- Theo bà, sau khi xăng dầu tăng giá lần thứ 3 trong năm, việc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2005 là 9,6% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6,5% mà Quốc hội đặt ra cho Chính phủ có khả thi?
Việc tăng giá xăng chắc chắn ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng giá cả của năm nay và chúng ta phải làm quen dần với việc các chỉ tiêu tăng trưởng, lạm phát đặt ra không phải lúc nào cũng đạt được. Mục tiêu có khi chỉ đặt ra để định hướng, để mà phấn đấu. Nếu bị tác động do những nhân tố chủ quan, chúng ta còn có thể cố nhưng có những nhân tố do khách quan thì ta cũng phải theo thôi. Chính phủ và các ngành cũng thấy thực tế này cho nên đã có những yêu cầu chỉ đạo rằng chỉ tiêu giá cả năm nay không được vượt quá chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.
Về phía Quốc hội, tôi nghĩ cũng sẽ phải chấp nhận điều này. Còn về lâu về dài, tôi nghĩ phải xem lại chiến lược năng lượng của nước mình. Cần phải có tầm nhìn xa và lường trước các tình huống khác nhau, cách xử lý khi tình huống đó xảy ra.
- Chúng ta có thể làm gì để giảm bớt tác động tiêu cực của việc tăng gía xăng, dầu?
Trong bối cảnh hiện nay, có những vấn đề phải đặt ra là ở các cơ quan nhà nước, ở các doanh nghiệp và người dân, ý thức tiết kiệm vẫn chưa cao. Ở các nước họ có nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng rất quyết liệt và người dân, doanh nghiệp thực hiện rất tự giác. Còn ở ta, nhiều khi vẫn dừng lại ở những lời kêu gọi chung chung. Mặc dù Thủ tướng cũng đã có chỉ thị tiết kiệm nhưng nhiều nơi vẫn thực hiện chưa nghiêm, kể từ các bộ, ngành, doanh nghiệp trở đi, tình trạng lãng phí còn rất nhiều...
Vào những lúc tăng giá như thế này, việc khoán kinh phí, khoán biên chế là rất có tác dụng. Bộ Tài chính có lẽ nên nghiên cứu trình Chính phủ về chuyển chế độ cung cấp xe công sang chế độ phụ phí, phụ cấp nào đó...
- Chính phủ có ý kiến chỉ đạo gì về chiến lược dự trữ xăng dầu?
Khả năng dự trữ của một nước phụ thuộc vào khả năng của nền kinh tế. Dự trữ ngoại tệ và các dự trữ khác có lớn mới có những sản phẩm vật chất như xăng dầu và lương thực... An ninh xăng dầu rất quan trọng.
Theo tôi, Nhà nước nên nghiên cứu, mở rộng thêm cho nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia vào việc nhập khẩu và phân phối xăng dầu. Việc đó sẽ tạo ra cạnh tranh và chia sẻ bớt rủi ro.
- Đã có ý kiến cho rằng Chính phủ sẽ thả nổi giá cả các mặt hàng xăng, dầu trong một tương lai không xa. Điều này bà có biết đang khiến người dân và các doanh nghiệp lo ngại?
Riêng xăng dầu, theo tôi không thể thả nổi như đối với các hàng hoá khác. Vì đây là hàng hoá hết sức thiết yếu, nhạy cảm, ảnh hưởng đến đại đa số người dân cần đến vai trò của Nhà nước.
- Việc tăng giá xăng dầu khiến đồng lương của viên chức Nhà nước thêm gánh nặng. Tiến độ cải cách tiền lương liệu có được đẩy mạnh?
Cải cách tiền lương mình vẫn phải làm dù có biến động giá xăng dầu hay không. Nhưng còn đối tượng bị tác động thì không phải chỉ riêng những người làm công ăn lương của Nhà nước. Công nhân viên chức còn được nâng lương nhưng những người bình thường khác như nông dân phải chịu xăng dầu, giá phân bón tăng... thì ai bù đắp cho họ?
Các doanh nghiệp chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng đây là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả thế giới họ cũng không thể kiểm soát được khi giá dầu tăng như vậy.
- Xin cảm ơn bà!
- Hồng Phúc - ghi