Doanh nghiệp không thấy gì hấp dẫn ở Hà Nội?
12:01' 13/11/2003 (GMT+7)

Đến cuối năm 2003, Hà Nội dự tính có 20.000 DN dân doanh.

(VietNamNet) - Tại buổi sơ kết 4 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp của Hà Nội sáng 12/10, nhiều khó khăn, vướng mắc DN nêu đều là những bức xúc cũ như về mặt bằng sản xuất kinh doanh, vay vốn, thiếu chính sách hỗ trợ, ưu đãi... Cũng vì lý do  này, một số DN đã không chọn Hà Nội hoặc DN đang ở Hà Nội đã đi tìm nơi khác làm ăn.

Đất chật người đông

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc Công ty TNHH AnphaNam phát biểu: ''Tôi thấy Hà Nội chưa có lợi thế cạnh tranh gì nổi bật mà chỉ biết nói với các DN khác rằng, đầu tư ở thủ đô 'gần đèn thì rạng'. Trong khi đó,  chưa có một hội nghị nhằm thức dậy tiềm năng, hướng đầu tư về Hà Nội''. Hiện nay, DN Hà Nội đầu tư ra các tỉnh bên ngoài rất nhiều do khó khăn về đất đai, về tài chính. Ông Hải dẫn chứng: ''Cách đây 4 tháng, một đoàn DN đoạt Giải thưởng Sao Đỏ vào Đà Nẵng và cho đến nay, nhiều 'nghìn tỷ' của các DN đã đầu tư vào các dự án ở Đà Nẵng''.

Đất đai, vay vốn ở Hà Nội là một câu chuyện dài và khó! Hiện có đến 60% các DN trên địa bàn Hà Nội không đủ mặt bằng sản xuất kinh doanh. Ông Hải kiến nghị Hà Nội nên xây dựng các khu công nghiệp nhỏ và vừa, chuyển quyền sử dụng đất cho DN thay vì cho thuê 30 năm hay 50 năm như hiện nay để DN yên tâm làm ăn. Chuyển quyền sử dụng đất thông qua đấu giá, thành phố sẽ có một khoản tiền để dùng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng...

Đến nay, Hà Nội có hơn 14.000 DN được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 24.000 tỷ đồng - gấp 7 lần số vốn của các DN đã đăng ký trong thời gian 8 năm (1992-1999). Tổng số DN dân doanh trên địa bàn Hà Nội dự tính đến cuối năm 2003 sẽ khoảng 20.000.

Vốn đầu tư của DN dân doanh ở Hà Nội chiếm 22,1% tổng số vốn đầu tư xã hội trên toàn địa bàn, đóng góp 25% kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách (ước năm 2003) là 520 tỷ đồng. Khu vực kinh tế dân doanh Hà Nội đóng góp trên 20% GDP của Thành phố.
(Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội)

Tiếng kêu ''bất bình đẳng''

Đại diện một công ty cổ phần nói rằng, công ty của ông và nhiều DN khác đã nhận được ''làn gió mát' từ Luật Doanh nghiệp. Nhờ có chính sách từ Luật Doanh nghiệp, Công ty ông đã thoát cảnh 10 năm đi thuê lại đất của DN nhà nước. Tuy nhiên, điều ông bức xúc nhất hiện vẫn là sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa DN nhà nước và DN dân doanh. Ông kiến nghị tạo lập một sân chơi chung, xây dựng một Luật Doanh nghiệp chung cho các thành phần kinh tế. Theo DN này, cần xử lý nghiêm đối với các DN làm ăn phi pháp, tránh cái nhìn không tốt đối với DN dân doanh.

Bà Phạm Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH Việt Á, kiến nghị muốn ''được hưởng chế độ như đối với DN nhà nước về thuê đất, vay vốn''. Bà phản ánh có DN nhà nước có đất nhưng không sử dụng đúng mục đích được giao mà làm sân tennis hay cho đơn vị khác thuê. Bà cũng kiến nghị nghị DN tư nhân cũng phải được tôn vinh như đối với DN nhà nước: ''Có anh hùng trong DN nhà nước thì cũng phải có anh hùng trong các DN tư nhân''. DN của bà Loan với 1 công ty mẹ và 5 công ty con và muốn phát triển thành tập đoàn và theo bà, chưa có khung pháp lý tập đoàn kinh tế tư nhân.

Sự phân biệt đối xử với các DN dân doanh còn được ông Bùi Ngọc Nguyên, Giám đốc DN tư nhân Xuân Kiên cho biết:. ''Vừa qua, Hà Nội mua xe buýt nhưng chỉ chọn xe của Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải (doanh nghiệp nhà nước). Tại sao không đấu thầu cho các doanh nghiệp mọi thành phần tham gia để chọn sản phẩm có chất lượng, giá rẻ hơn?''.

Bức xúc về thuế

Bà Phạm Thị Loan cũng kiến nghị chế độ thuế phải hợp lý hơn, không để tình trạng hiện nay những mặt hàng trong nước không sản xuất được thì thuế cao, những mặt hàng trong nước sản xuất được thì thuế thấp, làm tăng chi phí đầu vào và giảm sức cạnh tranh của DN. Bà Loan kiến nghị: ''Thay đổi thuế nên được thông báo trước 3-5 tháng để DN biết. Nhiều công ty lấy mức thuế cũ để tính toán tham gia đấu thầu, nay thuế tăng bất ngờ há miệng mắc quai''. Bà Loan cho biết, công ty đang vướng ở thuế đối với xuất nhập khẩu tại chỗ. ''Hải quan không biết hướng dẫn, DN không biết viết hoá đơn thế nào, thành ra hàng xuất khẩu không thanh toán được'' - bà Loan nói.

Một số bức xúc mà DN cũng đã nêu như làm ăn với ''DN mất tích'' nên cơ quan thuế không chấp nhận hoá đơn và DN không được trừ chi phí để tính thuế thu nhập DN. Hay ở nhiều nước, DN được hoàn thuế thu nhập, DN nếu sử dụng lợi nhuận chịu thuế để tái đầu tư còn ở ta thì không?

Thiếu giải pháp trong ''tầm tay''

Ông Triệu Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết, trước một số khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Doanh nghiệp và theo các ý kiến phản ánh của DN, Hà Nội đã đưa ra 6 giải pháp và 4 đề xuất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá giải pháp của Hà Nội còn mờ nhạt và chưa có gì mới. Đặc biệt là thiếu các giải pháp cụ thể trong ''tầm tay'' của Hà Nội như giải quyết về mặt bằng sản xuất kinh doanh, chọn và hỗ trợ cho các ngành, sản phẩm chủ lực, xúc tiến thương mại...

Tuy nhiên, những kiến nghị ''vượt tầm'' TP. Hà Nội đưa ra lại rất đáng lưu ý. Chẳng hạn như Hà Nội đề xuất cải cách thủ tục đăng ký dấu, mã số thuế, mã số hải qua tiến tới sử dụng một mã số chung cho ba loại mã số này; đề xuất sửa đổi quy định nội dung báo cáo tài chính hàng năm của DN dân doanh theo hướng giảm bớt giấy tờ cho DN và đảm bảo nội dung thông tin có giá trị đối với quản lý nhà nước; hoàn thiện hệ thống thông tin về DN, nối mạng trong cả nước và cung cấp thông tin phục vụ DN...

  • Thanh Minh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thu hút 22.405 tỷ đồng và 399 triệu USD vốn đầu tư (13/11/2003)
Báo động về giả mạo chứng từ giải toả cưỡng chế thuế (13/11/2003)
Nhiều mặt hàng, dịch vụ tăng giá quá sớm (13/11/2003)
TP.HCM vận động vốn ODA cho 18 công trình lớn (13/11/2003)
Kiểm tra, thanh tra là khâu trọng yếu (13/11/2003)
Vì sao sau 6 năm vẫn nhỏ giọt (12/11/2003)
DN ''đơn thương độc mã'' trong cuộc chiến chống hàng giả? (12/11/2003)
S-Fone có gạt khách hàng? (12/11/2003)
CHLB Ðức kiểm tra gắt gao chất lượng thủy sản nhập khẩu (12/11/2003)
Lãng phí ngân sách vì tiến độ "rùa bò" (12/11/2003)
Mỗi năm mất 25.000 tỷ đồng do rút ruột xây dựng cơ bản (12/11/2003)
Microsoft bán Office 2003 sớm hơn dự định (12/11/2003)
Giá thép trên thị trường tiếp tục tăng (11/11/2003)
Cá tai tượng chết hàng loạt (11/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang