(VietNamNet) - Thủ tục hải quan điện tử vẫn còn nặng bởi bên cạnh việc kê khai hải quan qua mạng, các doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng các yêu cầu giấy tờ khác.
Trong Quy trình thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hoá xuất nhập khẩu vừa được ký ban hành, Bộ Tài chính đã thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc đơn giản hoá các thủ tục hải quan. Để thực hiện hải quan điện tử, các doanh nghiệp được khai thông tin trên máy tính (theo mẫu sẵn) qua mạng.
Tuy nhiên, trong các thủ tục hải quan điện tử vẫn còn nặng về giấy tờ hành chính. Bởi song song việc kê khai hải quan qua mạng, các doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng các yêu cầu giấy tờ khác.
Vừa điện tử, vừa giấy!
Cụ thể, song song với việc kê khai qua mạng như trên, doanh nghiệp vẫn phải gửi hồ sơ gồm các thông tin đã khai hải quan điện tử đến chi cục hải quan điện tử (nơi đăng ký tham gia). Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục đợi và thực hiện theo các hướng dẫn của hải quan, sửa đổi các nội dung khi cơ quan hải quan yêu cầu, in 2 bản tờ khai hải quan điện tử ra để... nộp cho hải quan.
Đối với hàng hoá được Chi cục hải quan điện tử chấp nhận thông tin đã khai điện tử và thông quan doanh nghiệp tiếp tục mang tờ khai điện tử (đã in ra) đến bộ phận giám sát của Chi cục hải quan cửa khẩu, nơi có hàng hoá xuất nhập khẩu, để thông quan hàng hoá.
Đối với hàng hoá Chi cục hải quan điện tử yêu cầu phải xuất trình, nộp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan trước khi thông quan thì doanh nghiệp phải nộp hoặc xuất trình tờ khai in cùng các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan yêu cầu.
Các DN bao giờ cũng mong mỏi thủ tục hải quan hết nặng nề. |
Các hàng hoá hải quan điện tử yêu cầu phải xuất trình chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hoá. Doanh nghiệp phải nộp, xuất trình tờ khai in cùng các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan cho chi cục hải quan điện tử và xuất trình hàng hoá cho chi cục hải quan cửa khẩu để kiểm tra theo yêu cầu.
Riêng đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc danh mục cấm hoặc có điều kiện thì doanh nghiệp phải nộp hoặc xuất trình các loại giấy phép hoặc văn bản cho phép. Ví như giấy đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hoá, thông báo miễn kiểm tra, giấy đăng ký kiểm dịch, kết quả giám định phân tích... với hàng hoá.
Nếu hải quan chấp nhận thông quan hàng hoá trên cơ sở thông tin doanh nghiệp đã khai, hàng hoá được xếp vào "luồng xanh". Nếu phải kiểm tra chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan trước khi thông quan, hàng hoá phải qua "luồng vàng".
Với trường hợp hàng phải kiểm tra chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hoá trước khi thông quan hàng hoá, xếp hạng "luồng đỏ".
Với "luồng xanh", doanh nghiệp vẫn phải mang 2 tờ khai điện tử (đã in ra) đến bộ phận giám sát để thông quan hàng hoá. Bộ phận này đối chiếu tờ khai in với thông tin trên hệ thống điện tử. Sau đó xác nhận và đóng dấu "đã thông quan điện tử" trên tờ khai in. Hải quan lại tiếp tục cập nhật kết quả đã xác nhận vào hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử.
Mất 3 ngày để cấp phép hải quan điện tử!
Trong quy định mới của mình, Bộ Tài chính yêu cầu Chi cục hải quan điện tử trong thời hạn chậm nhất 3 ngày từ ngày nhận được bản đăng ký của doanh nghiệp phải kiểm tra các tiêu chí trên văn bản và trình Cục trưởng phê duyệt. Sau đó, cấp tài khoản truy cập và Giấy công nhận tham gia thủ tục hải quan điện tử cho doanh nghiệp. Nếu từ chối cũng không được quá thời gian trên.
Với hải quan điện tử, hàng hoá nhập khẩu được thực hiện trước ngày hàng hoá đến cửa khẩu hoặc trong 30 ngày. Thông tin khai hải quan điện tử có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hải quan chấp nhận thông tin khai hải quan điện tử.
Hàng hoá xuất khẩu được thực hiện chậm nhất là 8 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh. Thông tin khai hải quan điện tử có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày.
Doanh nghiệp tham gia hải quan điện tử được đào tạo, cung cấp các văn bản quy định về thủ tục hải quan điện tử được đề nghị cơ quan hải quan giải đáp các vướng mắc liên quan đến quá trình thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
Hải quan phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho doanh nghiệp. Mọi thắc mắc, tranh chấp, khiếu nại được lưu tại hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử.
Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tự nguyện đăng ký và được cơ quan hải quan chấp nhận tham gia thủ tục hải quan điện tử.
Theo lý giải của hải quan, với hình thức thông quan điện tử, doanh nghiệp chỉ cần sử dụng máy tính có nối mạng trực tiếp với cơ quan hải quan hoặc thông qua một doanh nghiệp trung gian để thực hiện khai báo và truyền thẳng thông tin khai báo về hàng hoá xuất nhập khẩu tới hải quan. Sau đó, hải quan sẽ phân luồng hàng hóa và quyết định hình thức kiểm tra thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử tự động trên cơ sở phân tích, xử lý thông tin về hàng hoá. Với kết quả xử lý dữ liệu của hệ thống mạng nội bộ và các phần mềm chuyên ngành cung cấp, hải quan sẽ quyết định thông quan hay không với lô hàng. Cách làm này cũng giúp cơ quan hải quan chuyển từ kiểm tra, kiểm soát từng lô hàng sang quản lý toàn bộ thông tin về quá trình hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hạn chế thất thu thuế. Đồng thời, theo Tổng cục hải quan, thực hiện thông quan điện tử sẽ giảm chi phí, thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp; giúp hạn chế tiêu cực giữa cán bộ hải quan và DN. Các nước trong khu vực đã áp dụng hình thức này từ lâu. |
-
Hồng Phúc
Ý kiến của bạn về hải quan điện tử Việt Nam?