Mỹ đang thúc Việt Nam đàm phán Hiệp định Dệt may
04:38' 09/01/2003 (GMT+7)
 

(VASC Orient) - Trước sự tăng trưởng mạnh của hàng dệt may vào thị trường Mỹ, nước này từ đầu tháng 12 đã liên tục đề nghị Việt Nam đàm phán về Hiệp định Dệt may. Mỹ đã từng dự kiến, đầu tháng 12 này, một phái đoàn của họ sẽ sang Việt Nam để đàm phán vòng đầu tiên của Hiệp định.

Phía Việt Nam đã đề nghị hoãn việc này đến sau tết Nguyên đán Quý Mùi. Sáng qua (27/12), trong cuộc giao ban và tổng kết hoạt động xuất khẩu năm 2002 của thành phố Hà Nội, ông Lê Văn Đạo - Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại - cho rằng ''việc trì hoãn này không thể kéo dài''. 

Trao đổi với VASC Orient, ông Đạo cho biết, vòng đàm phán đầu tiên hiện chưa thể chắc chắn trước hay sau tết Nguyên đán. Phía Việt Nam sẽ có sự tham gia của Tổng công ty Dệt may và các quan chức Thương mại, phía Mỹ chủ yếu chỉ là các quan chức thương mại chứ không có doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc trì hoãn đàm phán càng lâu càng có lợi cho Việt Nam, nhưng ông Đạo từ chối trả lời về thái độ của phía Bộ Thương mại Việt Nam.

Các nhà xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã có những hiểu biết nhất định về thị trường Mỹ, lại đang đẩy mạnh đầu tư và thâm nhập thị truờng Mỹ. Do đó, nếu Mỹ áp dụng hạn ngạch dệt may đối với Việt Nam, tác động tới xuất khẩu dệt may sẽ rất lớn.

Hết năm 2002, Bộ Thương mại cho biết, dệt may năm nay là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chỉ sau dầu thô. Tháng 12, kim ngạch mặt hàng này đạt khoảng 280 triệu USD, cả năm đạt hơn 2,7 tỷ USD. Trong năm 2002, xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ đạt 930 triệu USD, gấp 20 lần so với năm 2001. 

Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với giá trị xuất khẩu chiếm 16,33 % tổng kim ngạch xuất khẩu (năm 2002); tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm trong hơn 1.000 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn về thị trường do các chính sách phân biệt đối xử và chính sách bảo hộ của một số nước nhập khẩu chính, như Nhật Bản, EU...

Phó Chủ tịch Tập đoàn siêu thị J.C Penney (Mỹ) - ông Peter McGrath trong chuyến làm việc tại TP.HCM cho biết, trước sức ép của các nhà sản xuất Mỹ, gần như chắc chắn Chính phủ nước này sẽ không trì hoãn việc áp dụng hạn ngạch đối với hàng dệt may Việt Nam.

Theo ông Peter, hiện chính phủ Mỹ chưa công bố một lộ trình cụ thể cho vấn đề hạn ngạch, nhưng có thể là tháng 1 hoặc tháng 6/2003, Mỹ sẽ bắt đầu áp dụng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng ông Peter phân tích, lý do chính là Chính phủ Mỹ chịu nhiều sức ép lớn từ phía các nhà sản xuất nước này. Họ cho rằng, mức tăng trưởng hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ là đủ lớn để áp dụng hạn ngạch, dù giá trị và thị phần chưa cao. Nguyên nhân thứ hai là từ năm 2005, Mỹ sẽ gỡ bỏ hạn ngạch hàng dệt may đối với các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nên trong giai đoạn này, các nhà sản xuất Mỹ muốn áp dụng hạn ngạch đối với Việt Nam.

Trả lời câu hỏi: nếu Mỹ áp dụng hạn ngạch đối với hàng dệt may Việt Nam, các DN sẽ gặp khó khăn gì? Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT của Vinatex cho rằng, điều này còn phụ thuộc vào kết quả đàm phán sắp tới. ''Điểm bất lợi là Việt Nam đang xuất tự do thì nay phải xuất có điều kiện (theo hạn ngạch giống như xuất qua EU); điểm thuận lợi có thể có là thỏa thuận được số hạn ngạch lớn''.

  • Hồng Phúc

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giá đường giảm, giá cà phê chập chờn (09/01/2003)
Thị trường xe máy - một năm chao đảo (09/01/2003)
Giày Hiệp Hưng không được bù lỗ bằng ngân sách (09/01/2003)
Tỷ giá ít biến động trong dịp Giáng sinh (09/01/2003)
Nhiều khó khăn trong xây dựng làng nghề tập trung (08/01/2003)
Việt Nam vẫn chưa áp dụng biểu thuế mới cho AFTA (08/01/2003)
Việt Nam được phép xuất thịt gia cầm sang Nhật (08/01/2003)
Thu hồi kết quả đấu thầu nếu phát hiện bán thầu (08/01/2003)
BIDV xúc tiến mở văn phòng tại Mỹ (08/01/2003)
26 doanh nghiệp Trung Quốc tìm đối tác tại Việt Nam (08/01/2003)
Thành lập Hiệp hội Du lịch Việt Nam (08/01/2003)
Petro Việt Nam ký hợp đồng khai thác dầu khí thứ 47 (08/01/2003)
''Kiến thức tài chính của lãnh đạo DN còn kém'' (08/01/2003)
Wall Street không phản ứng tích cực với kế hoạch của ông Bush (08/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang