|
Nhân viên môi giới tại Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM. |
(VietNamNet) - Đến nay, công chúng đầu tư vẫn chờ Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK, vì nội dung sửa đổi sẽ là cơ sở của nhiều biện pháp nhằm vực dậy thị trường. Thế nhưng, sau nhiều lần cơ quan quản lý nói ''sắp'' ban hành thì dự thảo sửa đổi nay đã quay trở lại bàn làm việc của các bộ, ngành để lấy ý kiến.
Mới đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có cuộc họp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp... để bàn sửa đổi, bổ sung Nghị định 48/CP về TTCK. Tuy nhiên, sau cuộc họp này, nhiều vấn đề phát sinh và các bên vẫn chưa thống nhất được. Một quan chức UBCKNN cho biết, các nội dung chưa thống nhất đã được gửi lại lấy ý kiến các bộ, ban, ngành.
''Thảo luận'' chưa có hồi kết
Nhiều giải pháp hiện nay đang chờ ''bà đỡ'' là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 48/CP về chứng khoán và TTCK như: cấp phép hoạt động cho quỹ đầu tư trong nước; gắn cổ phần hoá với việc niêm yết trên TTCK, quy định tiêu chuẩn DN niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội... |
Quan chức nói trên khẳng định: ''Còn nhiều bất đồng xung quanh dự thảo này, như việc xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh''. Điều này rất nhạy cảm do liên quan đến các lĩnh vực hiện nay đang thuộc quyền quản lý của nhiều bộ, ngành. Mở rộng phạm vi điều chỉnh có thể đồng nghĩa với việc tăng quyền cho UBCKNN. Chẳng hạn việc thí điểm cổ phần hoá DN có vốn đầu tư nước ngoài hiện thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cổ phần hoá DNNN thuộc điều chỉnh của Bộ Tài chính, dùng ngoại tệ mua bán chứng khoán thuộc Ngân hàng Nhà nước... Trong khi đó, UBCKNN hiện chỉ quản lý thị trường tập trung, chủ yếu là giao dịch ở thị trường thứ cấp.
Thảo luận vẫn chưa ngã ngũ liên quan đến việc cấp phép và đăng ký phát hành cổ phiếu mới. Những công ty niêm yết trên thị trường chính thức hiện nay nếu phát hành cổ phiếu bổ sung thì phải xin phép UBCKNN. Trong khi đó, việc quản lý các công ty cổ phần bên ngoài phát hành bổ sung còn lỏng lẻo, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát. Các câu hỏi đặt ra là: Các công ty cổ phần (kể cả niêm yết) khi phát hành thêm cổ phiếu thì chỉ cần đăng ký hay phải xin phép? Cơ quan nào quản lý và cơ chế nào kiểm tra, giám sát tính minh bạch về tài chính công ty phát hành?
Hiện nay, vẫn còn ''lỗ hổng'' chưa được điều chỉnh khi DN thành lập mới là công ty cổ phần, hoặc từ DN tư nhân chuyển sang hình thức công ty cổ phần, muốn phát hành cổ phiếu ra công chúng. |
Một vấn đề phát sinh là quy định tỷ lệ và thời gian nắm giữ cổ phiếu của thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát công ty cổ phần. Các đối tượng này có ảnh hưởng quyết định đến sự tồn tại, phát triển của công ty cổ phần nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể ( mới chỉ có quy định tỷ lệ và thời gian nắm giữ cổ phiếu của cổ đông sáng lập). Tuy nhiên, xác định tỷ lệ và thời gian nắm giữ cổ phiếu tối thiểu là bao nhiêu đang còn tranh cãi!
''Lực bất tòng tâm''
Cũng theo quan chức nói trên, cái khó lớn nhất hiện nay là UBCKNN cảm thấy ''lực bất tòng tâm''. UBCKNN là cơ quan thuộc Chính phủ, không được phép ban hành văn bản pháp luật. Vì thế, mọi quyết định Uỷ ban không thể chủ động nên cũng khó có thể ban hành những biện pháp, đối sách kịp thời đối với TTCK. Như hiện nay, việc ban hành Quyết định về tăng số lần khớp lệnh, giảm lô giao dịch, cho phép nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản tại công ty chứng khoán nay đã được Văn phòng Chính phủ uỷ quyền cho Bộ Tài chính.
Nhìn rộng ra, chứng khoán và TTCK hiện này đang chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ, ngành như Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước nên muốn làm phối hợp công việc khó khăn khi ý kiến ''mỗi đằng một nẻo'' hoặc ''cứ từ từ''. Vì thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành trong khi các bộ phận của TTCK liên hệ và ảnh hưởng mật thiết với nhau nên ''một tay'' UBCKNN khó gây dựng nên sự phát triển tổng thể. Tuy nhiên, cũng không thể quên nhắc nhở các nhà quản lý điều hành TTCK thời gian qua còn nhiều bất cập, còn chậm chạp trong việc đại chúng hoá TTCK...
Nhiều chuyên gia cho rằng, với tình trạng hiện nay, cho dù đến năm 2010, thì ngành chứng khoán khó có thể thực hiện được chức năng chính là kênh huy động vốn. Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần coi trọng lĩnh vực này hơn, tăng quyền cho UBCKNN với vai trò là một cơ quan quản lý thống nhất, là đầu mối quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK.
|