Mỗi năm mất 25.000 tỷ đồng do rút ruột xây dựng cơ bản
10:32' 12/11/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Theo đánh giá chung của các nhà quản lý xây dựng, tỷ lệ thất thoát bình quân trong đầu tư xây dựng là khoảng 30%/năm, tương đương 20-25 nghìn tỷ đồng/năm. Đây là số tiền lớn hơn thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội - địa phương có thu ngân sách lớn thứ ba trong cả nước với mức 22.439 tỷ đồng năm 2002.

Thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản ngày càng lớn (ảnh có tính chất minh hoạ).

Nhà nước càng rót tiền, công trình càng thất thoát

Thất thoát trong đầu tư nhà nước đã trở thành căn bệnh trầm kha. Qua mấy lần kiểm tra nhưng vấn nạn này vẫn chưa được đẩy lùi mà ngày càng trầm trọng hơn. Báo cáo của Thanh tra Nhà nước ngày 17/7/2003 cho biết: con số lãng phí thất thoát cầu Bình Triệu là 25,23%, cầu Nguyễn Tri Phương 28,6%, bệnh viện đa khoa Tuy Hoà 35,96%, cấp điện Diesel cho các thôn bản chưa có điện của tỉnh Bình Định 24%, công trình xây dựng đường Thanh Yên - Công Sự (Kiên Giang) 58,6%. 

PGS-TS. Đỗ Văn Thành, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, lên tiếng: ''Trong năm 2001, Chính phủ đã bổ sung trên 1.000 tỷ để thanh toán nợ khối lượng xây dựng cơ bản của các năm 1996-2000 cho các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, tình hình trên không những không chấm dứt mà còn tiếp diễn với mức độ gay gắt hơn''.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, năm 2003, nhu cầu vốn đầu tư theo tiến độ công trình đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng trên 70 nghìn tỷ đồng, chỉ tính riêng các công trình nhóm A và các mục tiêu quan trọng đã là 30 nghìn tỷ đồng (các công trình giao thông, thuỷ lợi, các dự án tái định cư cho Thuỷ điện Sơn La, Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới). Trong khi đó, khả năng cân đối của ngân sách cho đầu tư phát triển mới được 44 tỷ đồng, mới đáp ứng được 60% nhu cầu.

Mặt khác, việc quá dàn trải, phân tán trong đầu tư (dự án nhóm B và C thuộc ngân sách nhà nước năm 2003 bố trí trên 10.000 dự án) nên mỗi dự án nhóm C được bố trí bình quân khoảng 1,2 tỷ đồng là quá thấp. Vì lẽ đó, thời gian xây dựng một dự án nhỏ thường kéo dài 5-7 năm, kéo theo hiệu quả đầu tư kém, chậm phát huy tác dụng.

Ông Ngô Văn Điểm, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho biết: ''Đối tượng cho vay quá rộng, trùm lên phần lớn các hoạt động của nền kinh tế, có dự án cho vay đến 100% tổng mức đầu tư và có đến 12 mức lãi suất ưu đãi khác nhau (chủ yếu là mức 3%). Việc làm này khiến đầu tư tín dụng nhà nước biến dạng thành hình thức bao cấp mới trong đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách. Ngoài ra, còn xuất hiện một nguy cơ có thật là cả người đi vay và người cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển đều có tâm lý không phải thu và không phải trả vì họ ngầm hiểu rằng đây là tiền cho không, được nhà nước bao cấp''.

Lỗ hổng trong quản lý Nhà nước và những con voi chui lọt

Thực tế chứng minh, nhiều công trình đầu tư mới, đầu tư mở rộng đã phải bỏ dở một cách vô lý nhưng những người ký quyết định đầu tư gây thiệt hại lại chưa bao giờ phải chịu trách nhiệm hình sự, hành chính hoặc đền bù thiệt hại. Những công trình xây dựng trái quy định thường sau khi hoàn thành mới lập dự toán để hợp thức hoá các khoản chi, trong đó có nhiều khoản chi khống, tham ô. Cụ thể như dự án Nhà máy Xi măng Bút Sơn (Hà Nam) đưa vào sử dụng năm 1999, Nhà máy Xi măng Hoàng Mai (Nghệ An) đưa vào sử dụng năm 2002, đến nay vẫn chưa phê duyệt báo cáo quyết toán. Qua thanh tra 6 dự án thuộc các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá thì đã có tới 5 dự án có các sai phạm với số tiền trên 5 tỷ đồng...

Nguyên nhân của những sai phạm trên có rất nhiều nhưng chủ yếu là do cách quản lý đầu tư xây dựng cơ bản ở nước ta còn nhiều sơ hở, dễ bị các bên lợi dụng thu lời bất chính. Phổ biến nhất là tình trạng bên A và bên B bắt tay nhau để nâng giá công trình, trục lợi...

TS. Nguyễn Lập Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thiết kế và Tư vấn Xây dựng Hà Nội cho biết: ''Đôi khi, sự thất thoát dưới hình thức chậm đưa công trình vào sử dụng, không chỉ làm mất mát tiền của của nhà đầu tư, mà  còn làm mất hoàn toàn cơ hội làm ăn. Nhiều công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngoài nước, được xây dựng vào khoảng những năm 1994-1997 ở Hà Nội, TP.HCM... hiện vẫn đang được ''đắp chiếu'' hoặc bị đình chỉ xây dựng vì mất cơ hội kinh doanh là một minh chứng hùng hồn cho nhận định này''.

Ông Sơn lấy ví dụ, các vật liệu xây dựng đầu vào được định giá bởi thị trường, nó thường xuyên thay đổi theo thời gian hoặc do muôn vàn tác động trong, ngoài nước, song Nhà nước lại quy định ''cứng'' giá cho các vật liệu này theo từng khoảng thời gian 6 tháng - 1 năm, đó là điều hết sức bất hợp lý trong xây dựng cơ bản. Trong khi ngoài thị trường, người sản xuất cái chén, cái bát được định giá sản phẩm của mình tuỳ theo giá đất sét thực tế, thì một sản phẩm phức tạp như 1 m2 sàn Nhà Hát lại đã gần như được định trước, bất kể mọi sự biến động. Nếu giá định trước này không đủ (mà thường là không đủ), thì người thi công chỉ có 2 con đường: hoặc ăn bớt vật liệu, hoặc giảm chi phí nhân công và máy móc.

Có thể thấy rõ thêm ở một thí dụ khác, đấu thầu là một phương thức lành mạnh trong xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành xây dựng nước ta là sản phẩm xây dựng gần như đã được định giá trước, tác động của công nghệ xây dựng, của quy mô sản xuất lên giá thành sản phẩm này hầu như không lớn nên đấu thầu cạnh tranh tự do, không có giá sàn, trong bối cảnh đa số các nhà thầu thuộc sở hữu Nhà nước là chưa hợp lý. Thực tế đã có nhiều công ty xây dựng Nhà nước, do thiếu việc, đã giảm giá đến 40-50%, kết quả là công trình có chất lượng kém và nhà thầu bị thua lỗ.

Khắc phục từ nếp nghĩ?

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Xây dựng Việt Nam nhận định: ''Thực tế cho thấy, mặc dù hiện nay các nhà kinh doanh kêu ca ở "chốn riêng tư" rằng mình là nạn nhân của tham nhũng, nhưng phần lớn trong số họ lại cho rằng  ''chiều ý'' lãnh đạo thì mới được giao việc, rằng đút lót đã trở thành ''dầu bôi trơn'' cơ chế quản lý Nhà nước. 

Nhiều chuyên gia đưa ra ý kiến, nợ xây dựng cơ bản cũng là lẽ bình thường nếu như có vay, có trả. Trong nhiều trường hợp như: vay vốn, ứng trước vốn để giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng sau đó đấu giá quyền sử dụng đất để thu vốn hoàn ứng, trả nợ xây dựng cơ bản lại là tích cực. Cái đáng sợ nhất là người làm phát sinh nợ biết chắc rằng không thể trả nợ nổi nếu như cấp trên không hỗ trợ. Việc một người cứ vay để bắt người khác phải trả nợ là biểu hiện của cơ chế bao cấp, gây bất công bằng giữa các địa phương trong phân phối.

Ông Phùng Minh Lượng, Phó Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng thuỷ lợi Hà Tây đề xuất: ''Chúng tôi rất tán thành nếu TƯ không trả nợ thay cho các bộ, ngành và địa phương. Ai làm phát sinh nợ xây dựng cơ bản thì người đó phải có trách nhiệm bố trí ngân sách để tự trả nợ''.

Chính từ những thất thoát lớn trong đầu tư xây dựng cơ bản mà vai trò của hoạt động tư vấn và lực lượng tư vấn trong hoạt động này đang được đặt ra cấp thiết. GS-TS. Nguyễn Trường Tiến, Hội Khoa học - Kỹ thuật Xây dựng khẳng định: ''Nhiều người trong chúng ta chưa hiểu đúng vai trò của người tư vấn. Họ có thể đưa ra các ý kiến tư vấn độc lập, đề xuất một thiết kế kỹ thuật và công nghệ hợp lý, họ có thể giúp chủ đầu tư khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế đến quản lý dự án, giám sát chất lượng và nghiệm thu công trình''.

Tuy nhiên, hoạt động tư vấn xây dựng của Việt Nam hiện nay còn quá thiếu tính chuyên nghiệp, sản phẩm tư vấn nhìn chung chất lượng còn chưa cao và thường chậm so với tiến độ. Khó có thể tìm được một đơn vị tư vấn ''made in VietNam'' hoạt động độc lập hoàn toàn. Những lề thói còn rơi rớt lại từ thời kỳ kế hoạch hoá tập trung ở mọi nơi, mọi cấp, không cho phép đơn vị tư vấn độc lập hoàn toàn trong các công việc nghề nghiệp. Nhiều dự án được tư vấn tán dương nhưng hiệu quả đầu tư lại thấp... Và bài toán thất thoát trong đầu tư xây dựng của Việt Nam vẫn cứ trong một vòng luẩn quẩn như thế. 

  • Phương Thanh

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Microsoft bán Office 2003 sớm hơn dự định (12/11/2003)
Giá thép trên thị trường tiếp tục tăng (11/11/2003)
Cá tai tượng chết hàng loạt (11/11/2003)
Phát hiện mỏ khí đốt lớn ngoài khơi Việt Nam (11/11/2003)
Giữa năm 2004 mới ký hợp đồng EPC dự án NM lọc dầu Dung Quất (11/11/2003)
Hải quan Nội Bài phát hiện nhiều vụ nhập lậu hàng hoá, ngoại tệ (11/11/2003)
Thay đổi chính sách cần dựa trên nền an dân (11/11/2003)
Đem 221 tỷ đồng tiền vay vứt qua cửa sổ (11/11/2003)
Tranh cãi xung quanh tên gọi cá tra, cá basa (11/11/2003)
Lào Cai khai trương ngân hàng dữ liệu thương mại (10/11/2003)
Việt Nam - điểm đến được ưa chuộng nhất châu Á (10/11/2003)
Dán nhãn tiếng Việt cho điện thoại di động (10/11/2003)
'Ngành điện sẽ đến từng DN bàn cách tháo gỡ' (10/11/2003)
Pacific Airlines chuẩn bị mở lại đường bay thẳng Đà Nẵng - Bangkok (10/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang