(VietNamNet) - Theo tin từ Bộ Thương mại, Dự thảo Nghị định về tín dụng hỗ trợ xuất khẩu chuẩn bị được Chính phủ ban hành.
Theo đó, trong giai đoạn 2006-2010 sẽ có 10 nhóm hàng hoá, dịch vụ được khuyến khích xuất khẩu, nhưng lượng mặt hàng được hỗ trợ tín dụng xuất khẩu sẽ giảm dần qua 3 giai đoạn.
|
Lượng mặt hàng được hỗ trợ tín dụng xuất khẩu sẽ giảm dần qua 3 giai đoạn. |
Cụ thể, đến hết ngày 31/12/2007, nhóm hàng hoá nông nghiệp và thực phẩm chế biến (trong đó có cả rau, quả và hàng thuỷ sản), nhóm hàng công nghiệp tiêu dùng, bao gồm hàng dệt (sợi, vải các loại) và sản phẩm may mặc, giày dép, xe đạp 2 bánh và phụ tùng xe đạp sẽ không còn nằm trong Danh mục hàng hoá, dịch vụ khuyến khích xuất khẩu.
Sau ngày 31/12/2008, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ; hàng điện tử và máy vi tính; dây và cáp điện các loại cũng sẽ không được hỗ trợ tín dụng xuất khẩu.
Đến hết ngày 31/12/2010, sẽ chấm dứt hỗ trợ xuất khẩu tất cả những mặt hàng còn lại như tàu biển xuất khẩu; dịch vụ phần mềm, công nghệ thông tin; dịch vụ nhà thầu xây dựng; dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát và nhóm các mặt hàng cơ khí…
Hoạt động tín dụng ưu đãi trước sức ép gia nhập WTO
Việc nhiều nhóm hàng được hỗ trợ tín dụng xuất khẩu sẽ giảm dần như trên buộc nhiều ngành và tổ chức liên quan phải thay đổi cơ bản, không chỉ giới hạn ảnh hưởng trong các mặt hàng đó. Trong đó, hoạt động tín dụng ưu đãi của các quỹ hỗ trợ xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng mạnh và đứng trước sức ép thay đổi lớn nhất.
Hiện nay hoạt động tín dụng hỗ trợ xuất khẩu của Quỹ Hỗ trợ phát triển là một hình thức trợ cấp, ưu đãi về lãi suất đối với một số mặt hàng xuất khẩu. Khi trở thành thành viên WTO, Việt Nam sẽ phải tuân thủ Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM). Như vậy, nghiệp vụ tín dụng hỗ trợ xuất khẩu này của Quỹ có thể sẽ không được tiếp tục duy trì hoặc nếu có thì cần đổi mới khá nhiều.
Do vậy, trong thời gian tới, tín dụng hỗ trợ xuất khẩu phải thực sự tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đối với những ngành hàng ưu thế (như nông sản, thuỷ sản, hạt tiêu, hạt điều, gạo, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng mây tre lá...) hay những thị trường thế mạnh (thị trường Đông Âu truyền thống, thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ...) đủ sức trụ vững và cạnh tranh được trên trường quốc tế.
Tiến tới dù không còn sự hỗ trợ này của Chính phủ thì các doanh nghiệp, các ngành hàng trên sẽ lại có được sự giúp sức của Hiệp hội ngành nghề, làng nghề hay Hiệp hội doanh nghiệp lúc đó đã đủ tầm hỗ trợ. Vì thế ngay từ bây giờ, song song với việc hỗ trợ xuất khẩu, Chính phủ đang quan tâm tới việc hỗ trợ hình thành và phát triển các Hiệp hội làng nghề, ngành nghề hoặc Hiệp hội doanh nghiệp rất cần đối với doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của các Quỹ và các tổ chức tín dụng ưu đãi thuộc Chính phủ là nghiên cứu tiến trình chuyển đổi cho phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngay bây giờ cần tập trung đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ đảm bảo đủ khả năng và trình độ đáp ứng được yêu cầu công việc trong hội nhập.
Thời gian chạm đích WTO của Việt Nam không còn bao lâu nữa, vì vậy cả Chính phủ lẫn các tổ chức tín dụng ưu đãi của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đang tìm tòi nghiên cứu hướng đi mới cho giai đoạn mới. Kết quả đàm phán gia nhập WTO còn chưa kết thúc, nhưng việc hội nhập là tất yếu, vì thế chỉ trong thời gian rất ngắn sẽ có những đổi mới từ Quỹ Hỗ trợ Phát triển và các tổ chức tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
|