Vụ vải năm nay, ngành nông nghiệp đánh giá năng suất sản lượng vải Lục Ngạn cũng như các phương tiện trồng vải khác trên địa bàn tỉnh thấp hơn hoặc bằng sản lượng năm ngoái, nghĩa là riêng Lục Ngan có khoảng 30.000-35.000 tấn. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người dân trồng vải ở Lục Nam, ''sản lượng chỉ bằng 2/3 năm ngoái nhưng vẫn lo giá!''.
|
Vải Lục Ngạn được mùa nhưng lại hứng chịu tình trạng rớt giá. |
Năm 2001-2002, Lục Ngạn được mùa nhưng lại hứng chịu tình trạng rớt giá, năm nay mất mùa nhưng vì ''dư âm'' bệnh SARS, vì giá cước vận chuyển tăng cao nên nỗi lo mất giá vẫn còn đè nặng. Bệnh SARS làm cho việc vải thiều qua đường tiểu ngạch cho người Trung Quốc ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Tân Thanh (Lạng Sơn) bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu; giá cước vận chuyển của một chuyến xe có trọng tải 10-12 tấn, tăng từ 14 triệu đồng (năm 2001) lên gần 30 triệu đồng (2003).
Dự đoán việc tiêu thụ vải năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn nên Lục Ngạn tìm giải pháp truyền thống là sấy khô và ''mở đường'' bán vải thiều qua cửa khẩu Lào Cai sang Trung Quốc và bán cho thị trường Campuchia. Hơn 100 máy sấy công nghệ mới với công suất 1,5-3 tấn/mẻ và một lượng vải rất ít được xử lý dung dịch ôzôn không thấm tháp gì so với gần 3.000 lò sấy thủ công và sản lượng vải khổng lồ của huyện cũng như các nơi khác mang đến. Sấy vải vẫn chỉ là giải pháp tình thế khi thị trường vải thiều còn ở thế bấp bênh... Đầu vụ, giá vải có lúc đã lên tới 10.000-12.000 đồng/kg nhưng chỉ vài ngày sau lại rớt xuống thảm hại còn 2.000 đồng/kg. Mấy ngày gần đây giá vải tại Lục Ngạn đã tăng đáng kể từ 3.000 đồng/kg lên 4.000 đồng/kg đến 4.500 đồng/kg, loại ngon nhất lên tới 5.700 đồng/kg.
Anh Hà Văn Dĩnh, chủ đại lý thu mua vải tại Phố Kim, Lục Ngạn cho biết, mấy ngày gần đây vải được chuyển vào TP.HCM và một số tỉnh phía nam, ngoài ra còn chuyển hàng cho các đại lý ở phía bắc như Lào Cai để chuyển sang Trung Quốc, đặc biệt thị trường này còn nhập cả vải khô lẫn tươi. Giá vải có thể sẽ cao hơn nữa vào cuối vụ, thế nhưng vụ vải sang năm sẽ diễn ra như thế nào, ai dám nói chắc điều gì?
Thử bàn cùng ''dân vải''
Thị trường trong nước còn rộng mở nhưng khi mang vải thiều tươi đi bán ở miền Trung hay miền Nam lại gặp phải khó khăn lớn là chuyện bảo quản. Với hành trang hàng nghìn cây số dù đã được giữ trong môi trường lạnh nhưng khi bày ra bán ngoài trời, vải bỗng đổi màu, xấu mã. Thế nên, số vải tươi bán trong nước cũng không vượt quá 1/2 tổng sản lượng. Số còn lại là vải sấy khô bán cho thị trường Trung Quốc, mà thị trường Trung Quốc thì luôn đầy ắp những trắc trở.
Tìm thị trường ổn định cho các mặt hàng nông sản nói chung và vải thiều nói riêng vẫn là một câu hỏi còn nhiều bức xúc. Sản xuất đã mang tính hàng hoá nghĩa là người dân làm ra sản phẩm để bán nhưng lại không biết rằng mình sẽ bán cho ai, bán ở đâu và bán như thế nào... Với bối cảnh như hiện nay, việc đòi hỏi ở người nông dân khi sản xuất phải tính toán như doanh nghiệp là điều khó làm. Thế nhưng không hạch toán, không chủ động tìm thị trường và có quy hoạch tổng thể thì tránh sao khỏi tình trạng được mùa rớt giá thậm chí mất mùa giá vẫn thấp?
Vụ vải năm ngoái không ít người dân trồng vải nói rằng sẽ không đầu tư, chăm sóc nếu giá vải thấp hơn giá 3.000 đồng/kg. Một số hộ còn thu hoạch vải chưa chín để mong bán được giá cao hơn chính vụ, bất kể chất lượng ''thương hiệu'' vải thiều Lục Ngạn có bị ảnh hưởng hay không? Vẫn còn những cách nghĩ, cách làm như vậy chúng ta sẽ tự đánh mất mình và nỗi lo mùa vải vẫn sẽ còn đè nặng. Trước khi có những thay đổi, những giải pháp chiến lược ở tầm vĩ mô, người nông dân hãy tự chủ động để cứu lấy mình.
(Theo Lao Động) |