Tổn thất sau thu hoạch ở VN cao nhất châu Á
07:30' 29/10/2003 (GMT+7)
Tổn thất sau thu hoạch đối với rau là trên 30%.

(VietNamNet) - Ông Bạch Quốc Khang, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), cho biết, tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo của Việt Nam vào loại cao nhất tại châu Á, dao động trong khoảng 9-17%, thậm chí 20-30%, tuỳ theo từng khu vực và mùa vụ. Với tỷ lệ tổn thất này, chúng ta bị mất khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm - số tiền lớn hơn tổng thu ngân sách trên địa bàn nhiều tỉnh.

Đối với rau quả, việc đánh giá tổn thất sau thu hoạch là rất khó, nhưng nhìn chung, trên 25% đối với các loại quả và hơn 30% đối với rau.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo về Tăng cường Hợp tác chuyển giao Công nghệ sau thu hoạch giữa các nền kinh tế APEC, diễn ra trong hai ngày, 28-29/10, tại Hà Nội. Biện pháp hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại, thực hiện chuyển giao công nghệ sau thu hoạch giữa các nền kinh tế APEC là nội chung chính được các đại biểu đến từ Australia, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc... đưa ra bàn thảo.

Theo Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối, chỉ tính riêng lúa gạo, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch đã vào loại cao nhất châu Á. Tại một số quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn, như Ấn Độ, con số này chỉ là 3-3,5%; Bangladesh 7%; Pakistan 2-10%, Indonesia 6-17%, Nepan 4-22%...

Nhiều số liệu điều tra, đánh giá TTSTH cho thấy, ĐBSCL là vùng có tỷ lệ tổn thất cao nhất nước. Năm 1999, khu vực này sản xuất gần 17 triệu tấn lúa. Với mức thiệt hại 20%, ĐBSCL mất 3-3,5 triệu tấn lúa, tương đương sản lượng của hai tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng cộng lại. Theo ông Bạch Quốc Khang, tổn thất sau thu hoạch (TTSTH) không chỉ làm giảm sản lượng, mà còn ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân. Chỉ riêng đối với việc sản xuất lúa tại ĐBSCL, mỗi 1% TTSTH  làm thiệt hại tới 7 triệu USD. Với tỷ lệ tổn thất 20-30% mỗi năm đối với lúa gạo, Việt Nam đã mất tới 150-200 triệu USD, tương đương khoảng 2.300-3.000 tỷ đồng.

Cũng như vậy đối với sản xuất rau, quả, thu nhập của nông dân đã bị giảm 15-30%, do sản phẩm không được sơ chế, bảo quản và tiêu thụ kịp thời. Việc thiếu công nghệ bảo quản hoàn hảo, phù hợp; yếu kém và không đồng bộ trong kiểm dịch, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... cũng đã hạn chế đáng kể lượng rau quả xuất sang thị trường các nước phát triển, như Singapore, Nhật Bản. Như vậy, rõ ràng là TTSTH vừa làm giảm thu nhập của nông dân, vừa ảnh hưởng tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Việt Nam có hai khu vực sản xuất lúa chủ yếu, đó là Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL. Tổng diện tích trồng lúa trên 7 triệu ha, năng suất dao động 4,2-4,4 triệu tấn/ha/vụ nên sản lượng lương thực hàng năm đạt 32-34 triệu tấn. Với 17 triệu tấn lúa mỗi năm, nếu tỷ lệ tổn thất giảm được một nửa, chúng ta sẽ thu thêm 1,5-1,8 triệu tấn lúa. Theo tính toán của một vị giáo sư, Cần Thơ đạt 2 triệu tấn lúa/năm, nếu giảm được một nửa mức tổn thất sẽ thu thêm khoảng 40 tỷ đồng do quá trình trước thu hoạch tạo ra hàng năm.

Ông Khang cho rằng, có nhiều yếu tố dẫn đến tổn thất sau thu hoạch. Đó là do sự thiếu hiểu biết của nông dân khi phơi ngoài đồng trong vụ đông xuân, hoặc để lúa chín rục lâu ngày mới gặt. Đối với sản xuất lúa hàng hoá, khi phơi qua đêm, độ ẩm gạo tăng do hút sương, ngày nắng, nhiệt độ cao độ ẩm giảm quá mức làm hạt gạo rạn vỡ từ trong vỏ lúa, khi xay xát bị gãy hơn 60%. Lúa để chín khô lâu ngày, gạo bị dòn độ ẩm thấp xuống, tỷ lệ gạo vỡ cũng cao. Tỷ lệ gạo gãy càng cao, giá bán càng thấp.

Ngoài ra, hầu hết các khâu trong quá trình thu hoạch lúa cũng bị tổn thất đáng kể. Đơn cử như khâu thu hoạch, tổn thất từ 1,5 đến 4%, tập trung chủ yếu vào vụ đông xuân tại Đồng bằng sông Hồng, vụ hè thu tại ĐBSCL. Đó là do lúa bị đổ trong mùa mưa bão, gặt sớm chạy bão, hoặc thu hoạch khi lúa đã bị ngập nước vì lũ lụt... Trong khâu tuốt, tổn thất là 1-2%. Thiệt hại lớn nhất là lúc phơi, sấy, từ 10-20%, đặc biệt đối với vụ hè thu ở ĐBSCL, bởi một lượng lớn lúa đã rơi vãi trong quá trình làm khô, mọc mầm hoặc nứt, gãy, vỡ hạt... , nhất là quá trình làm khô không kịp thời. Đó là chưa kể những tổn thất trong quá trình bảo quản, xay xát, vận chuyển.

Mặc dù một số công nghệ sau thu hoạch đối với lúa gạo đã được nghiên cứu, chuyển giao đến nông dân Việt Nam, như cải tiến giống lúa, lựa chọn thời điểm thích hợp, đưa gần 3.000 máy gặt vào sản xuất, sử dụng các loại máy tuốt cơ khí... , song, năng lực máy sấy đáp ứng không quá 20% nhu cầu sản xuất, đặc biệt là cho vụ hè thu tại ĐBSCL. Việc bảo quản tập trung, sử dụng các giải pháp tiên tiến ít được chú trọng nghiên cứu và triển khai, mà chủ yếu vẫn bằng các biện pháp truyền thống, như trong bồ, cót quây, thùng, chum...

Đối với rau quả, theo ông Bạch Quốc Khang, thu hoạch không đúng độ chín là chuyện "cơm bữa", bởi việc này phụ thuộc rất nhiều vào thị trường và thời tiết. Quá trình thu hoạch chưa được cơ giới hoá, thiếu cách thu hoạch thích hợp với từng loại rau, quả, dẫn đến chúng bị tổn thương cơ học và độ thối rửa cao. Đặc biệt, việc việc phân loại, sơ chế và vận chuyển thường không đảm bảo do thiết bị đóng gói kém.

Hiện nay, trong số các nền kinh tế APEC, Nhật Bản, Đài Loan đã và đang cung cấp công nghệ và thiết bị bảo quản, chế biến lúa gạo, rau quả cho các DN Việt Nam. Nhiều quốc gia khác cũng có chương trình hợp tác với chúng ta về lĩnh vực này. Song, lãnh đạo Cục Chế biến Nông lâm sản và nghề muối đề nghị, các nước cần hợp tác chặt chẽ hơn thông qua các dự án trong khuôn khổ APEC; tăng cường đào tạo nhân lực, nhất là đội ngũ khuyến nông. Đặc biệt là cần chuyển giao công nghệ sau thu hoạch cho các nước có trình độ thấp, theo hướng hỗ trợ hoặc thương mại hoá, ví như công nghệ chế tạo các thiết bị làm khô lúa của Mỹ, chế tạo thiết bị lau bóng gạo Nhật Bản, công nghệ bảo quản trái cây Australia.

  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Không giảm thuế suất thuế nhập khẩu phôi thép (28/10/2003)
Sapa chuẩn bị hoa hồng cho SEA Games 22 (28/10/2003)
TP.HCM triển khai cấp giấy chứng nhận cho quỹ đất công (28/10/2003)
Thưởng cho những sáng kiến ở hầm Bắc Hải Vân (28/10/2003)
Thị trường điện thoại di động ''bình thản'' trước giờ G (28/10/2003)
TP.HCM kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải ôtô (28/10/2003)
Linh kiện máy tính, có mua mới biết... khó lường! (28/10/2003)
Đà Nẵng đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát hành trái phiếu Chính phủ 2003 (28/10/2003)
Tạo nguồn vốn từ cầm cố quyền khai thác? (28/10/2003)
Xuất khẩu cá tra, basa sang Mexico và Ukraina (28/10/2003)
Cá tra vay mượn thương hiệu cá basa (28/10/2003)
Thêm hy vọng cho chất lượng công trình xây dựng (27/10/2003)
Áp dụng mô hình chuyên viên trực tuyến tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (27/10/2003)
Giá tân dược tăng mạnh do sản xuất trong nước trì trệ? (27/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang