(VietNamNet) - Theo Bộ kế hoạch - Đầu tư, mặc dù Quyết định thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại các địa phương đã được Chính phủ ban hành hơn 3 năm nhưng đến nay mới chỉ có 3 tỉnh thành lập. Hơn 60 tỉnh thành còn lại mới ở giai đoạn chuẩn bị hoặc chưa có động tĩnh gì.
Ba tỉnh đầu tiên thành lập Quỹ là Tây Ninh, Trà Vinh, Yên Bái. Điều đáng nói đây lại không phải là những tỉnh có số lượng DNNVV không lớn. Trong khi đó, các địa phương có lượng DNNVV lớn, hoạt động mạnh như Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu... mới ở bước chuẩn bị.
Các DNNVV thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức. |
Tuy nhiên, hy vọng của DNNVV đến nay vẫn còn rất xa vời vì hầu hết các địa phương đang còn rất lúng túng trong việc tìm nguồn vốn cho quỹ. Hy vọng đầu tiên là sự bổ sung từ ngân sách địa phương nhưng khó khăn là hầu hết các địa phương đều ở trong tình trạng eo hẹp về nguồn thu, ngân sách.
Một nguồn kinh phí khác có thể huy động là sự đóng sự đống góp của các tổ chức tín dụng nhưng cho đến nay các tổ chức này vẫn chưa có thái độ tích cực trong việc việc tham gia góp vốn.
Theo bộ Tài chính, đến nay, vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng Trung ương tham gia cơ chế bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Quy chế thành lập quỹ cũng chưa xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức góp vốn... Chính những điều này thực sự là một khó khăn lớn trong việc hình thành vốn hoạt động và cấp bảo lãnh tín dụng cho các Quỹ.
Bên cạnh đó, do Quỹ bảo lãnh tín dung DNNVV là tổ chức tài chính hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, chỉ bảo toàn vốn, bù đắp chi phí nên không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư góp vốn để thu lợi. Vì thế, theo bộ Tài chính, rất nhiều địa phương có nhu cầu thành lập Quỹ nhưng để huy động góp đủ 30 tỷ đồng vốn điều lệ theo quy định là một thách thức vô cùng khó khăn.
Bộ Tài chính cũng thừa nhận rằng, Quỹ bảo lãnh tín dụng là một mô hình mới, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam nên sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Đến nay, theo những quy định hiện hành, những vấn đề cụ thể như đối tượng bảo lãnh, tỷ lệ bảo lãnh, phí bảo lãnh... vẫn chưa được phân loại chi tiết. Quỹ cũng chưa có kinh nghiệm trong việc thẩm định các dự dự án kinh doanh cần bảo lãnh, quy trình xin cấp bảo lãnh cũng chưa được thuận tiện.
Vì thế, Quỹ bảo lãnh tín dụng vẫn chưa trở thành công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho DNNVV trong việc tiếp cận các nguồn vốn.
-
Đông Hiếu