''VN cần sớm đạt thoả thuận với 20 thành viên WTO''
14:28' 18/11/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong tiến trình ''nước rút'' gia nhập WTO vào năm 2005, Việt Nam cần sớm đạt thoả thuận đàm phán với 20 nước có ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu để thuyết phục 126 thành viên còn lại''.

Hàng rào bảo hộ hàng nông sản sẽ bị loại bỏ sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Đây là nhận xét của TS. Seung Ho, Trưởng ban công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam khi trao đổi với VietNamNet bên lề Hội thảo ''Ảnh hưởng của việc Việt Nam gia nhập WTO với ngành nông nghiệp'' tổ chức sáng 17/11 tại Hà Nội.

Đến nay, có khoảng 20 đối tác nêu yêu cầu đàm phán song phương với Việt Nam như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Australia, Urugoay, Thuỵ Sỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... Trong đó, có một số nước như EU, Mỹ, Trung Quốc nêu yêu cầu khá cao đòi hỏi Việt Nam phải vượt qua. Theo TS. Seung Ho, nếu đạt được thoả thuận mở cửa thị trường với những nước có ảnh hưởng lớn đến thương mại toàn cầu này thì khả năng gia nhập WTO vào năm 2005 của Việt Nam là chắc chắn.  

Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự cho biết, trong 20 nước này, có những đối tác như EU, Việt Nam đã tiến hành 3 phiên đàm phán. Ngày 20/11 tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phiên đàm phán thứ 4 với EU.

Các bước đi gia nhập WTO của Việt Nam:
- Việt Nam nộp đơn gia nhập WTO vào cuối tháng 12/1994.
- 4/1/1995, WTO tiếp nhận đơn gia nhập của Việt Nam.
- 30/1/1995, Ban Công tác về gia nhập WTO của Việt Nam được thành lập.
- Đến nay, Việt Nam đã trải qua 6 phiên họp của Ban Công tác, trả lời gần 1.700 câu hỏi về chính sách kinh tế, thương mại. Từ phiên họp thứ 5 (tháng 4/2002), Việt Nam bước vào giai đoạn đàm phán song phương về cam kết mở cửa thị trường.
Hiện WTO gồm 146 quốc gia và chiếm 97% thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Lương Văn Tự, gia nhập WTO đặt ra những thách thức lớn với nền kinh tế, không chỉ vì Việt Nam phải dành nhân nhượng cho tất cả 146 nước thành viên mà còn vì tính toàn diện trong các nhân nhượng, bao trùm tất cả các lĩnh vực: thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chính sách đầu tư. Với nguồn nhân lực, vật lực hạn chế và cơ sở kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi như Việt Nam, đây là nhiệm vụ khá nặng nề.

Đối với ngành nông nghiệp, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ có tiếng nói bình đẳng hơn, hạn chế tác động của tình trạng ''cá lớn nuốt cá bé'' mà Việt Nam phải đối mặt gần đây trong vụ kiện cá basa và sắp tới là vụ kiện tôm. Nhưng, hàng rào bảo hộ hàng nông sản sẽ phải loại bỏ dần, các ngành sản xuất năng lực thấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí một số DN có nguy cơ phá sản.

TS. Seung Ho khẳng định: ''Việc cải tổ luật pháp và cải tổ kinh tế khi gia nhập WTO yêu cầu các nhà lãnh đạo, các DN và từng người dân Việt Nam phải có tầm nhìn, lòng dũng cảm và sự quyết tâm''. 

  • Phương Thanh
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi