(VietNamNet) - Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Mỹ quý I tăng vọt (trên 40% tỷ trọng), cách biệt với Nhật trên 10% (22,3%), trong khi con số này mọi năm chỉ khoảng 3%. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc cho rằng, xuất khẩu thuỷ sản vẫn tiềm ẩn những rủi ro về chất lượng và thị trường. Thuỷ sản Việt Nam luôn phải tìm thị trường mới nhằm mở hướng sản xuất lâu dài, đồng thời, để thay thế khi cần thiết.
3 tháng qua, thuỷ sản cả nước thu về hơn 400 triệu USD từ xuất khẩu. Song, để đảm bảo mục tiêu 2,3 tỷ USD của cả năm, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc nhận định, ngay từ bây giờ (chứ không phải từ tháng 6 như năm 2002), kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản phải đạt trên dưới 200 triệu USD/tháng.
Dự báo không thuận
Theo Bộ Thuỷ sản, các nước nhập khẩu thuỷ sản lớn như Mỹ, Nhật, EU thời gian tới dự báo sẽ có mức tăng trưởng chậm. Mặt khác, do tác động từ cuộc chiến Iraq, xu hướng tiêu thụ hàng thuỷ sản xa xỉ tại các nhà hàng có chiều hướng giảm. Tại thị trường Mỹ, do lo ngại chiến tranh, việc dự trữ hàng đã được thực hiện ngay từ đầu năm nên những tháng tới ít có khả năng xảy ra hút hàng. Thuỷ sản sang Mỹ sẽ gặp nhiều rắc rối vì các quy định quá mức cần thiết về kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, như hàng nhập phải đăng ký với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thông báo trước về những chuyến hàng, FDA có thể thu giữ các lô hàng nếu có dấu hiệu rủi ro. Đó là chưa kể khả năng Mỹ kiện tôm Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam bán phá giá.
Trong khi đó, việc tăng nhanh mức nhập khẩu thuỷ sản vào Nhật Bản là rất hạn chế. Nhu cầu mua các mặt hàng thuỷ sản tiện dụng, rẻ từ Thái Lan, Bangladesh vẫn là xu hướng tiêu dùng của thị trường này.
Bên cạnh đó, tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, do chùn chân trước hàng rào kỹ thuật quá khắt khe của EU, Trung Quốc đang xuất “ồ ạt” tôm thẻ chân trắng sang thị trường Mỹ, với giá rẻ. Điều này gây bất lợi cho các nước xuất khẩu tôm sú, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, những quy định mới về ghi nhãn, bao gói và chứng nhận kiểm dịch (áp dụng từ 30/6) của hàng thuỷ sản nhập vào Trung Quốc cũng làm thuỷ sản Việt Nam e ngại, nhất là hàng xuất khẩu tiểu ngạch do phải thêm thủ tục, tăng chi phí và độ rủi ro.
Làm mạnh về chất lượng
Theo Vụ KH-ĐT (Bộ Thuỷ sản), từ đầu năm đến nay, tuy thời tiết thuận lợi cho khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, nhưng chúng ta vẫn thiếu nguyên liệu. Các nhà máy chế biến xuất khẩu chỉ chạy 30-40% công suất. Ngoài lý do tôm sú chưa đến kỳ thu hoạch, giá nhiên liệu tăng cao làm khai thác đạt hiệu quả thấp. Cơ cấu tôm nguyên liệu xuất khẩu hiện nay của Việt Nam cũng không được thay đổi kịp thời để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Vấn đề nổi cộm ngành thuỷ sản đang phải đối mặt là chất lượng nguyên liệu. Thông tin từ VASEP, mặc dù tình trạng tiêm tạp chất vào tôm đã được kiểm soát trong tháng 3, nhưng kể từ đầu tháng 4, tình hình lại xấu đi. Việc kiểm soát dư lượng kháng sinh gần như bị buông lỏng. Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc bức xúc, Bộ thì đã ban hành không thiếu các loại văn bản giấy tờ liên quan đến chất lượng thuỷ sản, nhưng đến nay, từ nuôi trồng, chế biến đến bảo quản vẫn tiềm ẩn những rủi ro về dư lượng kháng sinh. Bộ Thuỷ sản kiến nghị, cần nhanh chóng có chế tài để thực thi nghiêm túc các văn bản; đồng thời, có cách tiếp cận và quản lý mới để văn bản phù hợp với yêu cầu thực tế ngành thuỷ sản hiện nay.
Một vấn đề nảy sinh hiện nay là kiểm soát chất lượng nguyên liệu nhập khẩu, và theo Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng siết chặt hơn khâu này. Đây là yêu cầu của thị trường cũng như yếu tố đảm bảo sự sống còn của DN, người nuôi.
Những thị trường mới
Theo Tổng công ty XNK Thuỷ sản Việt Nam (Seaprodex), mặc dù bị “mất” thị trường Nhật, song, nhờ khai phá thị trường Hàn Quốc, doanh thu quý I của Seaprodex vẫn đạt 1,6 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ 2002. Thị trường này sẵn sàng nhập số hàng cá hố mà Seaprodex có thể cung cấp, so với 5-7 container/tháng trước đó. Các thị trường Nga, Trung Đông cũng đang được các DN chế biến thuỷ sản Việt Nam chú trọng.
Thị trường Australia cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng cho thuỷ sản Việt Nam nhờ mức thuế nhập khẩu 0%. Hiện nay, Việt Nam là nguồn cung cấp thủy sản lớn thứ năm cho thị trường này (sau New Zealand, Thái Lan, Mỹ và Nam Phi). Số liệu thống kê của Bộ Thương mại cho thấy, năm 2002, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Australia đạt 53 triệu AUD (khoảng 29 triệu USD), tăng gần 18% so với năm 2001 và gấp đôi 5 năm trước đó, tập trung vào mặt hàng tôm, hải sản thân mềm (nhuyễn thể), cá nguyên con và phi lê đông lạnh, cá tươi, cá sấy khô, ướp muối...
Theo thương vụ Việt Nam tại Australia, số lượng cá da trơn nhập khẩu vào Australia năm 2002 khoảng 500-600 tấn, giá nhập khẩu 5-6 AUD/kg (khoảng 3 USD/kg). Giá bán lẻ cá đông lạnh cắt khúc, bỏ đầu là 8 AUD/kg. Tuy nhiên, mức kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn quá nhỏ so với nhu cầu của thị trường này, trong đó, mặt hàng được xem là xuất nhiều nhất là loài giáp xác mới chiếm 11% thị phần.
|