Bưu chính gồng mình... chống lỗ
09:58' 18/08/2005 (GMT+7)

Mặc dù việc chuẩn bị hình thành Tổng công ty Bưu chính đã được chuẩn bị khá lâu, trước đó là việc tách bưu chính viễn thông ở cấp huyện từ năm 2002 song cho tới nay, việc tách và đổi mới Bưu chính là một việc làm khá nặng nề, mới chuẩn bị về đến tỉnh. Đơn giản là vì xưa nay thu nhập của những cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực bưu chính chủ yếu do những người làm viễn thông gánh. Tách bưu chính khỏi viễn thông, 4,5 vạn cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực bưu chính phải gồng mình... chống lỗ.

Nặng nề bước qua trở ngại tâm lý

Soạn: AM 519669 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Nụ cười của giao dịch viên cũng là chiêu hấp dẫn khách hàng.

Sau 60 năm gắn bó mật thiết với viễn thông, nay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổng công ty Bưu chính, hoạt động song song với Tổng công ty Viễn thông trong tập đoàn Bưu chính Viễn thông, hai lĩnh vực này sẽ chính thức ra... ở riêng.

Theo ông Bùi Quốc Việt, người phát ngôn của Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông (VNPT) thì trở ngại lớn nhất chính là thu nhập. Hiện thu nhập bình quân của trên 9 vạn cán bộ, nhân viên VNPT là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Nếu không phải “cõng” bưu chính thì thu nhập của người làm viễn thông sẽ vượt trên 2 triệu đồng/tháng. Ngược lại, bưu chính sẽ dưới 1 triệu đồng và ngành bưu chính sẽ bị lỗ nặng.

Tổng doanh thu của VNPT đạt khoảng 30.000 tỷ đồng/năm, trong đó doanh thu từ bưu chính chỉ chiếm khoảng 7%-10% khiến thu không đủ chi. Vì thế, dù “công tác tư tưởng” đã được các bưu điện trong cả nước rất quan tâm nhưng vì chuyện này nên không ít người vẫn ngại làm việc trong hệ thống bưu chính.

Ông Huỳnh Đình Vân, Giám đốc Bưu điện thị xã Hội An (Quảng Nam), đơn vị bước đầu tách thành công bưu chính khỏi viễn thông đã thừa nhận những “tâm tư” của người làm bưu chính. Không phải không có lý khi đây là lĩnh vực có rất nhiều đầu việc, công việc vất vả nhưng hầu hết các dịch vụ đều làm thủ công.

“Có những dịch vụ chưa được tin học hóa, nhất là bưu phẩm, bưu kiện gửi đi nước ngoài, khi khách hàng khiếu nại, khiếu kiện, bưu điện muốn giải quyết ngay cũng không được vì không định vị được bưu kiện đó đang... nằm ở đâu!”, ông Vân nói.

Chính thế mà theo ông Bùi Quốc Việt, khó khăn lớn nhất chính là sức ép tâm lý. Vì, chỉ cần vượt qua ngưỡng cửa tâm lý trên là công cuộc tách bưu chính của VNPT đã thành công đến 30%. Đó là chưa kể đến sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp mới.

Tuy VNPT có hệ thống bưu cục tại tất cả các huyện và gần 100% các xã trong cả nước, có nguồn nhân lực dồi dào nhưng đơn vị này lại đang bị chia sẻ thị phần ở những dịch vụ bưu chính hấp dẫn, cho doanh thu cao như chuyển phát nhanh... Cùng là vận chuyển thư nhưng doanh nghiệp mới chỉ nhận chuyển thư tại những tỉnh, thành phố lớn, giao thông thuận lợi. Trong khi đó, VNPT phải mang từng lá thư, tờ báo đến nơi xa xôi nhất của Tổ quốc.

Phải đổi mới công nghệ

Song, đứng ở góc độ khách hàng, ông Huỳnh Đình Vân thừa nhận: sự khó khăn của ngành bưu chính sẽ khiến ngành này phải nỗ lực rất nhiều. Và việc phải đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ sẽ khiến khách hàng là người được hưởng lợi nhiều nhất. Chính sự có mặt của TNT, Fedex, dịch vụ chuyển thư, bưu phẩm, bưu kiện trong ngày của Tổng công ty Hàng không Việt Nam và một số doanh nghiệp khác đã khiến bưu chính của VNPT phải chuyển mình thật nhanh.

Trước đây, để chuyển một bưu phẩm từ Hà Nội vào TPHCM cần khoảng 2 - 3 ngày, nhưng nay, gửi sáng, chiều đã nhận được. Đó là chưa kể đến những dịch vụ chuyển phát nhanh theo hình thức phát trong ngày, phát trong ngày theo thỏa thuận...

Vấn đề đặt ra là cán bộ bưu chính phải chọn lối thoát nào để tự cứu mình? Theo Phó tổng giám đốc VNPT Hoàng Thọ Thái, nhiệm vụ đầu tiên mà bưu chính Việt Nam phải làm là đổi mới công nghệ. Chỉ có công nghệ mới quyết định được năng suất lao động và chất lượng dịch vụ hiện nay.

Mạng lưới Bưu chính đã bắt đầu được đầu tư xây dựng với mạng lưới tin học tại các bưu cục. Nhiều phần mềm phục vụ công tác kinh doanh dịch vụ đã được khai thác như phần mềm theo dõi định vị bưu phẩm, bưu kiện, xây dựng mạng tin học cho các dịch vụ tài chính bưu chính như chuyển tiền, tiết kiệm Bưu điện.

Hiện VNPT đã có môt mạng lưới tin học quản lý dịch vụ chuyển tiền, tiết kiệm Bưu điện về tới các huyện.

Với những dịch vụ bị cạnh tranh mạnh như chuyển phát nhanh, VNPT cũng đang phải xây dựng đề án thành lập công ty cổ phần chuyển phát nhanh nhằm mục đích nắm bắt cơ hội phát triển thị trường. Thậm chí, hiện nay, ở một số bưu điện, những người làm bưu chính đang chấp nhận đi... làm thuê cho chính đồng nghiệp viễn thông của mình, như đi thu cước điện thoại, phát triển thuê bao điện thoại mới để hưởng hoa hồng...

Sức ép thời cuộc đang buộc người làm bưu chính phải nỗ lực đa dạng hóa dịch vụ và làm mới mình mới mong cải thiện thu nhập của chính mình. Điều đó không dễ dàng nhưng nói như cô giao dịch viên bưu điện thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) Liêng Hot Uyên Ly thì trước tiên, mỗi giao dịch viên cần phải sử dụng thành thạo ngôn ngữ chung của nhân loại: “nụ cười và ánh mắt thân thiện với khách hàng”!  

(Theo SGGP)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xăng tăng giá - các doanh nghiệp lại kêu trời! (17/08/2005)
TP.HCM xây dựng cổng giao dịch điện tử (17/08/2005)
Giá lúa tiếp tục tăng mạnh (17/08/2005)
Mỹ phẩm nam vẫn núp bóng phụ nữ! (17/08/2005)
Vạch đường đi bằng triết lý kinh doanh (17/08/2005)
Công điện chống đầu cơ xăng dầu: dấu hiệu của tăng giá? (16/08/2005)
Bán băng vệ sinh qua máy bán hàng tự động! (16/08/2005)
Bắt nhiều vụ buôn lậu xăng dầu quy mô lớn (16/08/2005)
Xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu đột phá (16/08/2005)
Vở, dụng cụ học sinh "lăm le" tăng giá (16/08/2005)
Cà phê xuất khẩu được giá nhưng đói hàng (15/08/2005)
Đà Nẵng: Không phải “casino”, chỉ có “khu giải trí đặc biệt” (15/08/2005)
Mexico mê... cá rô phi Việt Nam (15/08/2005)
Mua nhà: Thiên đường trên giấy (15/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang