(VietNamNet) - Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết như vậy bên lề Hội nghị toàn quốc về đẩy mạnh đổi mới DN nhà nước, diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/3 tại Hà Nội.
- Trong báo cáo của Chính phủ có nêu là sắp xếp, đổi mới DN nhà nước trong 3 năm qua chỉ đạt 60% so với mục tiêu đề ra. Xin Phó Thủ tướng cho biết nguyên nhân?
- Nguyên nhân thứ nhất là về nhận thức, việc đổi mới sắp xếp DN chưa thực sự được quán triệt ở một số nơi nên chấp hành Nghị quyết Trung ương 3 chưa tốt. Thứ hai, có những cái chúng ta thể chế hóa thành văn bản chậm. Mãi hết năm 2003 chúng ta mới phê duyệt xong đề án sắp xếp, đổi mới DN của tất cả các cơ quan, bộ ngành. Hơn nữa, từ tư tưởng chính sách nêu trong Nghị quyết biến thành văn bản pháp quy phải làm theo quy trình, không thể ra ngay được. Thứ ba, việc tổ chức chỉ đạo thực hiện chậm. Chẳng hạn hành lang pháp lý của việc cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê có thể nói là đủ nhưng nhiều nơi thực hiện chậm do muốn duy trì bao cấp, bảo hộ kéo dài.
- Chưa năm nào chúng ta đạt chỉ tiêu sắp xếp, đổi mới DN nhà nước. 2 năm 2004, 2005 chỉ tiêu đề ra sắp xếp, đổi mới 2.000 DN có phải là quá cao?
- Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, chúng ta thể chế hoá, xây dựng đề án thì tới quý III/2003 mới xong. Trong khi đó, năm 2003 cổ phần hóa được hơn 611 DN, bằng 50% của nhiều năm cộng lại. Tôi tin rằng, năm 2004 và 2005 chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành kế hoạch đó.
- Phó Thủ tướng có thể cho biết loại DN nhà nước nào khó cổ phần hoá?
- Theo tính toán của Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới DN, hết năm 2005 chúng ta chỉ còn khoảng 1.000 DN giữ 100% vốn nhà nước, phần lớn là DN công ích. Cổ phần hóa DN công ích rất khó! Công ích thường là lấy thu bù chi, chứ không phải thuần túy kinh doanh. Cổ phần hóa không hấp dẫn thì không ai muốn mua cổ phần. Hiện tại, trong hơn 4.000 DN nhà nước có tới 1.000 DN công ích như cấp nước, thoát nước, sách báo, nhà xuất bản... Những DN đang lo cho dân chưa có người làm thay thì cổ phần hóa sao được?
- Cách đây 2 năm, Phó Thủ tướng có ký quyết định tạm dừng thành lập DN nhà nước nhưng 2 năm vừa rồi có 59 DN nhà nước được thành lập mới?
- Những DN thành lập mới là cần thiết mà chưa có ai đầu tư được. Hơn nữa, có những lĩnh vực Nhà nước phải đầu tư rồi mới cổ phần hóa. Trong danh sách 59 DN có nhà máy thủy điện mới, không lập cổ phần đầu tư được nên Chính phủ quyết định đầu tư, ra đời DN, sau khi ra đời DN mới cổ phần hóa. Như Nhà máy thủy điện Cần Đơn của Tổng Công ty Sông Đà, đầu tư 900 tỷ đồng, sau khi làm xong đánh giá lại trước khi bán cổ phần là 1.700 tỷ, bán 49% thì cũng được 700-800 tỷ. Trong số 59 DN mới, chủ yếu là công ích và những DN như tôi vừa nói.
Trước đây, tôi ký quyết định tạm dừng là dừng đầu tư tràn lan của các bộ, ngành, UBND tỉnh. Bộ trưởng và chủ tịch UBND tỉnh mà muốn lập dự án đầu tư thì phải báo cáo Thủ tướng.
- Có ý kiến cho rằng nên nới lỏng việc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối 51% ở một số lĩnh vực?
- Hàng không, viễn thông, điện lực... thì phải giữ cổ phần chi phối để ta còn độc lập tự chủ và điều khiển nền kinh tế. Kinh doanh xăng dầu cũng vậy, bây giờ Nhà nước vẫn phải bù lỗ. Cho nên những DN giữ cổ phần chi phối không phải để lấy lợi nhuận, mà để chúng ta điều tiết nền kinh tế. Chẳng hạn, nếu ngân hàng thương mại quốc doanh không chiếm trên 70% thị phần thì không thể giữ tỷ giá USD/VND ổn định như hiện nay.
- Bao giờ Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước sẽ thay thế cho ''cấp chủ quản'' DN nhà nước?
- Đầu tư vốn cho DN nhà nước dần sẽ thông qua các công ty đầu tư tài chính nhà nước chứ không trực tiếp rót từ ngân sách như hiện nay. Thực hiện chủ trương này chúng ta sẽ làm thí điểm trong năm nay ở 3 nơi trước là TP.HCM, Hải Phòng, Thanh Hóa.
- Xin Phó Thủ tướng cho biết kế hoạch cụ thể cổ phần hóa một số DN lớn trong các ngành điện lực, viễn thông, ngân hàng?
- Sau Hội nghị lần này thì những tổng công ty, DN trong các ngành này đăng ký cổ phần hóa sẽ bám theo Nghị quyết Trung ương 9 (Khoá IX) để xây dựng đề án riêng của mình.
-
Văn Tiến