Nhiều DN ăn nên làm ra tại Trung Đông
09:13' 03/01/2003 (GMT+7)

Cuối năm 1997, một đoàn 10 giám đốc công ty ở TP.HCM đã sang khảo sát thị trường Ai Cập.

Nhiều người làm việc ở cơ quan đại diện của Việt Nam tại các nước Trung Đông thường nói vui ''công tác ở đây chẳng khác gì đi... Mù Cang Chải!''. Không phải vì những nơi này ''khỉ ho cò gáy'', mà vì có quá ít đoàn từ trong nước sang, và DN Việt Nam dường như đang né tránh thị trường này, mặc dù trên thực tế, không ít DN đã ''ăn nên làm ra'' tại Trung Đông.

Hàng hóa ''made in Vietnam'' đã có mặt ở Trung Đông từ lâu, nhưng tiếc rằng, thường do một nước thứ ba chuyển tới. Người Ảrập uống cà phê còn nhiều hơn người Việt Nam uống nước trà, và họ đều phải nhập. Trà cũng phải mua từ Sri Lanka, Ấn Độ... Công nghệ ẩm thực của bạn thường nổi tiếng về các thứ gia vị, và bạn rất ''mê'' hạt tiêu đen của Việt Nam, nhưng cũng do một nước thứ ba chuyển tới. Tại một siêu thị ở Cairo, giá gừng củ tươi (gừng Việt Nam 100%) ghi rõ là... 20 USD/kg. Còn ở Kuwait, những chai nước mắm Phú Quốc song là ''made in Thailand'', thậm chí còn in sai chính tả là ''nước mầm'', nhưng bốn chai đó giá tương đương... một chỉ vàng!

Các DN lớn của Việt Nam chưa chịu ''xông'' vào thị trường này, đến nỗi thương hiệu cũng bị mất luôn! Ngược lại, doanh nghiệp nào chịu khó đi, chịu khó tìm hiểu, chắc chắn sẽ thắng lớn.

Có thể kể ra đây những tấm gương như vậy. Ba Nhất, một HTX hàng đầu về mây tre đan ở TP.HCM, chỉ trong một kỳ hội chợ, đã giải quyết toàn bộ hàng tồn kho trong một năm. Cán bộ của HTX đã khảo sát, nghiên cứu và nắm được một điều tưởng như đơn giản: xứ sa mạc lấy đâu ra mây tre để đan hàng thủ công và mỹ nghệ. Người Ảrập thích là phải!

Ông Diệp Thành Kiệt, Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May - Thêu - Đan TP.HCM, một thân một mình lặn lội sang Ảrập Xêút từ khi nước này và Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao chính thức (nay đã có). Không quan tâm đến những mặt hàng cao cấp, ông đã tìm ra một sản phẩm bình dân: chiếc áo choàng của những người đàn ông Ảrập. Ông đã ký được những hợp đồng mà May - Thêu - Đan làm đến... ''mệt nghỉ''. Một doanh nghiệp khác vội vàng hỏi thăm sứ quán vì thấy kết quả chuyến đi của ông Kiệt mà phát ham.

Còn bà Lê Hải Liễu, Giám đốc Xí nghiệp Gỗ Đức Thành, chưa từng đặt chân sang lsrael nhưng nhờ lang thang ở Hội chợ Ảrập để tìm đối tác, đã ký được hợp đổng để hàng tháng, xuất sang lsrael vài container sản phẩm.

Còn rất nhiều tấm gương khác, và tất cả đều có chung một điểm: đó là những doanh nhân xông xáo, năng động, có bản lĩnh kinh doanh, tinh thông ngoại ngữ để giao tiếp, tranh luận khi ký hợp đồng... Kinh doanh là phải như thế, bởi nếu cứ ngồi nhà để hỏi thăm và ''nghe nói'', ''cứ nghĩ'' và ''cứ tưởng'' thì không thể mang lại kết quả.

Chuyện về khủng bố

Những người chưa sang Trung Đông, ngồi nhà nghe tin những vụ khủng bố ở khu vực này mà... ngán! Những vụ đó là có thực, có điều là nó không... ghê gớm như tưởng tượng.

Cuối năm 1997, một đoàn 10 giám đốc công ty ở TP.HCM yêu cầu được sang khảo sát thị trường Ai Cập, kết hợp đi du lịch. Mọi thứ đã chuẩn bị xong, các bạn Ai Cập hoan hỉ chờ đón. 17/11/1997 xảy ra vụ khủng bố ở Luxor, ngay lập tức, đoàn ta báo tin xin hoãn, không sang nữa. Báo hại cơ quan đại diện và thương vụ phải tìm lý do nghe cho lọt tai để xin lỗi bạn, vì nếu nói ''do vụ Luxor'', e bạn không hiểu, bởi Luxor cách Thủ đô Cairo gần 1.000km về phía tây nam, còn đoàn chỉ có yêu cầu đến Cairo để gặp gỡ đối tác. Ai Cập có diện tích 997.000km2 (gấp gần ba lần Việt Nam), nên không thiếu gì chuyện ở các miền, các vùng xa lắc xa lơ!

Đã có những doanh nhân Việt Nam sang Cairo khảo sát, đi bộ ngắm cảnh ''Cairo by night'' lúc 1h sáng ; còn ở Kuwait, bà con ta đi siêu thị thường là 2h sáng (các siêu thị ở đây mở cửa bán hàng 24/24, vì thời tiết lúc đó mới mát), nhưng chưa bao giờ hề hấn gì. Có người còn nói vui: ''Ở đây an ninh còn hơn cả TP mình'', khi nhìn thấy những phụ nữ Ảrập đi dạo, vàng đeo đầy người.

Thông thường, những chuyện lộn xộn này thường diễn ra ở các điểm đang tranh chấp, vùng giáp ranh hai bên thù địch. Những nơi đó, ta đến làm gì, và có gì đâu mà khảo sát?

 Chuyện ăn, ở

Tại thủ đô các vương quốc dầu mỏ này, không thiếu gì khách sạn năm sao của các tập đoàn lớn trên thế giới. Tuy nhiên, có một cách  để doanh nhân Việt Nam ăn, ở... ít tốn tiền, lại hợp khẩu vị, bắt đầu Từ thủ đô Cairo (Ai Cập).

Các gia đinh trung lưu trở lên ở Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Ảrập Xêút... thường mua hẳn một căn hộ ở Cairo. Hàng năm, họ đưa cả gia đình sang đây nghỉ ngơi, đi tham quan các bảo tàng, kim tự tháp... trong khoảng mươi ngày rồi lại trở về. Họ thuê một người Ai Cập trông nom, lau chùi nhà cửa. Người coi nhà này cho khách vãng lai ngắn ngày thuê lại. Những căn hộ đó thường khá sang trọng, có 3-4 phòng ngủ rộng rãi, phòng ăn, phòng khách (tối thiểu ở phòng khách phải có hai bộ salon, bởi các gia đinh Arập thường đông con. Và khi đi nghỉ, họ thường có nhiều bạn bè đến thăm). Nội thất được trang bị đầy đủ, nồi xoong, chén bát, đũa và bếp gas...

Một căn hộ như vậy đủ sức chứa một đoàn doanh nhân khoảng 10 người (nếu ngủ trên salon ở phòng khách thì có thể đông hơn). Hàng ngày có người lau nhà, đổ rác... Cũng có thể tự nấu cơm và thức ăn theo kiểu Việt Nam, bởi các tầng trệt thường là các cửa hàng tổng hợp, bán từ gạo mì đến rau tươi, trái cây và mọi thứ cần thiết khác.

Tiền thuê mỗi căn hộ như vậy thường là 100 USD/ngày, và mỗi người chỉ phải trả 10 USD, chắc chắn thoải mái và rẻ hơn nhiều so với giá khách sạn. Đã có nhiều đoàn DN xin ở kiểu này. Trước khi đi, nên gửi thư điện tử nhờ người trong đại sứ quán tìm giúp, để khi sang có chỗ ở ngay.

Tại Kuwait, có thể liên hệ trước với cơ quan thương vụ để tìm giúp những nhà khách, giá tiền rẻ hơn khách sạn mà cũng đày đủ dụng cụ nhà bếp để tự nấu ăn. Tại Dubai cũng vậy, Việt Nam có cơ quan Tổng lãnh sự cơ quan đại diện Vietnam Airlines nên các cơ quan này sẵn sàng giúp đỡ.

(Theo TBKTSG)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhộn nhịp chợ và các siêu thị (03/01/2003)
Chật vật "gõ cửa" thị trường thế giới (02/01/2003)
Nhiều DN tăng tốc sản xuất từ đầu năm (02/01/2003)
''Hàng Việt Nam vào Thụy Điển rất cần tính độc đáo'' (02/01/2003)
Nghiêm cấm tự tăng giá cước vận tải dịp Tết (02/01/2003)
Giảm 10% thuế suất nhập khẩu một số mặt hàng xăng dầu (02/01/2003)
''Việt Nam luôn thiện chí với nhà đầu tư nước ngoài'' (02/01/2003)
Ngôn ngữ báo chí và kinh tế thị trường (02/01/2003)
Chưa nâng phí đăng ký trước bạ và lệ phí đăng ký xe máy (02/01/2003)
TP.HCM: Sức mua tăng, hàng hoá dồi dào (02/01/2003)
Nở rộ các phiên chợ nông nghiệp (02/01/2003)
''Sẽ giảm dần việc định giá trực tiếp một số loại hàng'' (02/01/2003)
Một năm đầy triển vọng (02/01/2003)
Việt Nam có thể xuất 3,9 triệu tấn gạo (02/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang