Giá cước dịch vụ viễn thông rơi tự do?
17:14' 09/01/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Sau khi thông tư 16 được Bộ Bưu chính Viễn thông ban hành, người ta râm ran bàn đến việc giá cước dịch vụ viễn thông sẽ được thả nổi trên thị trường. Có hay không chuyện giá cước rơi tự do?

Hai điểm nóng

 

Thị trường điện thoại di động luôn luôn nóng bỏng với những dịch vụ mới.

Đó là dịch vụ gọi điện thoại quốc tế qua đường truyền Internet và điện thoại di động. Các doanh nghiệp mới chỉ có đủ điều kiện để cạnh tranh với các doanh nghiệp sừng sỏ trong ngành Viễn thông VN trong khuôn khổ 2 dịch vụ kể trên. Theo nguồn tin từ S-Fone, việc tính cước điện thoại di động theo block 10 giây lập tức sẽ được áp dụng vào cuối tháng này. Đương nhiên, khách hàng sử dụng mạng S-Fone sẽ được hưởng chương trình khuyến mãi - không tính cước dưới 10 giây, do đến nay S-Fone vẫn chưa thể nối mạng nhắn tin với Mobifone và Vinaphone. Tuy nhiên, cách tính cước ấy cũng sẽ được mạng thông tin di động Viettel (Công ty Điện tử - Viễn thông quân đội) áp dụng sau khi khai trương dịch vụ, dự kiến vào khoảng giữa năm nay. Mạng di động của S-Fone vẫn chiếm ưu thế trong vòng 3 - 4 tháng tới.

 

Điểm nóng thứ hai là điện thoại Internet. Công ty OCI vốn rất nóng lòng với việc giảm giá này và hy vọng với bảng giá mới, trong đó qui định giá cước dao động khoảng 600 - 900đ/phút gọi đến 15 quốc gia (thường xuyên gọi đi từ VN), OCI sẽ “qua mặt” một số đối thủ. Ông Lê Thăng Long, Giám đốc OCI Vietnam cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng trước khi Nhà nước quyết định cho phép các doanh nghiệp tự định giá cước. Sau khi có bản hướng dẫn chính thức từ Bộ Bưu chính Viễn thông, chúng tôi sẽ tiến hành áp dụng bảng giá cước mới”.

 

Cước Internet bình ổn

 

Ngay cả các “chuyên gia gây sốc” thị trường như FPT hoặc OCI cũng chưa đả động đến việc giảm giá cước Internet (dài hạn) như một chính sách khai thông thị phần. Dường như các doanh nghiệp đã mãn nguyện với thị phần vốn có và tập trung tài lực cho các mặt trận khác. Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông (VNPT) đã nắm chắc thị phần Internet (trên 65%) có lẻ, và khó ai "công phá" được bức tường này. Ước tính cước Internet vẫn giữ nguyên giá sàn 40đ/phút và giá trần dao động trong khoảng 120 - 150đ/phút

 

Ngay cả trên lĩnh vực dịch vụ cung ứng đường truyền băng rộng (ADSL) cũng khó có doanh nghiệp đột phá trong 2004, vì giá sàn của nó đã quá thấp. Và, dịch vụ Mega VNN (có mức giá thấp) hiện đang ở vị trí số một trong bảng ưu tiên lựa chọn của hộ gia đình và các công ty. Xét cho cùng, chỉ có những doanh nghiệp được cấp phép đầu tư - kinh doanh mạng điện thoại cố định (nội hạt) mới đủ điều kiện để đưa ra khung giá hấp dẫn. Bởi ngay đến FPT Communication cũng chỉ đang lượm những mảnh vụn vãi của cái bánh thị phần ADSL, do các bưu điện tỉnh thành không kịp đáp ứng tốc độ đăng ký dịch vụ của khách hàng. Còn Viettel vẫn lui cui đón tiếp các khách hàng quen thuộc sử dụng hạ tầng điện thoại cố định mà họ vừa triển khai.

 

Nỗi lo giảm giá

 

Một số doanh nghiệp viễn thông khó lòng giảm giá trong một thời gian dài nhằm duy trì thị phần vừa

 
 

chiếm giữ. Kinh nghiệm từ các cuộc cạnh tranh trên thế giới cho thấy, chỉ những tập đoàn viễn thông có nguồn vốn lớn mới đủ khả năng chi phối giá thị trường. Những doanh nghiệp mới xuất hiện chỉ có thể đưa ra một số chương trình “gây tê” và không thể giữ dài lâu.

 

Dịch vụ Internet phone sẽ đi đầu với giá cước thấp và tính năng đa dạng.

Điều này đã nằm trong hoạch định tương lai của ngành Viễn thông VN khi đưa ra hướng mở cho các doanh nghiệp mới: Doanh nghiệp mới có thể giảm giá dịch vụ trong thời gian đầu để lấy được số thị phần cần thiết; sau đó, tuy vẫn cạnh tranh về giá cước nhưng sẽ khó vượt qua “lằn ranh tài chính” vốn duy trì sự sống của họ.

 

Việc kinh doanh điện thoại nội hạt hiện nay không hấp dẫn về lợi nhuận nên nhiều doanh nghiệp có giấy phép trong tay nhưng vẫn chưa làm. Một số doanh nghiệp khác tuy đã khai thác dịch vụ nhưng chủ yếu thực hiện hạ tầng để “lót nền” cho các dịch vụ khác như Internet trả sau, ADSL, di động nội vùng. Đã có doanh nghiệp kiến nghị: Nhà nước cho phép tự quyết định giá cước, song nên đặt ra giới hạn cụ thể nhằm tránh tình trạnh cung cấp dịch vụ quá thấp và trở thành công cụ phá giá để chiếm thị phần (dùng nguồn vốn mạnh).

 

Vì nhiều lý do kể trên nên cuộc chạy đua trong ngành viễn thông chỉ xoay quanh một số doanh nghiệp đang nôn nóng chiếm giữ thị phần. Trước mắt sẽ có đến 5 đơn vị tham gia khai thác dịch vụ thông tin di động: Vinaphone; Mobifone; S-Fone; Viettel; Hà Nội Telecom. Họ sẽ không cạnh tranh bằng cách giảm cước sử dụng mà chuyển sang tính cước ưu đãi, tăng cường khuyến mãi. Trong tương lai, nếu như dự án GSM nội vùng (900đ/phút) của VNPT được triển khai thì chắc hẳn không có doanh nghiệp nào chịu đầu tư vào mạng điện thoại di động. Hiện thời, hệ thống điện thoại vô tuyến nội thị Cityphone đang có được "thiên thời - địa lợi" do Nhà nước tạm thời chưa quyết định mở dịch vụ GSM nội vùng.

  • Chí Thịnh

Thông tư 16/BBCVT-KHTC do Bộ Bưu chính – Viễn thông ban hành nhằm hướng dẫn triển khai quyết định 217/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung tóm tắt bao gồm: các doanh nghiệp viễn thông không chiếm thị phần khống chế sẽ được quyền tự quyết định giá cước và chỉ cần thông báo với Bộ Bưu chính - Viễn thông. Doanh nghiệp không được bán phá giá (dưới giá thành) hoặc bán với giá quá thấp so với giá thông thường trên thị trường (theo Pháp lệnh giá). Sau khi ấn định giá cước và tiến hành thông báo, doanh nghiệp được quyền áp dụng giá cước mới sau thời gian 7 - 10 ngày (kể từ khi thông báo). Nếu có sự điều chỉnh từ cơ quan quản lý nhà nước sẽ được bổ sung sau vào quy chế giá cước của từng doanh nghiệp.                                                                                                        

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi