Ngành thương mại hướng vào thị trường trong nước
22:37' 20/02/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động không thuận lợi, nhiệm vụ mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời tăng sức mua trong nước đã được Bộ Thương mại nhấn mạnh tại Hội nghị Thương mại toàn quốc khai mạc hôm nay (20/2) tại Hà Nội.

Nhu cầu tiêu dùng nội địa còn rất cao

Đến dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Khoan cùng nhiều quan chức trong Chính phủ, đại diện các Sở thương mại trong cả nước và nhiều doanh nghiệp lớn.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển phân tích những thành tựu cũng như những tồn tại trong hoạt động thương mại của Việt Nam thời gian qua.

Bộ trưởng nêu rõ, xuất khẩu - hoạt động có ý nghĩa quan trọng hàng đầu - có những tiến bộ rất tích cực. Trong điều kiện khó khăn cả về thị trường, giá cả và nguồn hàng, xuất khẩu vẫn tăng trưởng khá (tổng kim ngạch đạt 111,2% so với năm 2001). Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch, tỷ trọng nhóm hàng chế biến tăng lên 39%, nhiều thị trường mới được khai thác tốt... Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng, công tác quản lý nhập khẩu còn nhiều hạn chế, khiến nhập siêu lớn. Đặc biệt, việc quản lý nhập khẩu linh kiện xe gắn máy, ôtô chưa tốt, là một trong những nguyên nhân gây tai nạn và ách tắc giao thông nghiêm trọng ở các thành phố lớn.

Để đẩy mạnh xuất khẩu năm 2003, Bộ Thương mại đề ra 9 nhóm biện pháp cơ bản, trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại. Các thị trường trọng điểm được Bộ trưởng đề cập là Hoa Kỳ, châu Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU... Riêng với thị trường ASEAN, Bộ trưởng khẳng định: ''Việc giảm thuế theo CEPT tạo cơ hội xuất khẩu lớn cho Việt Nam. Cơ cấu hàng hóa Việt Nam và ASEAN tương đối giống nhau, nhưng không có nghĩa là hàng Việt Nam không vào được ASEAN. Nếu không tăng được xuất khẩu vào ASEAN thì việc thực hiện CEPT/AFTA không có nhiều ý nghĩa đối với Việt Nam''.

Bộ trưởng Tuyển cũng nêu rõ nhiệm vụ mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Đông và châu Phi. ''Các doanh nghiệp Việt Nam cần biết dựa vào các thị trường trung gian (Arab Saudi, Kuwait, Liban). Thị trường này tuy số dân ít nhưng sức mua cao, thương nhân lại giỏi buôn bán, nắm được nhiều kênh phân phối'' - Bộ trưởng phân tích.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong phát biểu của mình đã đánh giá cao đóng góp của ngành thương mại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giải quyết tốt hơn một số mối quan hệ trọng yếu, nhất là quan hệ xuất khẩu - nhập khẩu.

Một trong những biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu được Phó Thủ tướng rất quan tâm là xúc tiến thương mại. ''Vài năm gần đây, công tác xúc tiến thương mại đã có nhiều tiến bộ. Tuy vậy, chúng ta cần gắn kết chặt chẽ hơn xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư và du lịch, bởi ba hoạt động này có thể hỗ trợ rất đắc lực cho nhau. Nếu làm đơn lẻ thì hiệu quả không thể như mong muốn''- Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thương mại cùng các doanh nghiệp quyết tâm nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam. ''Việc này chúng ta đã nói nhiều, nhưng làm chưa thật tốt. Chúng ta cần làm rõ những chỗ yếu, chỗ cần sửa chữa, bổ sung để khắc phục ngay. Đây là biện pháp hết sức cấp bách'', Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

''Đừng bỏ qua sân nhà''

Nhận định về thị trường trong nước, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đánh giá cao tốc độ tăng trưởng của tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ (tăng 12,8% so với năm 2001, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua). Hiện tượng này phát huy tác dụng tích cực đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Các hình thức tổ chức kinh doanh thương mại được mở rộng, góp phần cải thiện đáng kể cấu trúc thị trường.

Để phát triển thương mại nội địa, Bộ Thương mại nhấn mạnh biện pháp mở rộng mạng lưới mua bán và đại lý của các doanh nghiệp, đặc biệt là tại thị trường nông thôn. Bộ trưởng đưa ra một lời khuyên thú vị cho doanh nghiệp: ''Doanh nghiệp phải coi mạng lưới phân phối của mình là cứ điểm kinh doanh, bằng mọi cách phải giữ và phát triển''.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói: ''Chúng ta chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của khâu lưu thông, tiêu dùng. Mặt ''cầu'' chưa được nghiên cứu thích đáng. Cái khó không phải là sản xuất thật nhiều, mà là sản xuất đủ và trúng nhu cầu thị trường''. Phó Thủ tướng bày tỏ nỗi lo lắng về nguy cơ sản xuất dư thừa, nhất là một số mặt hàng đang rộ lên thành ''phong trào'' ở nhiều địa phương. Phó Thủ tướng nêu rõ, tình hình thị trường thế giới có thể biến động xấu hơn trong năm 2003. Do đó, các doanh nghiệp càng cần hướng về thị trường trong nước, không nên ''bỏ trống'' cho hàng ngoại ''độc diễn'' như tình trạng hiện nay đối với một số ngành hàng.

  • Trịnh Hằng

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Bộ Thương mại họp về vụ kiện cá tra, cá basa
Bộ Thương mại tìm thị trường mới cho gạo
Các trung tâm thương mại, siêu thị được mùa
CÁC TIN KHÁC:
Doanh nghiệp đầu cơ xăng dầu có thể bị rút giấy phép? (20/02/2003)
Tháng ăn chơi của các đại lý bảo hiểm nhân thọ (20/02/2003)
Năm nay sẽ ưu tiên phát triển tôm sú giống (20/02/2003)
Điều chỉnh thiết kế nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất (20/02/2003)
TP.HCM cần cơ chế thử nghiệm thị trường bất động sản (20/02/2003)
15.234 bộ linh kiện xe gắn máy ách tắc tại cảng Hải Phòng (20/02/2003)
Yêu cầu khởi công thuỷ điện A Vương trong tháng 10 (20/02/2003)
Rút giấy phép kinh doanh xăng dầu, kỷ luật các giám đốc có vi phạm (20/02/2003)
Kiểm toán Nhà nước sẽ trực thuộc Quốc hội? (20/02/2003)
SBV điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn (20/02/2003)
Hãy táo bạo hơn để phát triển DN vừa và nhỏ (19/02/2003)
Trên 52.000 lượt khách đến vịnh Hạ Long (19/02/2003)
Người trồng cà phê được vay tiền để ''đổi'' cây (19/02/2003)
Năm 2003 sẽ có 1 triệu hecta nuôi trồng thuỷ sản (19/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang