''Ngành điều cần nhìn về thị trường nội địa''
08:47' 03/10/2003 (GMT+7)

Các doanh nghiệp chế biến điều cần tổ chức nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thị trường nội địa.

Năm 2003, ngành điều sẽ xuất khẩu khoảng 70.000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch hơn 235 triệu USD, giữ vững vị trí thứ hai trên thế giới (sau Ấn Độ) cả về sản lượng chế biến lẫn kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên ngành điều hiện đang đối diện với hàng loạt vấn đề khó khăn như thiết bị công nghệ lạc hậu, thiếu hụt lao động...

Trao đổi với giới báo chí, ông Bạch Quốc Khang, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối, cho biết, nếu tiếp tục giữ được nhịp độ như hiện nay, ngành điều hoàn toàn có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD vào năm 2010 như mục tiêu Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, ngành điều cũng đang bộc lộ một số nhược điểm mà nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng này. Thứ nhất, đó là chất lượng hạt điều chưa cao, chẳng hạn tỷ lệ hạt điều trắng của Việt Nam chỉ đạt khoảng 40% trong khi tại một số nước như Ấn Độ hay Brazil, tỷ lệ này là 70%.

Thứ hai, do quá phụ thuộc  vào lao động chân tay, lĩnh vực chế biến điều hiện nay đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng, thậm chí có nhiều đơn vị thiếu đến 50% lao động. Ngành điều cũng chưa tận dụng tốt phế phụ phẩm như trái điều chẳng hạn.

- Nhưng thưa ông, phần lớn hạn chế trên liên quan đến vấn đề đầu tư thiết bị công nghệ. Nhiều doanh nghiệp chế biến điều cho rằng ngành điều chưa được Nhà nước đầu tư tương xứng, một số đề án nghiên cứu công nghệ dành cho ngành điều nhưng làm xong đều... xếp xó?

- Đúng là Nhà nước cần phải tăng cường đầu tư hơn nữa cho ngành điều, nhất là lĩnh vực đầu tư nghiên cứu công nghệ và xúc tiến thương mại. Từ năm 2000 đến nay, Nhà nước và cả doanh nghiệp chế biến điều đã đầu tư khoảng 50 tỷ đồng cho cây điều, nhưng chủ yếu mới tập trung ở khâu nghiên cứu giống mới, còn đầu tư cho thiết bị công nghệ chưa nhiều và vẫn còn không ít bất cập. Tôi lấy ví dụ, một số đề tài nghiên cứu đã và đang thực hiện như chế biến rượu từ trái điều, chưa nghiên cứu kỹ thị hiếu của người tiêu dùng hay máy sấy điều cũng chưa làm rõ giá trị tăng thêm khi sử dụng máy sấy này thay cho hình thức phơi nắng...

Chính vì thế mà có ý kiến cho rằng các đề tài nghiên cứu thiết bị công nghệ chế biến điều không đi vào thực tiễn. Trong khi đó, một số khâu cần cơ giới hoá và cũng là bức xúc của nhiều nhà chế biến là khâu tách nhân, tách vỏ lụa, phân loại hạt điều... vẫn chưa có đề tài nghiên cứu nào đụng đến và vẫn phải làm theo phương pháp thủ công.

- Vậy sắp tới ngành điều sẽ được hỗ trợ gì trong vấn đề công nghệ?

- Tới đây sẽ có chính sách tăng cường đầu tư, cấp kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu cho đến lúc ra được thiết bị ứng dụng hiệu quả, nhưng bản thân doanh nghiệp cũng phải góp sức đầu tư. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng Nhà nước bỏ tiền ra làm, đề tài nghiệm thu xong lại xếp vào tủ, trước hết công tác nghiên cứu phải được gắn với thực tiễn và phải được tổ chức thực hiện, giám sát có hệ thống. Cụ thể, Hiệp hội Cây điều sẽ tập hợp nhu cầu về thiết bị của các đơn vị thành viên và thông tin với chúng tôi, trên cơ sở đó chúng tôi sẽ "đặt hàng" các nhà khoa học.

Tất cả đề tài nghiên cứu thiết bị phục vụ ngành điều, từ đề tài cấp Nhà nước đến bộ ngành và cả các đề tài do các doanh nghiệp thực hiện sẽ được tập hợp vào một chương trình chung, được các nhà khoa học thẩm định nhằm tránh chồng chéo, gây lãng phí. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức lại và có quy chế đối với công tác tuyển chọn, đấu thầu đơn vị thực hiện đề tài nghiên cứu, tăng cường giám sát và đặc biệt khâu nghiệm thu đề tài đòi hỏi hội đồng khoa học có đủ khả năng đánh giá kết quả.

- Theo ông, để tiếp tục giữ vững phong độ phát triển, ngành điều cần phải làm gì trong thời gian tới?

- Với 95% sản phẩm dành cho xuất khẩu, quả thật ngành điều hiện nay quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Một khi thị trường thế giới biến động, ngành điều sẽ bị ảnh hưởng. Và thực tế đã xảy ra, giá điều xuất khẩu đang có xu hướng chững lại trong khi giá hạt điều trong nước tăng do thiếu nguyên liệu. Do đó phải tính toán phát triển vùng nguyên liệu và tăng năng suất cây điều cho phù hợp để vừa có thể chủ động được nguồn nguyên liệu vừa tiết kiệm được khoản ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Đối với thị trường xuất khẩu, trước mắt sản phẩm chủ lực vẫn là nhân điều nhưng phải từng bước đa dạng hoá sản phẩm. Có thể chọn những sản phẩm chất lượng cao xuất sang các thị trường khó tính và ngược lại, những sản phẩm có phẩm cấp thấp hơn thì xuất sang các thị trường tương đối dễ tính.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, thị trường nội địa rất quan trọng, cần được quan tâm nhiều hơn. Các doanh nghiệp chế biến điều cần tổ chức nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thị trường nội địa để giới thiệu những sản phẩm vừa phù hợp với khẩu vị, vừa phù hợp với túi tiền người tiêu dùng trong nước, chứ đừng để tình trạng giá bán sản phẩm tại thị tường nội địa cao hơn giá xuất khẩu. Nhân đây cũng xin nói thêm rằng, doanh nghiệp có thể tận dụng quả điều để chế biến các loại nước quả trái cây, rượu hoặc thức ăn chăn nuôi. Đây là hình thức đa dạng hoá sản phẩm đã được một số nước làm, nó không chỉ giúp doanh nghiệp tạo chỗ đứng tại thị trường nội địa, tăng thu nhập mà cũng giúp nông dân thu lợi từ quả điều. Ở đây tôi cho rằng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba "nhà": nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đã khai thác được 13,975 triệu tấn dầu khí (03/10/2003)
Tấp nập thị trường quần áo thu đông (03/10/2003)
Đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai qua mạng (02/10/2003)
Xử lý chứng từ thanh toán để hoàn thuế nhập khẩu (02/10/2003)
“Đức sẽ ưu tiên giúp Việt Nam hiện đại hóa nền kinh tế” (02/10/2003)
Thanh tra việc mua bán bò không đủ tiêu chuẩn (02/10/2003)
Khai trương trung tâm bảo hành Cityphone ở TP.HCM (02/10/2003)
Phụ nữ làm giàu - dễ và khó (02/10/2003)
TP.HCM sẽ xây dựng trung tâm thuỷ sản (02/10/2003)
80% tiêu chuẩn Việt Nam không phù hợp với quốc tế (02/10/2003)
Doanh nghiệp Việt Nam chưa hẳn đã thua! (02/10/2003)
Mở đường bay nối các di sản văn hoá thế giới ở Đông Dương (02/10/2003)
TPHCM xây khu nông nghiệp công nghệ cao (02/10/2003)
Gần nửa triệu hộ nông dân không có đất nông nghiệp (02/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang