(VietNamNet) - Trong khuôn khổ hội nghị tổng kết điều hành năm 2002 và chương trình công tác 2003 của ngành nông nghiệp, hôm nay (4/1), bốn ''nhà'': nông, khoa học, quản lý và doanh nghiệp chính thức đặt bút ký vào bản cam kết hỗ trợ nông dân bao tiêu sản phẩm, tạo nền móng cho nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
|
Thu hoạch chè ở Thái Nguyên |
Lợi ích cho cả 4 bên
Thực tế cho thấy, thực hiện việc bao tiêu sản phẩm đã đem lại lợi ích cho cả bốn bên, đặc biệt là người nông dân. Năm qua, 70.000ha lúa, 180.000ha mía, 30.000ha bông, 20.000ha thuốc lá... được sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm, mà điển hình là Tổng công ty Bông, Nông trường Sông Hậu, Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa). Hiện nay, các địa phương và doanh nghiệp đang chuẩn bị tích cực để triển khai mạnh việc bao tiêu trong năm 2003, với 1,3 triệu ha lúa, 20.000 tấn chè, 100.000 tấn cà phê nhân...
Tại một hội nghị gần đây về liên kết bốn nhà, đại diện Công ty Mía đường Lam Sơn, cho biết, trong quá trình 15 năm thực hiện hợp đồng thu mua sản phẩm, tại đây đã hình thành một tập quán: nếu không có hợp đồng ký kết với công ty, nông dân không thể yên tâm đầu tư sản xuất. Mối quan hệ thông qua hợp đồng kinh tế, không đơn thuần chỉ là cơ sở pháp lý ràng buộc trách nhiệm hai bên, mà còn là cơ sở giữ gìn và phát huy chữ ''Tín'' của công ty và nông dân. Theo vị đại diện này, gần 10 năm qua, không có sự tranh chấp hợp đồng nào giữa Mía đường Lam Sơn và người dân phải đưa ra tòa án kinh tế, mà đều nhờ thương lượng, hòa giải.
Ông Nguyễn Phượng Vĩ, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Bộ NN-PTNT), cho rằng, thực hiện tốt liên kết trên sẽ đảm bảo rất nhiều lợi ích. Nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, được tiếp cận KH-CN và vốn; doanh nghiệp có nguồn cung cấp nông sản ổn định cho chế biến và xuất khẩu; các nhà khoa học đưa được các công trình nghiên cứu vào thực tiễn và ngân hàng thực hiện tốt hơn chức năng kinh doanh tiền tệ, hạn chế bớt rủi ro cho đồng vốn.
Không nên can thiệp giá bằng biện pháp hành chính
Tuy nhiên, bà Trần Ngọc Sương, Giám đốc Nông trường Sông Hậu nhận xét, việc bảo hộ cho nông dân là tốt, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội. Song, nhìn từ góc độ doanh nghiệp, sẽ thấy sức ép từ hai phía: Nhà nước (với chính sách bảo hộ cho nông dân); nông dân (o ép doanh nghiệp khi khan hiếm sản phẩm). Bà Sương kiến nghị, Nhà nước nên xem xét giảm việc áp dụng các biện pháp hành chính trong việc can thiệp giá cả, thay vào đó là các chính sách hỗ trợ khác: tăng cường chuyển giao KHCN đến nông dân; hỗ trợ giống cây con; quản lý giá các mặt hàng siêu lợi nhuận như thuốc BVTV, thú y; hỗ trợ chính sách thuế...
Bên cạnh đó, Quyết định 80 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng chỉ rõ: nếu doanh nghiệp không thực hiện hợp đồng, họ sẽ phải đền bù toàn bộ thiệt hại và chịu mọi phí tổn cho nông dân, hoặc bị rút giấy phép. Tuy nhiên, với người nông dân, không thể quy định như doanh nghiệp được, mà chỉ có tuyên truyền, vận động họ thực hiện hợp đồng và chỉ ra lợi ích từ việc ký kết và thực hiện hợp đồng; đồng thời, phải gắn với cơ chế tài chính.
''Ngân hàng cho vay vốn để sản xuất. Nếu nông dân vi phạm hợp đồng, họ sẽ không được tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng, không bán được nông sản cho doanh nghiệp, không có ai đứng ra hỗ trợ kỹ thuật. Họ cần nhìn thấy cái lợi lâu dài của việc ký kết và thực hiện hợp đồng'' - ông Nguyễn Phượng Vĩ nói.
Thị trường không phải nơi bán nông sản thừa
Hiện nay, tại nhiều địa phương, nông dân vẫn coi thị trường là nơi tiêu thụ sản phẩm dư thừa, mà chưa thực sự lấy thị trường là điểm xuất phát để lên kế hoạch sản xuất. Một số nơi đã chuyển sang sản xuất hàng hóa vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong chế biến, bao tiêu và tiêu thụ, thiếu vốn.
Trong khi đó, theo Cục Khuyến nông - Khuyến lâm, hiện tượng phá vỡ hợp đồng còn khá phổ biến. Các bên tham gia đang thiếu sự hỗ trợ của ngành liên quan, như Viện nghiên cứu, trung tâm khuyến nông, ngân hàng... Do vậy, hiệu quả kinh tế của các hợp đồng còn hạn chế, chưa tạo động lực thu hút doanh nghiệp và nông dân ký kết. Bản cam kết giữa Bộ NN-PTNT, Ngân hàng Nhà nước, Liên hiệp các hội KHKT, Tổng Liên đoàn lao động và Hội Nông dân Việt Nam thực sự tạo niềm tin để gắn bó DN và nông dân, gắn kết vùng sản xuất và nơi tiêu thụ.
|