(VietNamNet) - Mới đây, 17 DN xe máy đã có văn bản kiến nghị gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị huỷ bỏ quyết định của Bộ Tài chính truy thu thuế nhập khẩu linh kiện xe máy với mức 60% đối với DN lắp ráp xe máy không sản xuất phụ tùng chủ yếu. Các DN này cũng đã thuê Luật sư Nguyễn Chiến (Đoàn Luật sư Hà Nội) khởi kiện nếu kiến nghị không được giải quyết.
Theo bản kiến nghị, quyết định truy thu thuế của Bộ Tài chính dựa trên Thông báo 99/TB-VPCP ngày 6/6/2002 và Công văn 6758/VPCP-KTTH ngày 5/12/2002 của Văn phòng Chính phủ là sai thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên không có giá trị bắt buộc. Bởi vì, Văn phòng Chính phủ không phải là cơ quan quản lý ngành, các thông báo, công văn của Văn phòng Chính phủ chưa phải là văn bản pháp luật, chỉ có tính chất hướng dẫn. Theo đúng thủ tục, quyết định truy thu thuế của Chính phủ phải được ban hành dưới hình thức Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ sở thứ hai bản kiến nghị đưa ra là, quyết định truy thu thuế của Bộ Tài chính có hiệu lực hồi tố là trái với quy định của pháp luật. Ngày 17/12/2001, Bộ Công nghiệp mới ra văn bản đầu tiên (Công văn 5366/CV-CNCL) chính thức công bố danh sách DN phải tạm ngừng nhập khẩu linh kiện xe máy. Các DN xe máy cho rằng, quyết định truy thu thuế từ 1/10/2001 đến 31/12/2001, nói tại Thông báo 99/TB-VPCP ngày 6/6/2001 của Văn phòng Chính phủ, tức là ngược trở về trước 3 tháng (tính theo ngày quyết định cấm nhập khẩu), có hiệu lực hồi tố. Điều này vi phạm quy định ''không áp dụng hồi tố nếu quy định trách nhiệm nặng hơn''.
Cũng theo các DN trên, cơ chế tính thuế và áp dụng truy thu thuế xe máy cũng như cách tính thuế dựa trên tỷ lệ nội địa hoá có nhiều điểm bất hợp lý, không thống nhất và hay thay đổi, gây ảnh hưởng đến kinh doanh và mức thuế mà DN phải chịu.
Theo Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/3, DN xe máy nợ thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá năm 2001 sẽ bị cưỡng chế việc làm thủ tục nhập khẩu hàng nếu không đến cơ quan Hải quan để thống nhất kế hoạch trả nợ. Tổng số tiền thuế phải truy thu của các DN xe máy năm 2001 lên đến 720 tỷ đồng, trong đó DN nợ thấp nhất là 200 triệu đồng, cao nhất lên đến 80 tỷ đồng.
· Thanh Minh |