,
221
457
Kinh tế thế giới
thegioi
/kinhte/thegioi/
222111
Quan hệ Mỹ - Ấn và vấn đề “outsourcing”
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
,

Quan hệ Mỹ - Ấn và vấn đề “outsourcing”

Cập nhật lúc 08:00, Thứ Hai, 08/03/2004 (GMT+7)
,

Khi không khí cuộc bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ đang nóng lên từng ngày thì cách xa hàng chục ngàn km, một cường quốc khu vực là Ấn Độ cũng “nóng” lên không kém. Chỉ còn vài tháng nữa là tại đây sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử. Vấn đề việc làm cho người dân là một trọng tâm trong các cuộc vận động tranh cử của Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee, nhưng lại đúng vào lúc Ấn Độ  bị nêu đích danh “thủ phạm” đã lấy đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ. Việc chọn một giải pháp “đẹp trong yên ngoài” quả là không dễ dàng chút nào đối với Chính phủ của ông Vajpayee.

 

Ấn Độ - văn phòng dịch vụ của thế giới

Một trung tâm tư vấn từ xa tại Ấn Độ.

 

Ngày nay, khi Trung Quốc được gọi là “phân xưởng sản xuất của thế giới” thì Ấn Độ được xem là “văn phòng dịch vụ của thế giới”. Thực tế, ngày càng có nhiều công ty Mỹ và Tây Âu trong lĩnh vực công nghệ cao chuyển văn phòng, nhà máy sang Ấn Độ. Nhiều nhất là 3 lĩnh vực: tin học, ngân hàng và tư vấn qua điện thoại (call center) – kéo theo hàng triệu việc làm từ phương Tây rơi vào tay người Ấn.

 

Theo Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey thì vào năm 2008, số nhân viên làm việc trong ngành IT và hành chính văn phòng lên tới khoảng 4 triệu người, đem về cho Ấn Độ 57 tỷ USD hằng năm. Hiện tại, số việc làm mới trong các lĩnh vực này tăng thêm khoảng 300 – 400.000/năm. Chính phủ Ấn đặt ưu tiên phát triển công nghệ sinh học, tin học và chế tạo dược phẩm - những lĩnh vực năng động nhất thế giới hiện nay. Nhờ thu hút mạnh các công ty kỹ thuật cao nước ngoài, Ấn Độ đã tạo ra nhiều việc làm cho tầng lớp trí thức thành thị. 

 

“Dĩ hòa vi quý”

 

Cũng dễ hiểu khi Hoa Kỳ và Tây Âu xem Ấn Độ là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng thất nghiệp ngày càng nhiều cho công dân họ. Thậm chí, một số hiệp hội lao động tại Mỹ còn đòi Ấn Độ phải bồi thường, hay phải trả khoản chi phí để đào tạo lại cho những nhân viên trong các lĩnh vực công nghệ cao bị mất việc.

 

Trong chuyến thăm Ấn Độ, đại diện thương mại Mỹ - ông Robert Zoellick đã thúc giục Ấn Độ có “những biện pháp phù hợp” nhằm giảm mức thặng dư mậu dịch hằng năm 9 tỷ USD với Mỹ. Một trong những biện pháp đó là mở toang cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ tràn vào.

 

Trong tình hình nhạy cảm hiện tại, Ấn Độ đang chọn cho mình một  giải pháp “mềm dẻo”: cố gắng tránh những mâu thuẫn lớn trong các vấn đề mậu dịch hay việc làm với Hoa Kỳ. Theo ông Clyde Prestowitz - Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế, Ấn Độ chỉ quan tâm “làm tốt công việc của mình”; mọi bất đồng xoay quanh vấn đề “outsourcing” sẽ được giải quyết ổn thỏa sau cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Song song, Chính phủ của Thủ tướng Vajpayee cũng lập riêng một nhóm liên bộ để hợp sức trong việc tranh thủ sự ủng hộ của các chính khách có uy tín, tạo dựng mối quan hệ tốt với các nước G.8.

 

Phó Thủ tướng Lal Krishan Advani là một trong những người thể hiện rõ nét quan điểm mềm dẻo trên. Trong một buổi thuyết trình trước công chúng, ông Advani cho rằng, người dân không cần phải lo lắng nhiều về việc Mỹ ngăn cản các công ty thuê nhân công Ấn Độ làm việc. Quá trình toàn cầu hóa sẽ dẫn tới cơ hội việc làm trên toàn thế giới trở nên ít hơn, nhưng với Ấn Độ thì không rơi vào tình trạng tương tự. Bởi hiện tại, kinh tế Ấn Độ đang vào trong giai đoạn “cất cánh”: có rất nhiều cơ hội việc làm cho người dân trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chứ không nhất thiết phải là các ngành tin học, dịch vụ, tài chính hay ngân hàng. Còn nhận xét về vấn đề “outsourcing” đang ầm ĩ tại Hoa Kỳ, ông chỉ nói: “Rõ ràng là tiêu chuẩn kép của Mỹ không được Ấn Độ đánh giá cao”.

 

Tuy vậy, vẫn có những phản ứng gay gắt hơn, điển hình là Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Arun Jaitley. Số là, trong chuyến thăm Ấn Độ gần đây, đại diện thương mại Mỹ Zoellick có yêu cầu Ấn Độ mở cửa lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp và bãi bỏ hoàn toàn trợ cấp nông nghiệp. Ông Arun Jaitley thẳng thừng trả lời: "Không thể chấp nhận chính sách hai mặt của Mỹ: thúc ép Ấn Độ mở cửa thị trường, đồng thời ngăn cản công ty Mỹ chuyển việc làm sang Ấn Độ. Thử nghĩ, nếu nền nông nghiệp của chúng tôi không còn được trợ cấp như tại Hoa Kỳ, thì ngay lập tức nó sẽ bị bóp vụn”. Theo ông, Mỹ và các nước phát triển khác đang thực hiện “tiêu chuẩn kép”: luôn hô hào chủ trương toàn cầu hóa, nhưng lại tìm cách ngăn cản, cấm đoán các công ty bản địa chuyển công việc ra nước ngoài – một đặc điểm cơ bản của toàn cầu hóa!

 

Không ảnh hưởng tới quan hệ song phương

 

Hiện tại, dù có nhiều bất đồng về các vấn đề thương mại hay các công ty Mỹ chuyển sang Ấn Độ, nhưng điều đó không ngăn cản mối quan hệ đang ngày càng nồng ấm giữa hai quốc gia. Trong bối cảnh mà tương quan lực lượng mới đang được hình thành tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với sự phát triển nhảy vọt của Trung Quốc, thì sự trỗi dậy của Ấn Độ đã khiến Hoa Kỳ có một cái nhìn mới về quốc gia Nam Á này.

 

Theo các chuyên gia phân tích tình hình, Mỹ và Ấn Độ có nhiều nét tương đồng. Cả hai cùng có chung kẻ thù là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan: Ấn Độ với bài toán nan giải Kashmir (nơi có người Hồi giáo chiếm đa số), còn Mỹ hiện đang theo đuổi cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan trên toàn cầu. Nhưng quan trọng hơn, cả hai đều “đối đầu gián tiếp” với Trung Quốc. Dù không nói ra, nhưng Hoa Kỳ luôn tìm mọi cách khống chế, ngăn chặn không để cho Trung Quốc trở thành siêu cường. Trong bối cảnh như vậy, Ấn Độ trở thành đồng minh lý tưởng của Mỹ: sự lớn mạnh của Ấn Độ đủ sức ngăn chặn không cho Trung Quốc trở thành siêu cường duy nhất tại châu Á.

 

(Hoàng Diệu - tổng hợp)

,
,