,
221
457
Kinh tế thế giới
thegioi
/kinhte/thegioi/
223588
Mỹ: “outsourcing”, việc làm và bầu cử tổng thống
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
,

Mỹ: “outsourcing”, việc làm và bầu cử tổng thống

Cập nhật lúc 15:12, Thứ Bảy, 06/03/2004 (GMT+7)
,

Ngày càng có nhiều công ty Mỹ và Tây Âu chuyển máy móc, công nghệ sang thuê nhân viên các nước châu Á  như Ấn Độ, Trung Quốc hay Philippines làm việc để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ. Tương ứng với quá trình này là hàng triệu việc làm trong ngành kỹ thuật cao ở các nước phương Tây bị chuyển sang các quốc gia khác.

Xu hướng “outsourcing” (tạm dịch: chuyển việc làm ra nước ngoài) đã khiến cho việc làm trong lĩnh vực công nghệ cao tại các nước phát triển đảo lộn: một nhân viên châu Á có việc làm sẽ đồng nghĩa một nhân viên tại Mỹ hay Tây Âu bị mất việc. Tình cảnh “kẻ được bánh mì, người mất đi cân gạo” âu cũng là một đặc điểm của quá trình “toàn cầu hoá” (mà phương Tây luôn hô hào, cổ động). Nhưng sự việc không chỉ đơn giản thế…

Khi “outsourcing” là con chủ bài của chiến dịch vận động tranh cử

Nhân viên IT Ấn Độ đang gia công phầm mềm cho một công ty Mỹ.

“Outsoucing”, việc làm trong nước và khả năng cạnh tranh kinh tế là các vấn đề hiện đang được người dân Hoa Kỳ quan tâm nhất. Và vì vậy, không lạ gì khi những đề tài trên được các ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 năm nay khai thác một cách triệt để. Tất nhiên, để có thể thu hút được nhiều phiếu bầu, ứng viên nào cũng phải tỏ ra quan tâm tới “nồi cơm” của người dân: nào là chống “outsourcing” để giữ việc làm cho bản địa, nào là  thúc ép các nước khác mở cửa thị trường để cho hàng hoá và các công ty Mỹ tràn vào… Tuy nhiên, ngay tại Hoa Kỳ cũng có nhiều quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này.

Một cuộc khảo sát do tuần báo Newsweek gần đây cho thấy, 68% số người dân Mỹ được hỏi cho biết, “outsourcing” và cạnh tranh nước ngoài là các vấn đề quan tâm chính. Còn với câu hỏi: “Ứng cử viên nào sẽ bảo vệ tốt nhất việc làm cũng như tạo việc làm mới cho người dân Mỹ”, 35% câu trả lời là đương kim Tổng thống W.Bush, bám sát theo sau (31%) dành cho ứng cử viên John Kerry, John Edwards (18%)… Một số liệu khác: 80% số người được hỏi cho rằng, việc làm của họ bị mất ra nước ngoài là do nhân công tại những nước đó chấp nhận mức lương quá thấp, 77% cho là các công ty Mỹ đặt yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu.

Lớn tiếng nhất để bảo vệ việc làm cho người Mỹ là ứng viên John Kerry (tất nhiên được nhiều nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ đằng sau ông hỗ trợ). Tại các buổi diễn thuyết trước công chúng, ông Kerry hô hào cổ động cho chủ trương ngăn cản các công ty Mỹ chuyển việc làm ra nước ngoài. Một nhóm thượng nghị sĩ (TNS), đứng đầu là Tom Daschle, được hậu thuẫn bởi các TNS Hillary Clinton và Edward Kennedy, đã soạn thảo một dự luật về vấn đề “bảo vệ việc làm” cho người dân Mỹ. Theo đó, các công ty tham gia vào việc thuê nhân công nước ngoài sẽ bị áp dụng những chế tài  tài chính như đánh thuế nặng hay không được tham gia vào các dự án của nhà nước. Hiện một số bang như New Jersey, Maryland, Indiana, Michigan, Colorado, Ohio, Minnesota  và Washington đã đưa ra điều luật chống chuyển công việc ra nước ngoài (anti -outsourcing), không mua hàng hoá và dịch vụ từ các công ty do nhân công nước ngoài sản xuất…

Quan điểm đối lập và thực tế

Các đòn tấn công của đối thủ đã làm hài lòng một bộ phận lớn dân chúng Mỹ, đẩy đương kim Tổng thống W.Bush của Đảng Cộng hoà vào thế phòng thủ (tình thế cũng khó khăn cho ông Bush khi có tới 55% người dân không hài lòng với những chính sách kinh tế hiện nay). Mặc dù trong thời gian gần đây, ông Bush có đề cập tới “sự cần thiết để bảo vệ và tạo việc làm mới cho người dân” nhưng xem ra cho đến thời điểm 1/3/2004, các chuyên gia kinh tế “đầu não” rất có ảnh hưởng của Chính quyền Bush lại không mặn mà cho lắm về quan điểm trên.

Người đứng đầu Hội đồng cố vấn kinh tế cho Chính quyền W.Bush, ông Gregory Mankiw cho rằng, “outsourcing” sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ nhiều hơn những thiệt hại do việc làm bị mất. Các công ty “outsourcing” sẽ giảm được chí  phí, dẫn đến giá thành sản phẩm dịch vụ thấp và chính người tiêu dùng Mỹ sẽ được hưởng lợi. Còn theo một bài báo trên tờ The Economist, quá trình “outsourcing” sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 phía, bởi tính toán của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho thấy, khi đầu tư 1 USD ra nước ngoài, Mỹ sẽ thu về 1,14USD (còn quốc gia nhận gia công sẽ hưởng được 35cent).

Hiện tại, một bộ phận lớn số chuyên gia kinh tế hay các nhà phân tích Mỹ cũng đứng về quan điểm này khi phản đối lại chủ nghĩa bảo hộ. Họ cho rằng, “anti-outsourcing” không phải là “phương thuốc hữu hiệu” để giải quyết bài toán việc làm tại Mỹ. Theo họ, “outsourcing” không phải là vấn đề nguy hại cho nền kinh tế, mà ngược lại có thể xem đây là cơ hội để tăng cao khả năng cạnh tranh và tái cấu trúc lại cơ cấu việc làm trong xã hội. Chuyên gia Charles E Morrison - Giám đốc trung tâm nghiên cứu East West Center cho biết, số việc làm bị mất đi do “off-shoring” chưa bằng 1/4 tổng số công việc bị mất trong năm 2002. Mà thực chất, hơn 3/4 số việc làm bị mất còn lại xuất phát từ quá trình cải tổ lại cấu trúc nền kinh tế. Ông Charles E Morrison nói: ”Outsourcing là một xu thế tất yếu, là sản phẩm của sự phát triển vượt bậc công nghệ và quá trình toàn cầu hoá diễn ra sâu rộng hiện nay. Thực tế đã cho thấy, người dân Mỹ ngày càng phụ thuộc vào công nghệ như thế nào”.

Và dĩ nhiên, chống lại “anti-outsourcing” mạnh nhất là các công ty có tham gia “outsourcing”! Phần lớn những công ty này đều tẩy chay hay không tham gia đóng góp cho quỹ tài trợ vận động tranh cử của ông Kerry. Còn CEO của một công ty IT bang Califonia lớn tiếng: ”Ông ấy (John Kerry) phải hiểu rằng, “outsourcing” là quan hệ hợp tác cả hai cùng có lợi (win-win), và dĩ nhiên là mang lại lợi ích cho nước Mỹ”.

Thực tế, bất chấp mọi áp lực đang gia tăng khi cuộc bầu cử đang đến gần, các công ty lớn như Bearing Point, PeopleSoft, Bank of America… cho biết, họ vẫn sẽ tiếp tục thuê hàng ngàn nhân công Ấn Độ (và dĩ nhiên là sa thải số lượng tương ứng nhân công Mỹ) trong những tháng tiếp theo. “Toàn cầu hoá” là như vậy…

Hoàng Diệu - (Tổng hợp)

,
,