(VASC Orient) - Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (25/12) tại thị trường Tokyo, các đồng tiền chính ít biến đổi và khối lượng lượng giao dịch thấp do nghỉ lễ Giáng sinh. Tuy nhiên đồng USD vẫn tỏ ra không vững vàng do những tin tức yếu kém về nền kinh tế Mỹ và sự lo ngại gia tăng về khả năng xảy ra chiến tranh chống Iraq.
Nỗ lực của các quan chức Chính phủ Nhật Bản nhằm làm giảm giá đồng yên đã không thể có tác dụng gì hơn ngoài việc làm đồng USD tăng tạm thời, khi phần lớn các nhà kinh doanh đều cho rằng Chính phủ Nhật sẽ không can thiệp tại mức giá hiện nay.
Ông Minori Takeuchi, Phó Chủ tịch Nghiên cứu của J.P. Morgan Chase cho rằng: "Đồng USD sẽ vẫn phải chịu nhiều áp lực do các nhà kinh doanh đều cho rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi, có lẽ vào tháng 2 tới".
Nhiều người cho rằng Mỹ sẽ tấn công Iraq trong khoảng thời gian ngắn sau ngày 27/1/2003 - hạn chót cho các thanh sát viên vũ khí của LHQ báo cáo lên HĐBA. Một cuộc chiến tranh xảy ra sẽ làm giá dầu tăng cao, giảm lòng tin người tiêu dùng Mỹ, và đó là những yếu tố tiêu cực đối với đồng USD.
Đêm qua, đồng USD ở mức 1,0300 USD/EUR và 120,28 JPY/USD.
Tại Sở Giao dịch Hàng hoá New York, giá dầu thô giao tháng 2 tăng 22cent trong ngày thứ Ba, đạt mức 31,97 USD/thùng sau khi đã có lúc đạt mức 32,03 USD/thùng, mức cao nhất trong gần 2 năm qua.
Nhìn chung thị trường ngày hôm qua có khối lượng giao dịch rất thấp do việc các thị trường chính như London và New York đóng cửa nghỉ lễ Giáng sinh. Điều này đã làm đồng USD tăng nhẹ so với EUR sau khi đã bị mất giá mạnh do báo cáo yếu kém về doanh số lệnh đặt hàng trong ngày thứ Ba.
Trước đó, đồng USD đã mất giá mạnh sau khi Bộ Thưong mại Mỹ cho biết doanh số lệnh đặt hàng tiêu dùng giảm 1,4% trong tháng 11, thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo tăng 0,7% của các nhà phân tích. Doanh số lệnh đặt hàng trong tháng 10 cũng bị hiệu chỉnh xuống mức tăng 1,7% so với báo cáo ban đầu là tăng 2,4%.
Bản báo cáo cũng cho thấy nhu cầu tiêu dùng đang suy yếu và không có dấu hiệu nào cho thấy các doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng chi tiêu thêm, đó là một dấu hiệu đáng lo ngại cho các nhà đầu tư về khả năng phục hồi từ tình trạng suy thoái của nền kinh tế Mỹ bắt đầu từ năm ngoái.
Các cơ quan điều hành tiền tệ của Nhật bản phản ứng với đợt mất giá mới nhất của đồng USD bằng tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Haruhiko Kuroda, việc đồng yên lên giá nên được và phải được điều chỉnh.
Ông Zembei Mizoguchi, một viên chức cao cấp của Bộ Tài chính - người sẽ kế nhiệm ông Kuroda trong tháng 1 tới, cho rằng ông hy vọng đồng USD sẽ phục hồi và sẽ tìm cách kiểm soát sự biến động của các thị trường tiền tệ.
Nhưng những phát biểu này chẳng có tác dụng mấy và chỉ làm đồng USD tăng nhẹ so với yên, và nhiều nhà kinh doanh cho rằng, việc bán ra có tính đầu cơ sẽ làm đồng USD mất giá trở lại so với yên, hơn nữa khả năng xảy ra can thiệp là rất thấp trong dịp nghỉ lễ mừng năm mới.
|