Năm 2003
Việt Nam có thể xuất 3,9 triệu tấn gạo
05:36' 02/01/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo của thế giới năm 2003, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) cho rằng, Việt Nam có khả năng xuất khẩu 3,9 triệu tấn gạo, tăng khá mạnh so với mức xuất khẩu khoảng 3,2 triệu tấn của năm 2002.

Theo TS. Đặng Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin NN-PTNT (Bộ NN-PTNT), lượng gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới năm 2003 dự đoán tăng lên 900.000 tấn, khoảng 3,45%. Các thị trường lớn cho gạo chất lượng thấp và gạo đồ vẫn là châu Phi, Indonesia và Philippines.

Trong số các thị trường nhập khẩu gạo, các quốc gia Nam Á sẽ tăng lượng nhập, do gạo lưu kho ít và gạo sản xuất chỉ tăng nhẹ. Bangladesh dự tính sẽ nhập 500.000 tấn, tăng 100.000 tấn so với năm 2002. Năm tới, Indonesia dự tính vẫn nhập với lượng lớn. Nhập khẩu gạo của Philippines và Uzbekistan có khả năng không đổi. Các nước châu Á khác sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu do sản lượng giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng. 

Thái Lan là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo (chiếm gần 30%), sau đó là Ấn Độ (17,4%), Việt Nam (12,54%), Mỹ (11,2%) và Trung Quốc (7,72%). Sản lượng gạo của Thái Lan dự tính sẽ phục hồi, lượng xuất khẩu đạt khoảng 7,5 triệu tấn, cao hơn mức 7 triệu tấn của năm 2001, 2002. Trong khi đó, ông Đặng Kim Sơn đánh giá, Ấn Độ vẫn đạt mức xuất khẩu cao do điều kiện thời tiết thuận lợi, giá cạnh tranh.

Sự gia tăng xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng được ghi nhận trong bối cảnh sản lượng và dự trữ gạo của thế giới có khả năng giảm mạnh trong năm 2003. Theo FAO, khi kết thúc niên vụ 2002-2003, dự trữ gạo toàn cầu sẽ sụt xuống mức 125 triệu tấn, giảm 23 triệu tấn so với niên vụ trước.

Tuy nhiên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn không nắm bắt, theo sát được tình hình cung - cầu gạo trong nước để có mức giá chủ động, làm giảm sức cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Quý II/2002, 600.000 tấn gạo được đưa từ ĐBSCL ra miền Trung và miền Bắc. Sự phân phối đột biến này khiến giá gạo ở ĐBSCL tăng, dẫn đến giá gạo trong nước cũng tăng. Các DN đã đẩy giá gạo xuất khẩu lên 165-170 USD/tấn, trong khi giá gạo Ãn Độ là 135-140 USD/tấn, khiến khách khách hàng Philippines chuyển sang mua gạo của Ấn Độ nhiều hơn.

  • H.Y
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đầu tư nước ngoài đi vào thực chất (30/12/2002)