''Sốt'' xăng có phần trách nhiệm của nhà quản lý?
07:28' 25/02/2003 (GMT+7)

Giá bán lẻ tối đa xăng M92 hiện ở mức 5.600 đồng/lít.

(VietNamNet) - Nguyên nhân cơn sốt ảo xăng dầu trong thời gian vừa qua được nhiều người biết là do một số cửa hàng xăng dầu găm hàng chờ giá lên, hay thêm việc hạn chế xe bồn chở xăng vào thành phố như ở Hà Nội... Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, sâu xa hơn sẽ thấy nguyên nhân không nhỏ từ phía các nhà quản lý.

Ngay khi cơn sốt xăng dầu mới bắt đầu và phát hiện có dấu hiệu găm hàng của các cửa hàng xăng dầu, Bộ Thương mại đã có công điện chỉ đạo các Sở Thương mại kiểm tra các cửa hàng xăng dầu và xử lý các trường hợp vi phạm. Khi xăng dầu hết ''sốt'', Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu xử lý nghiêm các DN kinh doanh xăng dầu có biểu hiện đầu cơ, găm hàng để trục lợi: rút giấy phép kinh doanh xăng dầu, kỷ luật giám đốc DN có vi phạm, nếu nghiêm trọng còn có thể bị khởi tố. Những hàng động này thể hiện quyết tâm của các nhà quản lý lập lại ''trật tự'' quản lý mặt hàng xăng dầu.

Theo một nguồn tin không chính thức, một quan chức của Bộ Thương mại đã bị nhắc nhở vì để lộ thông tin đề nghị nâng giá trần bán lẻ xăng dầu. 

Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan hơn, các nhà quản lý cũng ''có phần'' gây nên cơn sốt xăng dầu. Để hỗ trợ cho các DN xăng dầu bị lỗ hàng trăm tỷ đồng, Bộ Thương mại đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ nới lỏng mức giá trần và giảm thuế nhập khẩu xăng dầu xuống 0%. Thông tin này đã đến tai các cửa hàng xăng dầu, thông qua miệng một số quan chức Bộ Thương mại, Bộ Tài chính với báo chí. Nhiều lần DN xăng dầu kêu lỗ, đòi giảm thuế, nâng giá trần, nhưng lần này, đề nghị của Bộ Thương mại có vẻ chắc chắn được chấp thuận. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Vật giá Chính phủ thừa nhận, thông tin nâng giá trần đã được một số doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu biết trước, chính vì vậy họ mới găm hàng chờ giá lên.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu các nhà quản lý có dự liệu được các diễn biến của thị trường khi thông tin chính sách bị rò rỉ hay không? Các thông tin chưa thể công bố liệu có thể giữ đến phút cuối không? Hiện nay, không chỉ xăng dầu, thông tin chính sách về đất đai, xe máy... do bị lộ trước, hoặc không được công khai, minh bạch đã tạo cơ hội cho những người đầu cơ lũng đoạn thị trường.

Xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước quản lý thông qua việc áp giá trần, phân bổ các chỉ tiêu nhập khẩu và thông qua một đầu mối quan trọng là Tổng công ty xuất nhập khẩu xăng dầu Việt Nam, DN cung cấp khoảng 65% xăng dầu của cả nước. Ngay cả cửa hàng xăng dầu của Nhà nước, cũng găm hàng chờ giá lên (theo điều tra của Công an Hà Nội ngày 19/2). Trong thời điểm sốt cao, xe chở xăng của Công ty Xăng dầu Chất đốt Hà Nội chờ bên kho Đức Giang của Công ty Xăng dầu khu vực 1 để lấy xăng nhưng bị từ chối với lý do... sợ DN lấy xăng rồi găm hàng. Như vậy, các DN xăng dầu được Nhà nước bù lỗ, trong khi mục tiêu bình ổn thị trường xăng dầu thông qua các DN này lại không thực hiện được. 

Mới đây, một phương pháp điều chỉnh tự động giá trần bán lẻ xăng dầu đã được đưa ra. Nhà nước sẽ quy định biên cho phép và theo đó, khi giá nhập khẩu xăng dầu tăng cao đến một mức nhất định, DN sẽ tự động điều chỉnh giá xăng dầu bán ra. Tuy nhiên, cách điều chính này sẽ tương đối phức tạp và khó áp dụng.

Một vấn đề bất cập nữa hiện nay là chính sách áp giá trần cố định đối với mặt hàng xăng dầu vốn hết sức nhạy cảm và biến động. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Vật giá Chính phủ, cho biết: ''Do giá xăng dầu chịu tác động trực tiếp của giá thế giới nên từ nay, việc cân nhắc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: giá thế giới tăng thì giá trong nước sẽ vận động theo và ngược lại''. Tuy nhiên, áp dụng nguyên tắc này cần một phương pháp điều chỉnh mới chứ không thể nâng giá trần như hiện nay, dễ tạo điều kiện đầu cơ trục lợi cho những người có thông tin.

Theo ý kiến một số DN xăng dầu, Nhà nước nên bãi bỏ giá trần xăng dầu và chỉ quy định giá trần trong trường hợp cần thiết. Điều này tạo điều kiện cho DN xăng dầu tự chủ kinh doanh, giảm khoảng bù lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và con số chi phí trong các đơn vị kinh tế, xã hội sẽ được phản ánh chính xác hơn.

  • Thanh Minh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Kiểm tra PCCC nơi bán lẻ xăng dầu
Các công ty nhập khẩu xăng dầu kêu lỗ lớn
''Sẽ đảm bảo cung cấp đủ xăng dầu trong mọi tình huống''
Doanh nghiệp đầu cơ xăng dầu có thể bị rút giấy phép?
Một số suy nghĩ về những biến động giá xăng dầu trong thời gian qua
Ngân hàng phải đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho DN xăng dầu
Sẽ tăng giá bán lẻ xăng dầu
Rút giấy phép kinh doanh xăng dầu, kỷ luật các giám đốc có vi phạm
Tăng giá bán xăng dầu
"Lượng xăng dầu cung cấp vẫn duy trì bình thường"
CÁC TIN KHÁC:
Ngân hàng phải đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho DN xăng dầu (24/02/2003)
Sau Tết, các ngân hàng ồ ạt huy động vốn (24/02/2003)
Sẽ tăng phí bảo hiểm đối với xe máy? (24/02/2003)
Hướng dẫn thủ tục hải quan đối với nhập khẩu xe máy (24/02/2003)
Sẽ chỉ còn một mức thuế giá trị gia tăng là 10%? (24/02/2003)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 2,2% (24/02/2003)
''Các DN dệt may hãy đồng lòng yêu cầu Mỹ hoãn áp dụng hạn ngạch'' (23/02/2003)
Tư nhân được cho nước ngoài thuê đất (23/02/2003)
Hầm Hải Vân có thể được thông vào tháng 9 (22/02/2003)
Tìm địa điểm mới cho Nhà máy Ba Son (22/02/2003)
''Phải cấp đủ vốn vay cho DN và người nuôi cá Tra, Basa'' (22/02/2003)
Đấu thầu không hạn chế 3 dự án BOT (22/02/2003)
Kiến nghị cho vay ưu đãi mua tạm trữ phân bón (22/02/2003)
Sẽ kiểm tra đột xuất hàng XNK ở diện miễn kiểm tra (22/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang