Hãy táo bạo hơn để phát triển DN vừa và nhỏ
18:10' 19/02/2003 (GMT+7)
Một DN nhỏ sản xuất gốm ở Hà Nội.

(VietNamNet) - Có cách nào để nâng vị thế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V), phát huy tiềm năng của lực lượng này, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam? Để trả lời câu hỏi này, hôm nay (19/2) các nhà khoa học Việt Nam có buổi làm việc  với nhiều chuyên gia Nhật Bản và Malaysia, với mục đích tìm một giải pháp hữu hiệu.

Phát biểu tại hội thảo, TS Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương khẳng định: ''Đóng góp của các DNN&V là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có hệ thống chính sách đồng bộ để khuyến khích khu vực này phát triển mạnh mẽ''.

Thế nào là DNN&V? Theo Nghị định số 90/2001/NĐ-CP, đó là các cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người. Căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội cụ thể của ngành, của địa phương, trong quá trình thực hiện các biện pháp, chương trình trợ giúp, có thể áp dụng linh hoạt đồng thời cả hai hoặc một trong hai chỉ tiêu trên.

Tại Nhật Bản, các văn bản pháp lý xác định DNN&V cụ thể hơn nhiều. Trong ngành công nghiệp và các lĩnh vực khác, DNN&V có số lao động dưới 300 người, vốn dưới 300 triệu yên. Đối với ngành bán buôn, hai chỉ tiêu tương ứng là 100 người và 100 triệu yên, đối với ngành bán lẻ là 50 người và 50 triệu yên, ngành dịch vụ là 100 người và 50 triệu yên. Theo Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản (METI), 99,3% tổng số đơn vị kinh doanh ở Nhật là DNN&V (trừ lĩnh vực nông - lâm - thủy sản), 80,6% số lao động của nước này đang hoạt động trong các DNN&V.

Ông Wong Tin Song, Giám đốc cấp cao Cơ quan phát triển DNN&V Malaysia (SMIDEC) cho biết, nước này cũng đã và đang gặp phải những khó khăn như Việt Nam. Sự cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài, mặt trái của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, thiếu nguồn nhân lực..., tất cả những nhân tố này đang cản bước các DNN&V. Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ Malaysia vẫn phát triển được khu vực DNN&V. Ông Wong Tin Song đã giới thiệu với các nhà khoa học Việt Nam những kinh nghiệm hay của Malaysia trong lĩnh vực này.

DN ''kéo'' nhau cùng phát triển

Ông Wong Tin Song cho biết, một trong những cách làm mà Malaysia đã thể nghiệm khá thành công là phối hợp sự phát triển của các ngành khác nhau, cũng như các doanh nghiệp trong mỗi ngành. Cùng với việc chú trọng ngành công nghiệp chế tạo, Chính phủ nước này rất mạnh dạn thực thi những chính sách ưu đãi đối với các công ty xuyên quốc gia nếu họ ''kéo'' được các DNN&V cùng phát triển. DNN&V cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các công ty xuyên quốc gia, nhờ thế có cơ hội tham gia xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất.

Nhật Bản cũng là nước áp dụng xuất sắc biện pháp ''DN cùng tiến'' trên. Ông Hiromi Ohtsuki, chuyên gia của Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết, 51,2% tổng doanh thu của ngành công nghiệp chế tạo, chế biến do các DNN&V tạo ra. Kết quả trên một phần là nhờ Chính phủ đã kết hợp tốt sự phát triển của các tập đoàn lớn và DNN&V. Điển hình trong ngành công nghiệp ôtô, DNN&V là nguồn cung cấp những phụ kiện tiên tiến, chất lượng cao mà các công ty lớn khó có thể làm được. Toyota, nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới hiện sử dụng khoảng 400 nhà thầu phụ cấp I, 2.000 nhà thầu phụ cấp II, 10.000 nhà thầu phụ cấp III và 20.000 nhà thầu phụ cấp IV.

Trao đổi với VietNamNet về khả năng áp dụng biện pháp ''DN cùng tiến lên'' ở Việt Nam, TS. Trần Kim Hào, Phó trưởng ban doanh nghiệp của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam có thể làm tốt hơn hiện nay. ''Chúng ta vẫn đang áp dụng những quy định mang tính hành chính. Thí dụ, các nhà đầu tư trong lĩnh vực lắp ráp xe gắn máy hay ôtô phải cam kết tăng tỷ lệ nội địa hóa, từ đó sử dụng sản phẩm của các DNN&V. Theo tôi, Malaysia làm tốt vì họ sử dụng các công cụ thuế, ưu đãi đầu tư..., hấp dẫn các nhà đầu tư chứ không ràng buộc họ vào những cam kết cứng nhắc''.

Chính phủ giúp DN ''gỡ'' vấn đề nhân lực

DNN&V ở nước nào cũng khó thuê được lao động giỏi và nâng cao trình độ các lao động sẵn có. Hiểu được điều này, Chính phủ Malaysia có một chính sách khá táo bạo, theo đó SMIDEC cộng tác với 16 cơ sở đào tạo có chất lượng. Các DNN&V có thể cử lao động đến học tại các cơ sở đó, 80% chi phí đào tạo sẽ được Chính phủ hỗ trợ.

Nhật Bản thì đề ra cả một chiến lược xúc tiến lập nghiệp, theo đó Chính phủ tổ chức các khóa đào tạo giúp DNN&V lập chương trình khởi nghiệp. Ngoài ra, Liên hiệp các hội công thương toàn quốc và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cùng làm nhiệm vụ đào tạo, mà đối tượng chính là những người có ý định xúc tiến kinh doanh. Hàng năm có khoảng 170-180 lớp được tổ chức.

''Việt Nam hoàn toàn có thể học tập kinh nghiệm đó'', TS. Trần Kim Hào khẳng định. Tuy nhiên, TS Hào cho rằng, Chính phủ không nên lập những cơ sở đào tạo riêng, mà cần lập các quỹ hỗ trợ đào tạo. ''Hãy để cho các trường, công lập cũng như dân lập, tự cạnh tranh với nhau. Cơ sở nào làm tốt hơn sẽ được nhận vốn hỗ trợ của Chính phủ. Như vậy, phần vốn này sẽ được sử dụng hiệu quả hơn'', TS Hào nói.

Tiếp cận vốn - khó khăn của mọi DNN&V

Thiếu vốn luôn là nỗi lo của mọi nhà quản lý DNN&V. Chuyên gia Malaysia Wong Tin Song cho biết, DNN&V ở nước này thường sử dụng vốn tự có hoặc đi vay bạn bè, người thân. Các ngân hàng ít khi chấp nhận cho DNN&V vay vốn với lý do dự án thiếu tính khả thi hoặc không có tài sản thế chấp. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ Malaysia đã sử dụng 8 tỷ RM từ các nguồn quốc gia để hỗ trợ DNN&V. Các DNN&V có thể dễ dàng tiếp cận vốn thông qua Quỹ DNN&V và một số tổ chức khác. Mặt khác, Chính phủ cũng đang tìm biện pháp cải tiến thủ tục cấp tín dụng cho DNN&V sao cho ngày càng linh hoạt hơn.

Tại Nhật Bản, theo ông Motohisa Shono, chuyên gia của Tập đoàn các DNN&V Nhật Bản (JASMEC), các biện pháp của Chính phủ dành cho DNN&V cũng rất cụ thể. DN nào cần vốn có thể tìm đến Quỹ Đời sống quốc dân. Tổ chức này, sau khi thẩm tra kế hoạch kinh doanh, sẽ cho DN vay không cần thế chấp cũng như người bảo lãnh. Mức cho vay được xác định là 5,5 triệu yên, thời hạn 5 năm cho vốn vận hành, 7 năm cho thiết bị. Năm 2002, quỹ này đã cho DNN&V vay hơn 280 tỷ yên.

Trong khi đó, ở Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia, việc hỗ trợ vốn cho các DNN&V chưa thật hiệu quả. Trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Đình Tài, Giám đốc Dự án UNDP - CIEM VIE01/025 cho rằng, các quỹ hỗ trợ phát triển hoạt động chưa thật sự hiệu quả. DNN&V vẫn chưa tiếp cận được với nguồn tài chính cần thiết. ''Theo tôi, nên để các địa phương tự huy động các nguồn vốn để lập quỹ hỗ trợ DNN&V. Các địa phương không nên trông chờ quá nhiều vào Chính phủ mà nên mạnh dạn phát huy tính sáng tạo của mình'', TS. Tài nói. Hiển nhiên, biện pháp này sẽ dẫn đến sự phân hóa nhất định. Địa phương nào phát triển mạnh về kinh tế thì sẽ lập được quỹ lớn hơn. ''Đó là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu không làm vậy thì DNN&V càng khó phát triển, đặc biệt là ở các vùng khó khăn'', TS. Tài khẳng định.

  • Trịnh Hằng
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Nhất trí sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp
''Tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp là thương hiệu''
Thử thách bản lĩnh doanh nghiệp Việt Nam
CÁC TIN KHÁC:
Trên 52.000 lượt khách đến vịnh Hạ Long (19/02/2003)
Người trồng cà phê được vay tiền để ''đổi'' cây (19/02/2003)
Năm 2003 sẽ có 1 triệu hecta nuôi trồng thuỷ sản (19/02/2003)
Bộ Thương mại tìm thị trường mới cho gạo (19/02/2003)
Việt Nam vay 45 triệu USD để cải cách hành chính (19/02/2003)
Trên 130 người chết, 136 người bị thương (19/02/2003)
Hội nghị DN Asia Society lần thứ 13 sẽ diễn ra tại Việt Nam (19/02/2003)
Giá vàng giảm, sức mua thấp (18/02/2003)
Một ngày như mọi ngày (18/02/2003)
Đã ký hợp đồng xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo (18/02/2003)
TP.HCM trưng cầu dân ý về thủ tục nhà đất (18/02/2003)
Giá gạo xuất khẩu có thể giảm trong tháng 3 (18/02/2003)
Lại kiến nghị tăng giá trần thép (18/02/2003)
''Ngành chè có thể mất một thị trường đặc biệt'' (18/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang