Kinh tế năm 2003:
Một năm đầy triển vọng
05:36' 02/01/2003 (GMT+7)
 

(VietNamNet) - GDP tăng xấp xỉ 7%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng khoảng 13%, xuất khẩu tăng gần 10%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thêm 2.345 USD... Những thành quả đó trong năm 2002 đã tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước bước vào năm 2003.

 

Theo đánh giá của Thủ tướng Phan Văn Khải hôm 29/12/2002, thì ''năm 2002, cả nước ta được mùa''. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Đặc biệt, xuất khẩu tăng gần 10%, cao hơn dự đoán được đưa ra tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XI.

Tiêu dùng và đầu tư nội địa tăng và sẽ còn tăng

Tiêu dùng trong nước năm 2002 đạt khoảng 276 tỷ đồng. Chỉ số giá cả tăng 4,1% so với năm 2001, trong đó nhóm hàng tăng khá nhất là nhà ở và vật liệu xây dựng (7,1%) và nhóm lương thực - thực phẩm (5,7%). Đây là mức tăng cao nhất so với mấy năm gần đây, là tín hiệu tốt cho thấy thị trường trong nước đang được mở rộng, đời sống dân cư được cải thiện.

Tiêu dùng tăng cao tất yếu sẽ kéo theo sự phát triển của các khu vực kinh tế. Hơn nữa, thị trường Việt Nam đang tiếp tục hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến sự tăng trưởng của dòng vốn FDI vào Việt Nam  trong những năm tới. Hiện tượng này cho thấy sự kết thúc thời kỳ giảm phát của nền kinh tế, và kết quả đáng khích lệ của chính sách kích cầu của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo dự đoán của một số nhà phân tích, chỉ số giá cả năm 2003 có thể không tăng mạnh. Trước hết, do tác động của việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo CEPT, hàng hóa từ các nước thành viên ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam, khiến các nhà sản xuất trong nước phải tìm cách giảm giá thành. Mặt khác, hậu quả của thiên tai tại nhiều vùng sẽ làm sức mua của một bộ phận không nhỏ dân cư bị giảm sút. Thêm vào đó, lượng cung hàng hóa ngày càng dồi dào, tình trạng căng thẳng cung - cầu sẽ không xảy ra nên giá cả thị trường bình ổn hơn.

Khu vực kinh tế trong nước cũng có những chuyển biến đáng kể. Với những chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ, gần 20.000 doanh nghiệp mới đã được thành lập. Con số này chưa bằng năm 2001 (21.000 doanh nghiệp), nhưng tổng vốn đầu tư thì tăng hơn 34% (vốn đăng ký 11 tháng năm 2002 đạt gần 46.400 tỷ đồng, tương đương hơn 3 tỷ USD). Đây là năm đầu tiên vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước cao hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoại. Số liệu từ Bộ KH-ĐT cho thấy, tỷ trọng đầu tư của dân cư và tư nhân năm nay chiếm tỷ trọng tới 28,5% tổng đầu tư toàn xã hội. Đó là hiệu quả rõ ràng nhất của quá trình phát huy nội lực, giải phóng sức sản xuất trong nước mà Chính phủ theo đuổi lâu nay.

Đầu tư nước ngoài phát triển theo chiều sâu

Bộ KH-ĐT cho biết, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm 2002 đã đưa thêm 2,35 tỷ USD vào triển khai các dự án, tăng 145 triệu USD so với kế hoạch. Khoảng 700 dự án mới được cấp phép và 100 dự án bắt đầu đi vào hoạt động, trong đó có những dự án quan trọng mà điển hình là Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn. Theo Bộ KH-ĐT, trong năm tới, các dự án này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Mặt khác, những hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư tích cực trong năm nay của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn vào năm 2003.

Doanh thu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm 2002 đạt tới 9 tỷ USD (không kể dầu khí), tăng 10% so với năm 2001 (trong khi tốc độ tăng của năm 2001 chỉ là 6%). Góp một phần đáng kể vào mức tăng trưởng này là giá trị sản xuất công nghiệp (tăng 21%) và kim ngạch xuất khẩu (23,7%). Tỷ trọng của khu vực này chiếm khoảng 13,4% GDP cả nước năm 2002.

Thêm nhiều thị trường xuất khẩu mới

Năm 2002 chứng kiến những hoạt động kinh tế đối ngoại sôi động của Việt Nam. Xuất khẩu tăng trưởng vượt dự báo, đặc biệt, một số thị trường đã được khai thác thêm hoặc mở rộng hơn nhiều so với trước đây. Thủ công mỹ nghệ vào Nhật nhiều hơn, thủy sản và hàng dệt may vào Mỹ tăng vọt... Qua những chuyến khảo sát thị trường, những ''mảnh đất'' trước đây ít khi doanh nghiệp Việt Nam để ý đến thì nay đã được coi trọng hơn. Điển hình là thị trường châu Phi và Trung Cận Đông. Hoạt động tìm kiếm thị trường mới chắc chắn sẽ được đẩy mạnh thêm trong năm tới, khi các doanh nghiệp nhìn thấy rõ hơn tác dụng to lớn của xúc tiến thương mại, và nhất là được Chính phủ hỗ trợ tích cực.

Theo dự đoán của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) và Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), kinh tế thế giới năm tới tiếp tục tăng trưởng. Đó là thuận lợi cơ bản để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

  Năm 2002 (đơn vị %) Năm 2003 (đơn vị %)
Tốc độ tăng trưởng chung của thế giới 2,7 4,5
Các nước phát triển 1,5 3,25
Các nước sử dụng đồng Euro 1,25 3,0
Các nước đang phát triển 3,75 6,0
Các nước châu Á 5,5 7,25

Chủ động hội nhập để tạo cơ hội cho chính mình

Năm 2003 sẽ chứng kiến những sự kiện quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: thực hiện CEPT để cùng các nước ASEAN biến ý tưởng về khu vực mậu dịch tự do thành hiện thực, tiếp tục đàm phán gia nhập WTO. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia xúc tiến thành lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA).

Hội nhập kinh tế quốc tế làm xuất hiện không ít nguy cơ mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt, nhưng cũng tạo cho họ hàng loạt cơ hội mới. Hàng Việt Nam ra thế giới sẽ dễ dàng hơn, sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ được cải thiện, các luồng vốn đầu tư sẽ tăng và được phân bổ hợp lý hơn theo những quy luật kinh tế khách quan...

''Năm tới, tốc độ tăng trưởng phải cao hơn năm nay''

Đó là mục tiêu mà Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch - Đầu tư. Để hoàn thành nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm, Thủ tướng nêu rõ, năm 2002 tạo đà cho tăng trưởng năm 2003 đạt khoảng 7,5%. Năm 2003 tiếp tục tạo đà cho những năm tiếp theo đạt tốc độ 8%/năm.

Thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2002 Triển khai kế hoạch năm 2003
GDP tăng khoảng 7% (kế hoạch là 7-7,3%) GDP tăng khoảng 7-7,5%
Kim ngạch xuất khẩu tăng 10% (kế hoạch là 10-13%) Kim ngạch xuất khẩu tăng 7,5-8%
Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 5,4% (kế hoạch là 4,2%) Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 5%
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,5% (kế hoạch là 14%) Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14-14,5%
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 34% GDP (kế hoạch là 32%) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 35% GDP
Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4% (kế hoạch là 3-4%) Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 5%
  • Trịnh Hằng
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Việt Nam có thể xuất 3,9 triệu tấn gạo (02/01/2003)
Đầu tư nước ngoài đi vào thực chất (30/12/2002)