Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 8/11
08:39' 08/11/2004 (GMT+7)

1.Cần 22.654 tỷ đồng hiện đại ngành công nghiệp đóng tàu

2.Bao giờ “cờ” mới đến “tay”?

3.Hàng Tết dồi dào nhưng giá sẽ tăng

4.Giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng cao

5.Cái đích của 181: trật tự trong qui hoạch kiến trúc & chống đầu cơ

6.Thất thoát, lãng phí xảy ra phổ biến ở các công trình, dự án

Cần 22.654 tỷ đồng hiện đại ngành công nghiệp đóng tàu

Chương trình phát triển ngành công nghiệp đóng tàu thủy Việt Nam từ năm 2002 đến 2010 sẽ cần khoảng 22.654 tỷ đồng (giai đoạn từ năm 2002 - 2005 cần 10.354 tỷ đồng và giai đoạn từ 2006 - 2010 cần 12.300 tỷ đồng). Trong đó, vốn của các liên doanh là 10.920 tỷ đồng, vốn vay nước ngoài 813 tỷ đồng, vốn trong nước cần 10.921 tỷ đồng.

Soạn: AM 189850 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (Vinashin) đã đóng mới được tàu hàng 6.500 tấn Vinashin Ship 1, tàu có trọng tải lớn nhất ở phía Nam. Chương trình sẽ tập trung đầu tư trong giai đoạn 2002 - 2005 chủ yếu nâng cấp hoàn thiện, mở rộng cạnh tranh công nghệ đóng tàu biển có trọng tải đến 50.000 tấn và bắt đầu cho các dự án đóng tàu đến 100.000 tấn cho những năm sau; sửa chữa tàu và hệ thống giàn khoan biển có trọng tải đến 400.000 tấn tại Nhà máy Liên doanh Hyundai - Vinashin.

Đối với các dự án đóng mới tàu, Công ty Công nghiệp đóng tàu thủy Nam Triệu đã được đầu tư để đóng và sửa chữa tàu đến 50.000 tấn, là đơn vị chủ lực trong thực hiện hợp đồng đóng 17 tàu có trọng tải 50.000 tấn của Anh.

Mới đây, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cũng đã thu xếp vay vốn của Chính phủ Trung Quốc 99,8 triệu USD để xây dựng nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2008...

(Theo SGGP)

Về đầu trang 

Chuyển giao công nghệ cho nông dân

Bao giờ “cờ” mới đến “tay”?

Soạn: AM 189852 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Theo đánh giá của các nhà khoa học, trong vòng 5 năm gần đây, công nghệ đã đóng góp khoảng 30% trong giá trị tăng trưởng của nông nghiệp ở nước ta. Thế nhưng, những công nghệ đã được áp dụng hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu.

Ít thuận lợi, nhiều rào cản

GSTS Võ Tòng Xuân đưa ra một thông tin ấn tượng: “Hàng năm, các nước trên thế giới chi gần 50 tỷ USD cho các nhà khoa học, viện nghiên cứu… để phát triển con người, nhưng trên trái đất vẫn còn gần 1 tỷ người sống trong nghèo đói. Ở nước ta, thành quả KHCN không ít, thậm chí có thể nói là phải “trùm mền” ở các viện, trường, nhưng nông dân vẫn đói công nghệ là một nghịch lý khó chấp nhận”.

Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ (Khoa Nông nghiệp – ĐH Cần Thơ) đã làm một nghiên cứu nhỏ về những rào cản. Theo ông, 5 yếu tố ảnh hưởng đến “đường đi” của công nghệ xuống đồng ruộng, đó là cơ sở hạ tầng, thị trường, hình thức khuyến nông, trình độ nắm bắt của nông dân và phương pháp khuyến nông đều chưa phù hợp.

Nông dân Võ Ngọc Triểm – “vua” nhân giống lúa ở An Giang bộc bạch: “Hầu hết bà con đều ngại làm theo khuyến cáo, vì lỡ có chuyện gì xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?”. Trong thực tế sản xuất ở ĐBSCL đã từng xảy ra chuyện cung cấp giống cây kém chất lượng, khi trồng đến tuổi cho trái thì không ra trái, cả nhà nông lẫn nhà cung cấp giống đều “dở khóc, dở mếu”.

Đẩy mạnh chuyển giao bằng cách nào?

GSTS Võ Tòng Xuân cho rằng nông dân hiện nay rất cần kỹ thuật cao; cần được các nhà khoa học, quản lý và nhà nước chăm sóc tốt hơn nữa. Điều này phải cụ thể hóa bằng chính sách. Với quan điểm tương tự, GSTS Phạm Văn Biên khẳng định: “Công nghệ muốn nhanh chóng được nông dân chấp nhận và áp dụng rộng rãi thì phải thực hiện sự vượt trội cả về khía cạnh kỹ thuật lẫn hiệu quả kinh tế, nghĩa là giá thành phải hạ và chất lượng phải cao”. Thế nhưng, chuyển giao bằng cách nào và làm thế nào để nông dân đón nhận công nghệ không là chuyện đơn giản.

TS Lê Minh Sắc – Vụ phó Vụ KH- CN (Bộ KH-CN) đề xuất: “Khi chuyển giao cho nông dân phải có phương thức phù hợp, có mục tiêu sản xuất rõ ràng, phải phù hợp với trình độ và khả năng của nông dân. Chuyển giao công nghệ bằng nhiều con đường, nhưng trên mô hình và máy móc, thiết bị cụ thể là chính. Việc xây dựng các mô hình trình diễn luôn có vai trò hết sức quan trọng. Trăm nghe không bằng một thấy. Thông qua hiệu quả các mô hình trình diễn, người nông dân sẽ dễ dàng tiếp thu và tin tưởng vào các tiến bộ KHCN được giới thiệu”.

Hiện nay ở ĐBSCL, Nông trường sông Hậu là đơn vị tiên phong khi áp dụng nhiều hình thức chuyển giao hiệu quả, thông qua sự liên kết với Viện lúa ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, thường xuyên giới thiệu, trình diễn nhiều mô hình mới trong canh tác, thu hoạch, như máy sạ hàng, công nghệ bảo quản trái xoài… Thế nhưng, nỗ lực trên vẫn là ít ỏi so với thực tế mênh mông của sản xuất nông nghiệp trong khu vực.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Huỳnh Thế Năng – Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho rằng: “Ở các địa phương, nông dân tiếp nhận công nghệ rất máy móc, thậm chí đã đơn giản hóa quy trình công nghệ một cách tối đa. Vì thế, muốn chuyển giao công nghệ thành công và bền vững phải có mạng lưới cán bộ khoa học cấp cơ sở có trình độ trung cấp trở lên tiếp nhận trước rồi hướng dẫn cụ thể cho nông dân”.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ KHKT cấp cơ sở hiện nay hết sức mỏng. Cần Thơ là một ví dụ. Quận, huyện nào cũng có phòng KH-CN, nhưng biên chế thấp, chính sách không rõ ràng, nên cán bộ ở đây chỉ đảm đương được công việc quản lý nhà nước.

Trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, nhu cầu của sản xuất đối với KHCN là rất lớn và rất đa dạng nhưng thường mang tính thời vụ, sức mua của người dân có hạn, do vậy, lựa chọn công nghệ nào để phổ biến có hiệu quả là một bài toán khó. Vấn đề đặt ra là làm thế nào mở cửa thị trường và mạng lưới thông tin để nông dân tiếp cận thiết bị công nghệ mới hiệu quả nhất.

Tiến sĩ Lê Quốc Doanh – Viện Khoa học nông nghiệp cho rằng các nhà khoa học trưng bày, giới thiệu công nghệ ở các hội chợ triển lãm, trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng thường dừng lại ở mức độ chung chung, không nói rõ bán công nghệ ở đâu, giá bao nhiêu, làm hiệu quả thông tin rất thấp, khả năng bán công nghệ bị hạn chế nhiều. Vì vậy, mở rộng dạng lưới thông tin đến tận hộ nông dân là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, do trình độ của nông dân ĐBSCL nói chung còn thấp, nên việc đào tạo nâng cao kiến thức KHCN cho nhà nông là việc làm cần thiết. Ai sẽ làm việc này? Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang Huỳnh Thế Năng đề xuất phương án khuyến nông 4 thành phần như liên kết 4 nhà đối với sản xuất, đó là sự kết hợp giữa nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và… nhà báo.

Ông Năng cho rằng, hiện nay, các chương trình khuyến nông, phổ biến kiến thức KHKT trên truyền hình quá ít, mà chương trình giải trí thì nhiều, trong khi ở các nước trong khu vực, truyền hình đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ cho người dân…

(Theo SGGP)

 

Về đầu trang 

Hàng Tết dồi dào nhưng giá sẽ tăng

Năm nay giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao nên các đơn vị sản xuất hàng hóa Tết đã chủ động lên kế hoặch dự trữ nguyên liệu cũng như tiến hành sản xuất sớm hơn mọi năm nhằm chủ động nguồn hàng. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng chế biến vẫn phải tăng từ 5% - 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống thì không doanh nghiệp nào dám tuyên bố sẽ ổn định được giá bán trong dịp Tết.

Soạn: AM 189854 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Khảo sát qua các doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh hàng Tết, chúng tôi ghi nhận: Đến thời điểm này, hầu hết các đơn vị đã hoàn tất kế hoạch sản xuất kinh doanh dịp Tết. Nhiều đơn vị đã đi vào sản xuất để chuẩn bị cung cấp hàng ra thị trường. Đa số các đơn vị đều tăng lượng hàng so với Tết 2004.

Lượng hàng tăng từ 20% - 30%

Chợ hoa tổ chức tại 3 địa điểm

Hội Hoa xuân năm 2005 tổ chức tại Công viên Văn hóa Tao Đàn từ 25 Tết đến mùng 5 Tết với gần 10 khu vực trưng bày hoa kiểng, chim kiểng, hòn non bộ, hoa tươi, phong lan, xương rồng, cây khô... Hội hoa xuân năm nay có thêm 2 gian trưng bày các sản phẩm của một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Khu vực “ngôi nhà chung” trưng bày các hiện vật đoạt giải từ các kỳ thi của hội hoa xuân đã được tổ chức từ năm 1981 đến nay.

Chợ hoa xuân năm nay được tổ chức từ ngày 23 Tết đến 30 Tết tại 3 địa điểm: Công viên 23-9 (quận 1), Công viên Lê Văn Tám (quận 1), Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận). Tại Công viên 23-9 sẽ bố trí trên 700 lô hoa kiểng, Công viên Lê Văn Tám bố trí trên 100 lô và Công viên Gia Định từ 150 - 200 lô.

Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre có kế hoạch chuẩn bị 400 tấn hàng hóa như trà, thực phẩm chế biến cho thị trường Tết. Trong đó có 70 tấn lạp xưởng các loại. Công ty Vissan đã có kế hoạch sản xuất hàng Tết từ đầu tháng 6 với doanh số đầu vào 160 tỉ đồng, doanh số bán ra 190 tỉ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó mặt hàng heo bên là 3.400 tấn, tăng 17%; thịt trâu, bò xô: 360 tấn, tăng 76%. Mặt hàng lạp xưởng là 700 tấn (tăng 17%), thịt nguội 40 tấn (tăng 33%), xúc xích 950 tấn (tăng 30%), đồ hộp 300 tấn (tăng 58%), giò các loại 170 tấn (tăng 42%), sản phẩm chế biến khác 260 tấn (tăng 24%). Bà Vũ Thị Ngân, Giám đốc Chi nhánh TPHCM Công ty Cổ phần Đồ hộp Hạ Long, cho biết công ty đã chuẩn bị lượng hàng Tết cho thị trường TPHCM tăng 50% so với ngày thường. Các mặt hàng thuần túy miền Bắc cũng đã được chuẩn bị như chả giò, dưa ngót, hành muối...

Công ty Cổ phần Bánh kẹo Kinh Đô chuẩn bị khoảng 2.000 tấn bánh kẹo các loại. Ông Đỗ Viết Quang, Giám đốc thị trường Công ty Cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa - Bibica, cho biết các nhà máy của công ty hiện đang sản xuất 3 ca liên tục nhằm thực hiện kế hoạch Tết với sản lượng 3.000 tấn bánh kẹo (tăng 10% so với dịp Tết năm ngoái). Công ty Cổ phần Bánh kẹo Vinabico đã đầu tư 5 tỉ đồng cho khâu bao bì sản phẩm hàng Tết, doanh số Tết dự kiến 15 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.

Lạp xưởng tôm cá, chả lụa thủy sản

Tết năm nay Bibica sẽ tung ra thị trường 3 triệu hộp bánh bánh kẹo, bao bì được thiết kế hiện đại với nhiều kiểu dáng trong đó có các loại bánh kẹo mới như bánh phủ chocolate orienko, choco chip, snach khoai tây chấm chocolate potaso v.v... Vinabico có 500.000 hộp bánh các loại, trong đó có 3 loại bánh mới là: bánh quế hương cà phê phủ copuchino, kẹo dẻo hải sâm, kẹo trái cây các loại. Kinh Đô đầu tư thêm 30 sản phẩm bánh kẹo mới như bánh cracker chocolate, cracker, sữa, bánh quế wafer roll chocolate... Hộp bánh Kinh Đô được thiết kế thành từng bộ sưu tập mang phong cách Tết cổ truyền Á Đông.

Nhóm hàng thực phẩm chế biến cũng có nhiều mặt hàng mới. Chẳng hạn, Công ty Kinh doanh Thủy hải sản APT sẽ đưa ra thị trường loại lạp xưởng tôm (80.000 đồng/kg), lạp xưởng cá (60.000 đồng/kg), giò lụa, chả lụa thủy sản... Tương tự, ông Trần Văn Lập, Phó Phòng Kinh doanh hàng nội địa Xí nghiệp Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre, cho biết Cầu Tre tung ra nhiều mặt hàng mới như: cá cuộn da bastri, samosa thịt bò, chả giò mini, bánh củ cải, bánh xèo...

Giá thịt sẽ tăng cao?

Hầu hết các công ty sản xuất bánh kẹo đều cho biết sẽ tăng giá sản phẩm từ 5% - 10% do giá nguyên liệu đã tăng 20% - 30% so với cùng kỳ. Giá bánh kẹo của Kinh Đô từ 15.000 đồng - 60.000 đồng/hộp, tùy loại và trọng lượng. Bánh kẹo Bibica từ 8.000 đồng - 60.000 đồng/hộp, tùy loại...

Đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến đóng hộp, một số công ty như Vissan, Cầu Tre, APT đã điều chỉnh tăng giá từ 5% - 10% trong tháng 10 vừa qua và dự kiến sẽ giữ cho đến Tết.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Công ty Kinh doanh Thủy hải sản APT, cho biết APT đã có kế hoạch dự trữ 2.250 tấn thủy sản tươi sống (trong đó có đến 50% là mặt hàng cá đồng các loại do APT tự nuôi), tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào thời điểm này, cá đồng đang rớt giá khoảng 4.000 đồng/kg. Chẳng hạn, cá lóc đen chỉ còn 28.000 đồng/kg, cá lóc bông 24.000 đồng/kg, cá diêu hồng 22.000 đồng/kg... tuy nhiên, giá cả Tết cũng giống như mọi năm sẽ tăng từ 10% - 20%.

Theo ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng Ban Quản lý chợ đầu mối thịt heo Phạm Văn Hai - TPHCM, nguồn heo Tết năm nay không thiếu. Khu vực miền Đông (nguồn cung cấp heo chính cho TPHCM) có khá nhiều người đầu tư mở trang trại nuôi heo, với số lượng tăng gần gấp đôi so với trước. Tuy nhiên, giá heo hơi hiện nay đang tăng từ 16.000 đồng/kg lên 18.500 đồng/kg và dự kiến sẽ còn tăng cao vào tháng Tết. Giá heo hơi tăng là do người nuôi lâu nay có thói quen tính toán theo giá vàng. Nếu giá vàng vẫn đứng ở mức cao như hiện nay thì giá heo cuối năm sẽ còn biến động. Hơn nữa, nguồn gia cầm năm nay gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nên nhu cầu thịt heo, bò sẽ tăng.

Bà Phạm Thị Kim Hồng, Giám đốc Sở Thương mại TPHCM:

Khó dự báo chính xác giá cả

Do tình hình biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu trong năm cho nên Sở Thương mại TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại trực thuộc phải chuẩn bị nguồn hàng Tết từ giữa năm. Do có sự chuẩn bị sớm hơn mọi năm cho nên lượng hàng phục vụ Tết sẽ không thiếu, không có gì đáng lo ngại.

Tuy nhiên, về mặt bằng giá cả, nhiều tháng qua giá nhiều mặt hàng tăng liên tục và dự báo một số mặt hàng sẽ còn tăng vào dịp cuối năm nên sẽ ảnh hưởng đến sức mua. Người tiêu dùng sẽ cân nhắc, tính toán lại những mặt hàng cần mua sắm Tết. Mối lo ngại khác là tình hình dịch cúm gia cầm vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch cao, nhiều người tiêu dùng sẽ hạn chế sử dụng sản phẩm này vào dịp Tết mà chuyển sang mặt hàng thay thế khác như thịt heo, bò, thủy sản... Vì vậy các mặt hàng này sẽ hút hàng và kéo giá tăng theo.

(Theo NLĐ)

 

Về đầu trang 

Giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng cao

Theo nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ, giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu đã tăng 15-30% so với cùng kỳ do nhu cầu tăng mạnh để sản xuất những mặt hàng gỗ đáp ứng những hợp đồng xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu.

Tăng giá mạnh nhất là những loại gỗ công nghiệp như ván okal, MDF, ván ép, laminate, gỗ ghép, gỗ lạng... Một số doanh nghiệp chế biến gỗ dự báo: đồ gỗ thành phẩm cuối năm nay vẫn đứng giá, nhưng qua đầu năm 2005 sẽ tăng 15-20% trên giá xuất khẩu và giá nội địa, do ảnh hưởng giá nguyên liệu gỗ và xăng dầu tăng cao.

Theo các chuyên gia ngành gỗ, hiện nay lượng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên hằng năm của VN chỉ khoảng 50.000m3, trong khi nhu cầu các doanh nghiệp chế biến gỗ từ vài trăm ngàn lên đến cả triệu mét khối mỗi năm.

(Theo TT)

 

Về đầu trang 

Cái đích của 181: trật tự trong qui hoạch kiến trúc & chống đầu cơ

Một số bạn đọc của báo có điện thoại cho tôi, bày tỏ lo lắng về việc Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ quy định không cho phép "cắt đất bán nền".

Soạn: AM 189856 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Tôi xin nói ngay là những doanh nghiệp làm ăn chân chính và người dân thực sự có nhu cầu nhà ở không có gì phải băn khoăn về việc này. Và những người đã "lỡ mua nền" cũng không phải lo sợ bị thu hồi nền đất vì quy định không cho phép "cắt đất bán nền" chỉ áp dụng kể từ khi Nghị định số 181/2004/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 181 quy định: "Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê chỉ được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án được xét duyệt; trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở có dự án thành phần thì được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi đã hoàn thành việc đầu tư theo dự án thành phần của dự án đầu tư được xét duyệt; không cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức bán nền mà chưa xây dựng nhà ở".

Quy định đó xuất phất từ tình hình trong thời gian qua, không ít nhà đầu tư lập dự án xây dựng, kinh doanh nhà ở trình các cơ quan có thẩm quyền để xin giao đất nhưng sau đó chỉ đầu tư một ít cho san lấp mặt bằng hoặc hạ tầng dùng chung, rồi phân lô chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Việc làm đó không chỉ gây bất bình trong dư luận xã hội mà còn có những tác hại khác như việc xây dựng của từng hộ riêng rẽ trong nhiều trường hợp gây mất trật tự về quy hoạch, kiến trúc do không tuân theo nội dung dự án đã được phê duyệt. Đó là chưa kể rất nhiều người nhận chuyển nhượng đất phân lô nhưng không xây dựng vì nhiều lý do, trong đó có việc mua chỉ để đầu cơ, đã để đất trống trong thời gian dài, làm cho nhiều khu đô thị mới rất thiếu thẩm mỹ.

Việc không cho phép "cắt đất bán nền" chỉ áp dụng đối với những dự án xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê như đã nêu rõ trong Nghị định. Đối với các dự án đã và đang triển khai mà trong quyết định phê duyệt dự án hoặc trong quyết định giao đất, cho thuê đất ghi rõ là để đầu tư hạ tầng khu dân cư (không ghi xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê) thì không thuộc diện điều chỉnh của quy định này. Nói một cách dễ hiểu, dự án phê duyệt như thế nào thì thực hiện như thế đó rồi mới được chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Các doanh nghiệp xin giao đất, cho thuê đất với mục đích xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê không thể kêu ca về việc không có vốn để xây dựng nhà ở vì vốn là vấn đề cốt lõi của một dự án, đã được đặt ra và giải quyết khi thuyết minh dự án.

Nghị định không cấm các nhà đầu tư huy động vốn của những người có nhu cầu về nhà ở trả trước cho nhà đầu tư để thực hiện dự án. Cái đích mà Nghị định yêu cầu phải đạt tới là bảo đảm thực hiện đúng dự án đã được xét duyệt, bảo đảm trật tự trong quy hoạch và kiến trúc và hạn chế nạn đầu cơ gây khan hiếm giả tạo về đất đai.

(Theo TT)

 

Về đầu trang 

Đối thoại với... Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Kiên:

Thất thoát, lãng phí xảy ra phổ biến ở các công trình, dự án

Soạn: AM 189858 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Tham nhũng, thất thoát, lãng phí, đầu tư kém hiệu quả và giá cả biến động vùn vụt là hai đề tài nóng đang được bàn tại Quốc hội (QH) và cũng là đề tài trao đổi giữa TTCN với ông Nguyễn Đức Kiên, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ngân sách của QH.

Lạm phát tăng: ai chịu trách nhiệm?

- Trong một kỳ họp QH trước, chúng ta đề ra chỉ tiêu tăng lạm phát không quá 5%, nhưng chín tháng qua đã tăng tới 8,6%. Có ý kiến cho rằng những nguyên nhân mà Chính phủ chỉ ra chưa thật sự đầy đủ và khách quan, thưa ông?

- Kỳ họp thứ năm của QH, Ủy ban Kinh tế - ngân sách đã đưa ra dự báo về xu hướng giá cả tăng và sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Chúng ta cần thiết phải có những bước chủ động để kêm giữ việc giá cả tăng. Vì giá cả tăng thường gắn với lạm phát, gắn với khả năng thực hiện các mục tiêu kinh tế, liên quan đến đời sống, thu nhập của nhân dân và ổn định xã hội. Trong thực tế, từ đầu năm đến nay nhiều mặt hàng giá cả tăng liên tục, đến bây giờ đã thiết lập nên một mặt bằng giá mới.

Theo tôi, có hai nhóm nguyên nhân. Về những nguyên nhân khách quan thì các ý kiến tương đối thống nhất, đó là thiên tai, dịch bệnh trong nước, giá cả trên thị trường thế giới biến động. Nhưng nhóm nguyên nhân chủ quan thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Khác nhau chỉ ở liều lượng, còn đi vào từng nguyên nhân cụ thể thì có thể thống nhất được.

Trước hết đó là vấn đề dự báo tình hình kinh tế, những biến động, những nhân tố trong nước, ngoài nước… chúng ta chưa chủ động và cũng có phần lơi lỏng. Thứ hai, khi chuyển sang kinh tế thị trường, chúng ta cũng chưa chú ý thỏa đáng đến các mối quan hệ cung cầu, mà mọi sự tăng giá đều không thể không tính đến các quan hệ cung cầu. Thứ ba, trong kinh tế thị trường, nhiều người nghĩ rằng để hàng hóa, dịch vụ tự vận động từ nơi sản xuất cho đến người tiêu dùng mà không cần đến bàn tay can thiệp của Nhà nước.

Trong thực tế, ở đất nước nào cũng cần và đòi hỏi có sự quản lý của Nhà nước. Đối với chúng ta lại càng cần phải đặt ra, nhận thức như vừa qua cũng chưa thật là đầy đủ. Thứ tư, cũng phải tính đến việc áp dụng các chính sách liên quan đến tài chính và tiền tệ, vì cũng giống như quan hệ cung cầu tác động đến giá cả, mọi sự tăng giá không thể không tính đến những biến động của tiền tệ, của các chính sách tài chính. Vừa qua cũng có những ý kiến đề cập còn khác nhau như sử dụng công cụ tài chính và tiền tệ như thế nào khi tác động vào sự vận động của các nhân tố giá cả. Chính vì thế có những lúc chúng ta còn chần chừ hoặc là chậm trễ, thiếu đồng bộ. Cuối cùng, nhiều người đặt vấn đề phải nghiêng về các biện pháp kinh tế, nhưng quốc gia nào cũng thế, đều phải kết hợp rất nhiều biện pháp. Bên cạnh biện pháp kinh tế, nếu cần thiết còn phải áp dụng biện pháp hành chính, bằng các quyết định hành chính để chống đầu cơ, tích trữ, đưa ra giá trần, thực hiện các chính sách về thuế khóa để điều tiết cần thiết khi có những biến động về giá cả mà một số tổ chức, cá nhân thu lợi không hợp lý, để có nguồn tái điều tiết trở lại cho những đối tượng, những hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Trong phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã chỉ ra khuyết điểm để lạm phát tăng, yêu cầu phải tìm rõ những nguyên nhân, kiểm điểm đối với những cơ quan, những ngành cụ thể. Chúng ta đã xác định được nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ngành nào, bộ nào?

- Theo tôi, xử lý vĩ mô về vấn đề lạm phát, giá cả là vấn đề rất lớn, chi phối bởi rất nhiều nhân tố. Vừa qua có những biến động giá cả như thế cũng là một thiếu sót. Nhưng bây giờ thống nhất được những nhận thức, những đánh giá nguyên nhân như thế nào, liều lượng đến đâu, thuộc lĩnh vực nào cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo tôi, cái chính không phải ở chỗ sẽ xử lý ai, bộ nào, ngành nào mà là tìm ra đúng những nguyên nhân để rồi từ nay trở đi chúng ta có những biện pháp kịp thời, đồng bộ và hữu hiệu.

- Các dự báo của chúng ta vẫn tiếp tục chưa sát thực tế. Kỳ này tỉ lệ lạm phát đã vượt xa con số mà chúng ta dự báo trong những kỳ trước...

- Trong số các nguyên nhân, có nguyên nhân về công tác dự báo chưa tốt. Còn đã là dự báo tất nhiên có cái chính xác, có cái chưa chính xác, chính xác nhiều hoặc ít. Vấn đề là ở chỗ nay mai chúng ta phải hình thành một hệ thống tổ chức, những cách thức, phương thức để dự báo như thế nào về các nhân tố bên trong và bên ngoài để hạn chế những dự báo không sát thực tế, với biên độ dự báo quá rộng như thời gian vừa qua.

- Có ý kiến cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước vừa rồi phát hành một loạt tiền giấy cũng có thể là nguyên nhân gây lạm phát, thưa ông?

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trả lời rõ. Theo tôi, đó không phải là nguyên nhân tác động làm tăng giá cả. Nó giải quyết một số mục tiêu: có thêm tiêu chuẩn đo lường mới về tiền tệ, phục vụ nhu cầu lưu thông khi mà nền kinh tế của ta đang trong quá trình chuyển đổi. Mặt khác, chúng ta cũng phải đưa ra một lượng tiền tệ nhất định để phù hợp với khối lượng tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, cũng phải bù lại một lượng tiền cũ, rách nát, hư hỏng, không còn lưu thông được trên thị trường nữa. Có ý kiến nói việc này tạo ra một tâm lý (cho rằng phát hành tiền mới dẫn tới lạm phát - PV) - tôi nghĩ có thể cũng có tâm lý ấy, nhưng tác động nhiều hay ít thì chúng ta chưa đo lường được.

- Vừa rồi ông nói chúng ta thiếu những biện pháp cứng rắn để kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả, các quan hệ cung cầu. Những biện pháp nào có thể xem là mạnh trong bối cảnh này để có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề?

- Có thể có nhiều, xin đưa ra một vài ví dụ. Một, chúng ta có thể tiến hành điều tra, xác định những hộ nào đang tàng trữ, lưu trữ những hàng hóa mà giá cả đang bị nâng cao, từ đó có những biện pháp liên quan đến kiểm kê, xác định doanh thu để áp dụng thuế thu nhập của tổ chức, cá nhân theo luật thuế. Hai, nếu xác định vi phạm đến mức phải tịch thu thì chúng ta phải tiến hành tịch thu. Ba, trong trường hợp “cấn cá” nhất thì chúng ta phải quyết định giá trần, không cho phép vượt quá mức giá trần đó để đảm bảo những yêu cầu vĩ mô và yêu cầu cần thiết của sản xuất và đời sống. Còn nhiều biện pháp, tôi chỉ xin nêu một vài dẫn chứng như vậy thuộc phạm vi các quyết định kinh tế và hành chính.

Thất thoát trong đầu tư: có đến 30%?

- Có nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu tăng trưởng của chúng ta vẫn chạy theo những con số, trong khi hiệu quả đầu tư chưa cao, thất thoát và lãng phí trong đầu tư vẫn rất lớn, thưa ông?

- Trên diễn đàn QH và trong dư luận nhiều lần đề cập đến và ngay Chính phủ cũng thừa nhận là đầu tư hiệu quả còn thấp, còn lãng phí, thất thoát, tồn đọng. Kỳ này, QH phát huy quyền giám sát tối cao của mình trong việc quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước, trên cơ sở đó mổ xẻ, làm cho thật rõ những nguyên nhân, qui định thật rõ trách nhiệm của các cấp, các bộ ngành. Trên cơ sở đó sẽ siết chặt kỷ cương, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất, thất thoát, lãng phí, tham nhũng, đưa việc sử dụng vốn đầu tư của xã hội nói chung và vốn đầu tư của Nhà nước nói riêng trở nên có hiệu quả hơn.

- Thất thoát, lãng phí chúng ta đã nói nhiều rồi. Kỳ này qua kết quả giám sát, liệu QH có đưa ra giải pháp nào mạnh mẽ hơn và mang tính chất đột phá?

- Chắc là sắp tới, khi QH thảo luận vấn đề này sẽ bàn về những giải pháp. Ủy ban thường vụ QH cũng sẽ trình xin ý kiến QH về một số nhóm giải pháp. Tuy vậy, tôi cũng muốn lưu ý là tình trạng này diễn ra đã lâu nhưng kỷ cương, kỷ luật, rồi ý thức chấp hành gắn với những biện pháp xử lý là không nghiêm. Cho nên người này làm được, người kia cũng làm được; năm trước làm được, năm nay cũng làm được, dẫn đến tình trạng để kéo dài. Mặt khác, chúng ta cũng chưa chỉ “danh”, chỉ “diện” được nên ai cũng nói, nhưng chỉ nói người khác để thất thoát, lãng phí, tham nhũng, đầu tư kém hiệu quả, còn mình chẳng để thất thoát gì. Đó cũng là một điều cần phải suy nghĩ để đưa ra những chế tài thật rõ, quyền phải gắn với trách nhiệm, không phải chỉ qui trách nhiệm mang tính tập thể, mà phải chỉ rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong từng khâu của qui trình quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Có như vậy mới mong có những chuyển biến mang tính tích cực trong đầu tư những năm tới.

- Tại diễn đàn QH, các đại biểu từng tranh luận xung quanh tỉ lệ thất thoát, lãng phí trong đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng thất thoát tới 30% tổng vốn đầu tư, nhưng có ý kiến khác lại nói ít hơn con số đó. Thực tế ra sao theo kết quả giám sát của các cơ quan của QH?

- Đưa ra một con số chung thật khó. Vấn đề là phải đi vào từng dự án, công trình cụ thể. Nhưng chắc chắn là trong báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ QH thì lãng phí xảy ra ở tất cả công trình, dự án và ở tất cả các khâu. Còn thất thoát cũng diễn ra mang tính phổ biến ở các dự án, các công trình và các khâu. Nếu tính toán chặt chẽ, chi li mọi cái, hạn chế phô trương, hình thức và lãng phí, thất thoát dưới nhiều dạng thì có thể góp sức đưa GDP tăng trưởng thêm gần 1%.

- Dự toán phần ngân sách cho đầu tư liệu có thay đổi khi mà chúng ta chưa tìm ra giải pháp nào để việc đầu tư có hiệu quả hơn?

- Vấn đề ở chỗ muốn phát triển thì phải đầu tư, năm sau muốn phát triển hơn thì phải đầu tư lớn hơn. Chúng ta đã xác định mức bội chi như vậy, vấn đề quản lý vốn cấu thành thực thể của công trình, có nghĩa là chúng ta đã tăng được qui mô vốn đầu tư, đáp ứng yêu cầu của phát triển. Không nên đề cập ở góc độ vì thất thoát như vậy mà ta phải giảm bội chi, bởi như thế đồng nghĩa với việc chúng ta thu hẹp vốn đầu tư.

- Một vấn đề rất “nóng” tại kỳ họp này là có nên xem xét thành lập một cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí hay không. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Trong báo cáo của Chính phủ và ý kiến của một số đại biểu cũng muốn là có một cơ quan chuyên trách, nhưng tôi thì chưa nghiêng hẳn về mô hình một cơ quan chuyên trách. Tôi muốn những cơ quan hiện nay đang giúp QH, giúp Nhà nước thực thi việc kiểm soát chi tiêu tài chính, tài sản công hãy làm hết trách nhiệm của mình đã là tốt lắm rồi. Bây giờ anh “đẻ” thêm một đầu mối nữa cũng lại thêm cồng kềnh, rồi liệu có hệ thống dọc từ trên xuống dưới hay không hay chỉ ở trung ương. Những cái đó chúng ta cũng chưa lường hết được. Kỳ này QH cũng sẽ cho ý kiến việc thành lập cơ quan kiểm toán nhà nước. Cơ quan này đặt ở đâu QH sẽ quyết định, nhưng theo chúng tôi đó phải là cơ quan kiểm toán do QH lập và hoạt động một cách độc lập theo qui định của pháp luật.

- Thưa ông, nguồn thu ngân sách của ta chưa bền vững, phụ thuộc rất nhiều vào dầu thô, vào đất đai... trong khi chi ngân sách lại có nhiều việc phát sinh, cộng thêm tình trạng thất thoát, lãng phí. Như vậy bài toán thu chi ngân sách sẽ được giải quyết như thế nào trong những năm tới?

- Ủy ban Kinh tế - ngân sách đã phân tích rất sâu vấn đề này. Quốc gia nào cũng phải hướng đến một nguồn thu ngân sách tương đối ổn định thì mới chủ động và đảm bảo sự ổn định vĩ mô. Nhưng trong điều kiện của ta đang trong quá trình chuyển đổi, nguồn thu còn hạn chế, nếu có những cơ hội tăng nguồn thu cho ngân sách để rồi lấy nguồn đó tái đầu tư cho phát triển thì chúng ta vẫn phải duy trì. Nhưng duy trì trong thời gian bao lâu, qui mô to hay nhỏ thì phải tính toán kỹ. Ví dụ như hình thức đưa dầu thô lên, khai thác các khoáng sản thô đem bán… thì trong một vài năm tới chúng ta vẫn phải sử dụng, nhưng về lâu dài phải chế biến, vừa tạo công ăn việc làm, vừa làm tăng giá trị mới lên, ngân sách sẽ nhiều hơn. Khi đó việc sử dụng, tiết kiệm tài nguyên cũng có hiệu quả hơn.

(Theo TT)

 

Về đầu trang 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi