(VietNamNet) - Một quan chức của VCB cho rằng, ngoài các lý do đã nói, lạm phát tăng còn do việc phát hành đồng tiền có mệnh giá cao (500.000 đồng).
Bàn về những nhân tố tác động tới lạm phát của Việt Nam tại một hội thảo vừa diễn ra của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), một quan chức cho rằng ngoài lý do quan hệ cung - cầu hàng hoá thay đổi, giá cả một số mặt hàng chính tăng vọt, giá cả thế giới tăng thì tỷ giá hối đoái thay đổi còn có lý do phát hành đồng tiền có mệnh giá cao (500.000 đồng).
Theo phân tích của VCB, VND vẫn có xu hướng phá giá nhưng mức độ còn phụ thuộc vào mục tiêu của Ngân hàng Trung ương và sức mạnh của đồng USD. Theo phân tích của VCB, tính từ đầu năm đến nay, VNĐ đã bị phá giá 0,5% so với mức 1,6% của năm 2002 và 2,1% của năm 2003.
Tình đến hết tháng 4 năm nay, tổng xuất khẩu của Việt Nam đạt 9,54 tỷ USD trong khi nhập khẩu là 11,5 tỷ USD. Theo VCB, sức ép phá giá VND hiện tập trung vào sự thâm hụt cán cân thương mại và lạm phát.
Cũng theo VCB, so với cuối năm 2003, tỷ giá giữa VND và USD giao dịch trên thị trường trong nước vẫn không có biến động nhiều. Cụ thể, tỷ giá bình quân thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tăng 0,45% và tỷ giá trên thị trường tự do tăng 0,2%. Để tránh rủi ro trong thanh toán ngoại tệ, biện pháp hữu hiệu nhất với khách hàng, nhất là DN, là nên sử dụng Quyền lựa chọn (Option) với ngân hàng.
Từ đầu năm nay, doanh số mua bán ngoại tệ qua ngân hàng VCB ước đạt 5.650 triệu USD, tăng 583 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng ngoại tệ họ đã bán ra đạt 2.813 triệu USD, tăng 14,7% và chiếm 99% doanh số bán ra. Tăng mạnh là nhu cầu ngoại tệ cho thanh toán nhập khẩu của các doanh nghiệp.
-
H.Phúc