảo. Các công ty của Na Uy đã có kế hoạch xây một nhà máy thủy điện tại VN. Khó khăn là VN chưa có thị trường điện chính thức nên các nhà đầu tư còn ngần ngại. Họ vẫn đang chờ sự hỗ trợ của Chính phủ Na Uy. Nếu chính phủ đồng ý sử dụng một phần nguồn vốn viện trợ cho VN để xây dựng hệ thống đường dây tải điện, tôi nghĩ dự án sẽ sớm được khởi động.

- Có phải vì vị trí địa lý quá cách xa nhau mà đầu tư của Na Uy vào VN cũng rất khiêm tốn, thưa ông?

- Hiện nay chỉ có một số công ty Na Uy có mặt tại VN, có thể kể đến Yara, Jotun và DNV. Tôi cũng đã nói chuyện với một số nhà đầu tư đang ngấp nghé thị trường VN. Họ nhận xét rằng ở VN luật chưa điều chỉnh được tất cả mọi mặt của đời sống, trong khi đối với nhà đầu tư, điều quan trọng nhất là tính có thể dự đoán được của môi trường kinh doanh. Tôi nghĩ VN đang nỗ lực để bảo đảm tính dự đoán được của hệ thống luật. Các nhà đầu tư nước ngoài có lẽ đã nhận ra điều đó, dĩ nhiên có cả các nhà đầu tư Na Uy.

- Ông kỳ vọng gì vào sự thay đổi của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước sau sự kiện này?

- Tôi nghĩ điều quan trọng nhất sau một chuyến đi là chúng ta phải nỗ lực theo dõi, thúc đẩy những cam kết đã được đặt ra. Phía Na Uy đã có hẳn một chương trình “follow-up” và tôi nghĩ phía VN cũng đã có một kế hoạch tương tự. Chúng tôi sẽ báo cáo với Quốc hội Na Uy về những thành quả đạt được sau chuyến đi, làm gì để biến ý tưởng, các cam kết thành các dự án và biến các dự án thành hiện thực.

- Xin cảm ơn ông.

(Theo TT)

 

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi