Một số thông tin kinh tế trên các báo ra ngày 5/11
08:53' 05/11/2004 (GMT+7)

1.Đi qua vùng hạn Tây nguyên

2.Hạn hán có nguy cơ lan rộng

3. TPHCM đối phó khô hạn: Đồng loạt đóng cống, giữ nước ngọt

4. Vitas kiến nghị hỗ trợ người trồng bông 

Đi qua vùng hạn Tây nguyên

Soạn: AM 188080 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Một cánh đồng bắp bị héo rũ ở Chư Rê (Gia Lai).

TT - Bình thường mùa mưa ở Tây nguyên bắt đầu từ tháng năm và kết thúc vào tháng mười một, nhưng năm nay mới 20-9 đã dứt mưa.

Lạ hơn nữa là đầu tháng mười gió tây nam nhanh chóng ngoắt qua hướng đông bắc cấp 5, cấp 6, liên tục thổi từ các nương rẫy tung ra đường xoắn tít, gió như cào như cấu vào mặt đất bazan, tung bụi đỏ lên trời và hút theo lượng nước vốn dĩ rất ít ỏi từ các sông suối, hồ đập...

Cúng Yàng cầu mưa

Đến xã Chư Pơng, huyện Krông Búc (Đắc Lắc), chúng tôi gặp những cô gái Êđê đang ra ngoài dốc rẫy hứng những giọt nước cuối cùng gùi về dùng. Các già làng thì đang làm lễ cúng Yàng (Trời) để cầu Yàng cho thêm nước dưới suối Ea Tun cho lũ làng qua khỏi cơn khát gắt gao lúc này.

Một cô gái đang hứng nước có tên H’Ngoan Niê bẽn lẽn: “Cả tháng trời nay rồi, dân làng Chư Pơng này cực lắm”. Theo các cô kể, ai cũng phải thức khuya dậy sớm đi mót từng bầu nước trong các hang hốc ngoài suối về dùng. Giếng thì nhà nào cũng có và mọi năm nước đầy, tháng mười - mười một chỉ cần cúi lưng chao gáo là múc được.

Từ tháng giêng - hai trở đi mới dùng đến dây gàu múc nước. Còn năm nay mới tháng mười mà giếng khô đáy cả rồi. Bắp và bí ngoài rẫy chết hết, cà phê trong vườn đang héo dần héo mòn. Cả buôn Chư Pơng đã phải góp mỗi nhà 2.000 đồng để mua con heo ba nắm, năm con gà, hai ché rượu cần để già làng Ama Pheng cúng Yàng, cầu Yàng cho có nước.

Đi dọc các xã Ea Lê, Ea Rốc, Ea Bung, Chư Mlanh (huyện Ea Súp) đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh bà con nông dân các dân tộc xót xa, bất lực trước những ruộng lúa, rẫy bắp, nương đậu, vườn bông vải... đang khô cháy trong cơn nắng hạn.

Ông Cao Minh Lự đang chăn thả bò trên một cánh đồng lúa đã khô cháy hoàn toàn từ lúc lúa mới ngậm đòng. Ông Lự kể: “Tôi từ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vào xã Ea Lê xây dựng kinh tế mới đã 25 năm nhưng chưa bao giờ thấy hạn hán giữa mùa mưa như thế này. Gia đình tôi gieo cấy một mẫu lúa, năm sào bông vải, hai sào khoai lang, tất cả đã đi tong theo nắng hạn.

Đói là cái chắc và hiện hai đứa con lớn của tôi đã phải ra ngoài Buôn Ma Thuột làm thuê kiếm sống. Khốn hơn là nợ vay ngân hàng mua hạt giống, phân tro gần cả chục triệu đồng rồi sẽ lấy gì mà trả nợ đây. Huyện có về kêu gọi dân chống hạn nhưng có tí nước nào đâu mà chống với chẳng trả...”.

Bốn gạo + ba bắp non + ba rễ khoai lang

Lên Đắc Nông, tình cảnh khốn đốn chẳng kém Đắc Lắc. Bắp, bông vải, đậu nành vụ thu đông đều nhờ nước trời nên cuối tháng chín dứt mưa lại gặp gió mạnh đã khô cháy rất nhanh, nhất là các thời điểm cây trồng đang nằm trong pha sinh trưởng hoặc chuyển từ pha sinh trưởng sang pha phát triển.

Chị Lê Thị Em - thôn 2, xã Nam Dong, huyện Chư Dút - nghẹn ngào trong nước mắt: “Gia đình phải cho hai đứa con đang học cấp II nghỉ học vào rừng kiếm măng le về, để vừa có cái ăn, vừa bán kiếm tiền đong gạo. Cả nhà làm được 2ha đậu nành và bắp lai với bao công sức, tiền của, bây giờ hạn làm trắng tay!

Vụ đông xuân cũng đã bắt đầu nhưng đành bỏ hoang đất chờ đến mùa mưa năm sau chứ bây giờ lấy đâu ra nước mà gieo vãi, trồng trỉa”. Chị cũng cho biết là không lấy tiền đâu ra để tính chuyện đào giếng, vì thợ đòi những 500.000 đồng một mét giếng đào sâu, mà muốn có nước phải đào 30m trở lên. Đó là chưa kể đã có giếng rồi lại phải sắm máy bơm tưới.

Ở Gia Lai, ghé vào xã Trang, huyện Đắc Đoa chúng tôi gặp ông Nay Đía, A Dớt, H'Len... đang đứng bên ruộng khoai héo rũ. Bà con đang cho bò ăn lá, dây, còn rễ chưa thành củ thì bới lên đem về băm nhỏ để nấu cháo theo... tỉ lệ: bốn gạo + ba bắp non + ba rễ khoai lang.

Theo báo cáo nhanh với Chính phủ của các tỉnh Tây nguyên, đến ngày 4-11 diện tích cây trồng thu đông bị hạn nặng tại Đắc Lắc 28.370ha (mất trắng 17.200ha), Đắc Nông 19.210ha (mất trắng 14.000ha), Gia Lai 24.315ha (mất trắng 9.000ha). Riêng Kontum có “dịu” hơn nhưng hạn bắt đầu đe dọa sản xuất vụ đông xuân ở tỉnh này vì nước trong các hồ đập tỉnh Kontum chỉ đủ tưới một tháng là cạn kiệt.

 

Soạn: AM 188082 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Người và cánh đồng lúa chết trông mưa (Ninh Phước, Ninh Thuận) - Ảnh: L.T.

Đến đầu tháng mười một này, Ninh Thuận đã phải chịu đựng gần 200 ngày của mùa khô khắc nghiệt. Và dẫu đã vào tiết mưa hơn một tháng nhưng nắng nóng vẫn tiếp tục như đổ lửa.

Theo khảo sát mới nhất của ngành nông nghiệp & phát triển nông thôn Ninh Thuận, hầu hết sông suối, dòng chảy nhỏ đều cạn kiệt. Hồ Tân Giang thuộc vùng cao Phước Hà - công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh - với dung tích gần 14 triệu m3 nước, nay chỉ còn xấp xỉ 300.000m3. Riêng các hồ Thành Sơn (Ninh Hải), CK7 (Ninh Phước) vốn phục vụ tưới khoảng 3.000ha đất sản xuất của tỉnh hiện đã rơi vào “mực nước chết”.

Ngay cả hệ thống thủy điện Đa Nhim (Krông Pha) mực nước đã tụt thấp hơn bình thường đến trên 10m. Như vậy khả năng điều tiết của công trình thủy lợi này cho hàng ngàn hecta đất màu mỡ của huyện Ninh Sơn và một phần thị xã Phan Rang - Tháp Chàm xem như... “vô phương cứu chữa”.

Tại huyện Bác Ái, hạn hán đang dồn người dân vào thế khốn cùng. “Chưa lúc nào Ninh Thuận phải đối mặt với hạn hán như năm nay. Dữ dội quá...”. Lãnh đạo các địa phương và ngành nông nghiệp & phát triển nông thôn Ninh Thuận lo lắng ra mặt khi tình hình nắng nóng đang tiếp tục đe dọa hơn 5.000ha cây trồng và hàng chục ngàn gia súc, gia cầm chắc chắn sẽ phát sinh dịch bệnh vì... “khát” nước.

Soạn: AM 188084 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Dù đang thời điểm giữa mùa mưa nhưng giếng đào ngay giữa ruộng vẫn không có nước để tưới (ảnh chụp tại xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa).
 Ảnh: Dương Thanh Xuân

* Trong khi đó, Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Phú Yên cho biết tình trạng khô hạn ở các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân đang diễn ra trong thời điểm mà mọi năm là giữa mùa mưa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Phú Yên, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh chỉ có vài cơn mưa với lượng nước thấp nhất từ trước đến nay. Hiện nhiều sông suối, hồ chứa nước, trạm bơm ở vùng miền núi Phú Yên bị khô cạn hơn mùa khô mọi năm.

Hiện đã có hơn 2.500ha lúa rẫy và 1.800ha bắp lai ở các huyện nói trên không thu hoạch được, hàng ngàn hecta đất sản xuất bị bỏ hoang. Ngay cả các giống lúa cạn chịu hạn tốt nhất cũng bị khô héo, thiệt hại đến 70% năng suất.

(Theo Tuổi Trẻ)

Về đầu trang 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Phạm Hồng Giang:

Hạn hán có nguy cơ lan rộng

Soạn: AM 188086 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

TT - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phạm Hồng Giang nhận định: hạn hán đã và đang diễn ra ở Tây nguyên, Nam Trung bộ và nguy cơ lan rộng khắp cả nước. Diễn biến thời tiết, thủy văn năm nay trên cả nước đều có chiều hướng bất lợi.

Nước các dòng chảy sông, suối, mương máng đều giảm. Nước các hồ chứa cũng tụt thấp đến 50% so với mức trung bình nhiều năm.

Nguồn nước ngầm cũng suy cạn… Năm nay thời tiết bất thường, tháng sáu, bảy thì nắng nóng (tăng khả năng bốc hơi nước - PV), trong khi mưa bão lại không đến theo qui luật. Mực nước tất cả sông, hồ đều ở mức thấp, lượng dòng chảy cũng ở mức nhỏ.

Nước ở hệ thống các hồ chứa, đập dâng cũng cạn kiệt, có những hồ ở Tây nguyên, Nam Trung bộ, miền núi trung du phía Bắc và đồng bằng sông Hồng dung lượng chứa chỉ còn 10 - 60%. Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng tụt xuống thấp nhất trong vòng gần 50 năm qua (từ năm 1956)…

Chúng tôi nhận định đợt hạn hán này sẽ vô cùng gay gắt và mức độ sẽ hơn hẳn đợt hạn năm 1998 và năm 1961 trên mọi phương diện.

* Bộ NN&PTNT đã chủ động đối phó với hạn như thế nào?

- Chúng tôi đã triển khai các biện pháp từ hơn một tháng nay. Bộ đã chỉ đạo các sở NN&PTNT phải coi chống hạn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Toàn ngành nông nghiệp phải trực tiếp bắt tay vào việc chống hạn.

Cụ thể: chúng tôi chỉ đạo các sở, ngành của mình phải rà soát, nắm tình hình nguồn nước và có biện pháp điều chỉnh kế hoạch sản xuất với khả năng cấp nước ở mỗi vùng, mỗi công trình thủy lợi.

Nơi nào không có khả năng về nguồn nước phải vận động nhân dân nhanh chóng chuyển đổi cây trồng, bỏ trồng lúa sang trồng các cây chịu hạn; đồng thời phải điều chỉnh lượng nước hiện có, ưu tiên những vùng, những cây thật sự có nhu cầu. Các địa phương phải điều tiết lượng nước hiện có để phục vụ tưới đến tháng 3-2005. Chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương nhanh chóng tổ chức nạo vét lại kênh, mương.

Hiện nguồn nước còn lại ở các hệ thống chỉ có thể đảm bảo được 50% diện tích canh tác. Vì thế ngay trong năm nay, 50% diện tích thiếu nước, tương đương khoảng 4 triệu ha đất canh tác phải tiến hành chuyển đổi.

* Bộ đã có chính sách gì để hỗ trợ việc chuyển đổi này?

- Các địa phương phải tích cực tuyên truyền cho việc chuyển đổi này. Chúng tôi đã đề nghị các địa phương hỗ trợ cây giống cho dân thực hiện việc chuyển đổi. Còn những nơi được khuyến cáo không trồng lúa vì có khả năng thiếu nước, nếu dân vẫn trồng thì sẽ không được hỗ trợ gì.

(Theo Tuổi Trẻ)

 

Về đầu trang 

TPHCM đối phó khô hạn: Đồng loạt đóng cống, giữ nước ngọt

Soạn: AM 188088 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Theo Cục Quản lý nước và công trình thủy lợi (Bộ NN-PTNT), lượng nước dự trữ các hồ chứa khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ đều ở mức thấp hoặc rất thấp. Hầu hết các hồ chứa chỉ đạt 80% - 85% dung tích thiết kế. Riêng hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh), hồ thủy lợi lớn nhất khu vực, chỉ đạt khoảng 55% dung tích. Hồ Tân Giang (Ninh Thuận) chỉ còn 300.000m3 so với 12 triệu m3 nước thiết kế. Hồ Cà Giây (Ninh Thuận) chỉ có 8 triệu m3/37 triệu m3 nước thiết kế.

Tình hình khô hạn năm nay sẽ xuất hiện sớm hơn hàng năm, trong khi đó theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, cao điểm khô hạn sẽ diễn ra từ tháng 2 đến tháng 4-2005.

Ngày 4-11, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Công ty Quản lý khai thác hồ Dầu Tiếng, cho biết, mực nước hồ hiện nay đang ở cao trình 21,15m, tức là giảm 2cm so với cuối tháng 10. Hiện nay, mới vào cuối mùa mưa, mực nước cao nhất chỉ đạt 21,17m (so với mực thiết kế là 24,44m), tương đương khoảng 965 triệu m3 nước, tức là thiếu hụt trên 600 triệu m3 nước, thì việc giảm đi 2cm nước không còn là chuyện nhỏ.

Hồ Dầu Tiếng không chỉ phục vụ tưới tiêu cho trên 60.000ha tỉnh Tây Ninh và TPHCM, mà còn làm nhiệm vụ đẩy mặn tạo nguồn khoảng 40.000ha ven sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Ngoài ra, hồ còn cung cấp 80 triệu m3 phục vụ cho sản xuất công nghiệp và nước sinh hoạt.

Theo ông Nguyễn Trường Xuân, Giám đốc Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM, mùa khô 2003-2004 đã khô hạn thì năm nay (2004-2005) cũng sẽ khô hạn tiếp và có phần nặng hơn những gì đã tiên liệu.

Công ty Quản lý khai thác hồ Dầu Tiếng, chuẩn bị trước các phương án, trong đó, chấp nhận việc tưới luân phiên ngay từ đầu vụ. Riêng TPHCM, ngày 5-11, 2 địa phương có diện tích đất nông nghiệp sử dụng nguồn nước kênh Đông là Củ Chi và Bình Chánh, cần có kế hoạch điều tiết nguồn nước sản xuất cụ thể.

Ngay hôm nay, 5-11, tất cả cống thuộc công trình thủy lợi Hóc Môn – Bắc Bình Chánh sẽ đồng loạt được đóng lại, để giữ nước ngọt và chỉ mở cống vào những đợt triều cường (2 lần/ tháng, lúc nước dâng cao) để lấy thêm nước ngọt vào hệ thống các kênh. Việc tập trung tu sửa bờ kênh, tránh bị thất thoát, sửa chữa lại các máy bơm sẵn sàng ứng phó… phải được chuẩn bị ngay từ bây giờ.

(Theo SGGP)

Về đầu trang 

Vitas kiến nghị hỗ trợ người trồng bông

Hà Nội (TTXVN) - Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập quỹ bình ổn giá và trợ giá cho người trồng bông.

Theo Vitas, cần khuyến khích duy trì các cánh đồng chuyên canh bông vải, nhất là trong tình hình hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở khu vực Đắc Lắc và Đông Nam Bộ khiến cho gần 6.000ha bông có nguy cơ mất mùa.

Kiến nghị này nhằm đảm bảo cho ngành bông thực hiện mục tiêu sản xuất 30.000 tấn bông xơ vào năm 2005 và 80.000 tấn bông xơ vào năm 2010./.

(Theo TTXVN)

Về đầu trang 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi