Việt Nam đã trở lại vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo trên thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan, trong bối cảnh khó khăn chung về thị trường xuất khẩu do ảnh hưởng chiến tranh tại Iraq.
Xuất khẩu gạo tăng 80%
|
Việt Nam đã vượt lên Ấn Độ để đứng thứ hai về xuất khẩu gạo. |
Theo số liệu từ Bộ Thương mại, đến nay các hợp đồng xuất khẩu gạo của Việt Nam ký kết với các DN nước ngoài với khoảng trên 2 triệu tấn, trong đó lượng gạo đã giao trong quý I năm nay đạt 850.000 tấn, tăng 80% so với cùng kỳ 2002. Trong khi đó, Ấn Độ chỉ tăng 18% và Thái Lan giảm 12%. Theo phân tích của một quan chức Bộ NN-PTNT, nguyên nhân Việt Nam vượt lên Ấn Độ để đứng vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo là do vụ đông xuân năm nay Ấn Độ thất mùa, cộng thêm các loại dịch vụ như vận chuyển, bốc vác với chi phí quá cao, nên thị trường xuất khẩu trong năm nay chủ yếu tập trung vào các nước châu Phi. Bên cạnh đó, mặc dù giá bán gạo của Ấn Độ thường rẻ hơn Việt Nam 5-10 USD/tấn, nhưng do chất lượng gạo không bằng Việt Nam, nên không thể cạnh tranh.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của Chính phủ đối với các DN trong việc chuyển hướng tìm kiếm thị trường tại các nước châu Á, châu Phi, Đông Âu... để bù đắp cho thị trường Trung Đông đang gặp khó khăn do ảnh hưởng chiến tranh. Cụ thể chỉ trong tháng 3, lượng gạo Việt Nam xuất sang thị trường Indonesia là trên 180.000 tấn, châu Phi gần 50.000 tấn, tăng nhiều lần so với cùng kỳ 2002.
3,5 triệu tấn gạo cho năm 2003
Theo kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2003, Chính phủ đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu xuất khẩu gạo phải đạt 3,5 triệu tấn. Để đạt được chỉ tiêu này, mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo cho Bộ Thương mại có kế hoạch cụ thể để chuẩn bị thị trường xuất khẩu gạo năm 2003. Trong đó tập trung chủ động đàm phán với các nước là thị trường gạo truyền thống để thỏa thuận kế hoạch bán gạo dài hạn mà trước hết là năm 2003. Đẩy mạnh xuất khẩu, cung ứng theo đường mậu biên cho các tỉnh giáp biên của các nước có chung đường biên giới, tăng cường buôn bán gạo với Nga, Đông Âu theo hình thức đổi hàng và tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ việc bán gạo vào thị trường châu Phi, Nam Mỹ...
(Theo NLĐ)
|