Sự thiên lệch bất lợi cho xuất khẩu
16:10' 12/10/2003 (GMT+7)

Sản xuất để tiêu thụ trong nước có lợi hơn là sản xuất để xuất khẩu.

Chính phủ không chỉ bãi bỏ mọi hạn chế mà còn mở cửa tối đa cho xuất khẩu, vì tăng trưởng xuất khẩu đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bản thân các chính sách kinh tế, nhất là chính sách thuế, lại hàm chứa sự không khuyến khích đối với xuất khẩu.

Tăng trưởng cao nhất, tỷ trọng thấp nhất

Sau hai năm tăng trưởng bị tụt giảm, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay đã đạt trên 14,9 tỷ USD, tăng thêm 1/4 giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2003 có thể đạt tới 19,5 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2002. Sự hồi phục xuất khẩu đã góp phần quan trọng làm GDP 9 tháng qua tăng 7,1%. Một nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) trong bản báo cáo mới đây nhất đã nhận xét rằng, trong giai đoạn 1991-2002, giá trị xuất khẩu của Việt Nam (ngoài dầu mỏ) đã tăng với tốc độ trung bình 19%/năm, gấp đôi bất cứ một nước Đông Nam Á nào và cao hơn nhiều với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thế giới. Song, dù tỷ trọng xuất khẩu trong GDP của Việt Nam đã đạt 39% (giữa những năm 1980 mới đạt 5% và giữa năm 1990 là 21%), nhưng vẫn còn thấp xa so với khu vực bởi phần lớn những nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Đông Á đều đã đạt tỷ trọng hơn 60%, trong đó xuất khẩu của Malaysia chiếm tới 125% GDP của nước này. Trong tổng xuất khẩu hàng hoá không phải dầu mỏ, Việt Nam mới chiếm 0,2% của thế giới và 0,6% của các nước đang phát triển, tỷ trọng này bằng 1/3 so với tỷ trọng của Philippines, một nước có kết quả xuất khẩu thấp hơn so với các nước có thu nhập trung bình ở Đông Á.

"...Việt Nam dường như đang đứng trước một ngã tư đường. Cho đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành công to lớn, nhưng nếu nó không thổi được một lường sinh khí mới vào chiến lược thức đẩy xuất khẩu của mình thì Việt Nam sẽ không thể đạt được những mục tiêu đã đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, bao gồm cả việc tạo công ăn việc làm cho lực lượng lớn tăng lên hàng năm...

... Hạn chế đối với việc tăng trưởng xuất khẩu cao không phải là từ bên ngoài mà nằm ngay bên trong Việt Nam nà có thể được dỡ bỏ bởi chính người Việt Nam"

(Trích Báo cáo nghiên cứu xuất khẩu của Việt Nam của nhóm chuyên gia WB)

Đưa ra những thông tin trên, các chuyên gia kinh tế của WB cho rằng Việt Nam "vẫn còn tiềm năng to lớn cho việc tăng trưởng xuất khẩu. Điều đó có nghĩa là vẫn còn nhiều cản trở, mặc dù Chính phủ đã tuyên bố "mở hết của cho xuất khẩu". Tuy không còn bất cứ hạn chế nào đối với xuất khẩu, thậm chí Chính phủ còn có cơ chế khuyến khích tối đa, nhưng những lực cản đối với xuất khẩu lại nằm ngay trong chính sách kinh tế.

Khi bán hàng nội địa, lợi nhuận gấp 3 lần xuất khẩu

Một trong những lực cản lớn nhất phải kể tới chính sách bảo hộ. Sự bảo hộ quá mức hoặc kéo dài đối với thị trường nội địa đã tạo ra sự thiên lệch bất lợi cho xuất khẩu, thể hiện trước hết ở dòng đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài trong một thời gian dài ít được thu hút vào khu vực sản xuất hàng xuất khẩu mà "chảy" vào khu vực có hệ số bảo hộ cao, vì sản xuất để tiêu thụ trong nước có lợi hơn là sản xuất để xuất khẩu. Còn các DN trong nước thì rất ít có áp lực để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hơn nữa, với mức thuế nhập khẩu như hiện nay, các nhà sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam phải chịu chi phí cho các yếu tố đầu vào cao hơn so với thế giới. Tỷ lệ bảo hộ có hiệu lực (ERP) trong ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam đã giảm từ 116% năm

1997 xuống còn 91% năm 2002, trong khi tỷ lệ này ở Hàn Quốc đã giảm xuống còn 27% vào năm 1990, Malaysia chỉ còn 13% từ năm 1995 và Philippines là 10% từ năm 1999...

Với tỷ lệ bảo hộ có hiệu lực như hiện nay của Việt Nam, so sánh lợi nhuận trên doanh thu nội địa với lợi nhuận trên doanh thu xuất khẩu của cùng một ngành hàng, theo các chuyên gia của WB, giả sử rằng các hệ thống miễn giảm thuế đối với các yếu tố đầu vào được thực hiện có hiệu quả, thì cơ cấu thuế của Việt Nam vẫn hàm chứa sự thiên lệch bất lợi cho xuất khẩu, ước tính cụ thể đối với từng nhóm hàng như sau: Đối với sản phẩm nhựa,bánh kẹo, ô tô, xe máy và hàng may mặc, mức thiên lệch là 300%, nghĩa là sản xuất để bán hàng nội địa mang lại lãi xuất cao gấp 3 lần bán trên thị trường nước ngoài; mức thiên lệch này đối với các mặt hàng thuỷ tinh, chất tẩy rửa, đồ gia dụng, phụ tùng phương tiện giao thông là bằng hoặc lớn hơn 100%; đối với hải sản, đồ gốm, vật liệu xây dựng và sản phẩm dệt là hơn 60%.

Việc thực hiện các lộ tình của AFTA và các cam kết trong hiệp định thương mại Việt - Mỹ sẽ khắc phục được một phần sự thiên lệch này. Đối với hàng hoá nhập từ khu vực ASEAN trong năm nay, mức thuế tối đa sẽ chỉ còn 20% (trừ một số ít sản phẩm ngoại lệ) và mức thuế trung bình sẽ giảm xuống còn 8%, đến năm 2006 sẽ giảm còn 4%. Việc giảm bảo hộ sẽ làm giảm lợi nhuận của các DN sản xuất sản phẩm trước đây được bảo hộ cao, nhưng bù lại, người tiêu dùng sẽ mua hàng hoá rẻ hơn và các DN khác sẽ được tiếp cận với yếu tố đầu vào thấp hơn, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế sẽ được nâng cao, tạo lợi thế cho các hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên ASEAN và Mỹ chỉ là hai thị trường, không bao hàm toàn bộ hoạt động ngoại thương của Việt Nam. Bởi vậy, sự thiên lệch chỉ có thể được khắc phục một cách cơ bản khi chúng ta hoàn tất quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

(Theo Thanh Niên)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mua đất có khuyến mãi ở TP.HCM (12/10/2003)
Doanh nghiệp nản lòng tham gia ''xã hội hóa'' cấp nước (12/10/2003)
Cathay Pacific giảm giá vé máy bay (12/10/2003)
Hỗ trợ di dời 270 hộ kinh doanh tại chợ Cầu Ông Lãnh (12/10/2003)
Giá vàng tăng nhẹ (12/10/2003)
Điện thoại di động Vinaphone có thể "gọi 171" (12/10/2003)
Alan Greenspan - con đường từ số 0 tới quyền lực đỉnh cao (12/10/2003)
VASEP thay đổi cơ cấu lãnh đạo (11/10/2003)
Hơn 365 tỷ đồng xây dựng khu du lịch Côn Đảo (11/10/2003)
Thêm 438 thửa đất ở Lâm Đồng bị cấp trùng sổ đỏ (11/10/2003)
Thành lập mạng kiểm định chất lượng công trình xây dựng (11/10/2003)
Doanh nghiệp vận tải container có nguy cơ ngừng hoạt động (11/10/2003)
Tiền đâu xây Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong? (10/10/2003)
Giá hoa cúc ở Đà Lạt liên tục giảm (10/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang