(VietNamNet) - Chính sách thuế bất hợp lý dẫn đến giá thành sản phẩm điện tử trong nước tăng cao, việc cắt giảm thuế theo cam kết hội nhập tới gần... đang làm giảm sức cạnh tranh, đe doạ sự tồn tại và phát triển của ngành công nghiệp điện tử, máy tính vốn được coi là ''khuyến khích, ưu đãi''.
Giá tính thuế ''trên trời''
Ông Nguyễn Phúc Hải, Giám đốc Công ty CMS, bức xúc về giá tính thuế tối thiểu: ''Giá của linh kiện máy tính nhập thì thay đổi hàng ngày và theo hướng giảm liên tục nhưng bảng giá tính thuế tối thiểu thì hàng năm vẫn chưa thay đổi, các DN luôn bị áp giá tính thuế tối thiểu quá cao cho các linh kiện máy tính nhập khẩu''. Đơn cử, giá nhập một thanh RAM 256 Mb biến động từ 20 đến 35 USD nhưng giá tính thuế tối thiểu tăng lên đến 80 USD, gấp gần 4 lần.
Ông Hải cho biết: ''Chúng tôi có đủ hợp đồng ngoại thương và chứng từ thanh toán qua ngân hàng nhưng Hải quan vẫn không chấp nhận mức giá ghi trên hợp đồng. Hàng năm, chỉ riêng việc nhập RAM, chúng tôi đã âm hàng trăm triệu đồng''. Điều này bất hợp lý trong khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài thì tính thuế căn cứ vào hoá đơn, hợp đồng mua bán ngoại thương.
Ông Nguyễn Trung Chính, đại diện Hiệp hội Tin học Việt Nam nói: ''Bất cập trong chính sách thuế nhập khẩu đã được nhiều DN sản xuất máy tính phản ánh từ rất lâu nhưng vẫn chưa được xử lý. Như thuế nhập khẩu đối với linh kiện lắp ráp là 10% trong khi máy tính nguyên chiếc nhập khẩu chỉ là 5%''. Mức thuế như vậy sẽ khuyến khích nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc và hạn chế nhập khẩu linh kiện, dường như mâu thuẫn với việc ưu đãi thuế theo tỷ lệ hoá do chính cơ quan thuế ban hành.
Hàng ngoại ''lấn lướt'' hàng nội
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam trung bình nhập khoảng 240.000 máy tính/năm nhưng theo tính toán thực tế một năm có đến hơn 500.000 máy được tiêu thụ trên thị trường. Máy tính ''trôi nổi'' nhiều và chính sách thuế bất hợp lý đã làm nhiều người muốn đầu tư vào lĩnh vực này phải bỏ cuộc. |
Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa (từ 1/7/2003), Việt Nam sẽ tiếp tục lịch trình cắt giảm thuế theo cam kết hội nhập AFTA. Cụ thể, từ 1/7, thuế suất đối với sản phẩm điện tử sẽ giảm từ 50% xuống 20%, năm 2004 xuống 10% và năm 2005 chỉ còn 0-5%. Giảm thuế sẽ đe doạ đến sự ''sống còn'' của hàng điện tử trong nước khi mà hiện nay, giá hàng điện tử trong nước đã tương đương hàng điện tử nhập khẩu với thuế suất 20%.
Cũng khi đó, với mức thuế nhập khẩu điện tử nguyên chiếc là 20%, so với nhập khẩu linh kiện chỉ 5%, người ta dễ lầm tưởng ưu đãi nhập khẩu linh kiện. Theo ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Intel, để được thuế suất ưu đãi 5% thì DN phải xuất trình chứng nhận xuất xứ 40% từ ASEAN (C/O form D). Trong khi đó, có hàng trăm loại linh kiện điện tử nên nên không một DN nào có khả năng xin đủ ''C/O form D'' để được hưởng ưu đãi, đành phải chịu mức thuế cao.
Một quan chức của ngành thuế cho rằng, DN chỉ nói ''thách thức'' mà không đề cập đến ''cơ hội'' của hội nhập. Bởi vì, giá linh kiện, nguyên vật liệu và các chi phí đầu vào khác sẽ giảm, kéo theo giá thành sản phẩm giảm. Tuy nhiên, nhiều DN điện tử đều cho rằng, điều này là ''lợi bất cập hại'' do mức giảm chi phí không lại được với việc hàng điện tử ngoại tràn ngập do giảm thuế.
|