Sửa đổi Luật DNNN:
''San'' bớt quyền giám đốc cho HĐQT
13:48' 21/04/2003 (GMT+7)
(VietNamNet) - Theo ý kiến của Chính phủ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật DNNN hiện hành chưa quy định rõ địa vị pháp lý, chưa tách bạch rõ về quyền, trách nhiệm của Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc. Vì thế, dự Luật DNNN (sửa đổi) Chính phủ đưa ra đã sửa lại các quy định về địa vị pháp lý quyền, trách nhiệm của hai bên theo hướng san bớt quyền từ giám đốc sang cho HĐQT. 
Chính phủ rất muốn thay đổi cách nhìn về DNNN sau lần sửa đổi luật này. 

Thứ nhất, HĐQT sẽ là đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại tổng công ty và công ty có HĐQT; nhận vốn, đất đai, tài nguyên Nhà nước đầu tư. Trong đó, chủ tịch HĐQT thay mặt HĐQT ký nhận (Luật DNNN năm 1995 quy định cả chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc đồng ký nhận); HĐQT được ký hợp đồng hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và quyết định mức lương đối với tổng giám đốc sau khi được sự chấp thuận của người quyết định thành lập DN; HĐQT bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó tổng giám đốc theo đề nghị của Tổng giám đốc.

Luật DNNN hiện hành quy định, tổng công ty và DNNN độc lập quy mô lớn phải tổ chức quản lý theo mô hình Hội đồng quản trị (HĐQT). Dự án Luật lần này cũng quy định 2 mô hình tổ chức quản lý: có HĐQT và không có HĐQT. Những tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập quy mô vốn lớn sẽ nắm quyền chi phối nhiều công ty khác có cơ cấu quản lý theo mô hình HĐQT.

Thứ hai, HĐQT cũng được quyết định các dự án đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của DN khác, bán tài sản có trị giá đến 50% tổng giá trị tài sản của tổng công ty hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; được thông qua báo cáo tài chính hàng năm của tổng công ty; HĐQT đại diện chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên và đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn đầu tư ở các doanh nghiệp khác .

HĐQT có quyền đình chỉ các quyết định của Tổng Giám đốc... 

Ngoài việc nâng cao trách nhiệm của HĐQT, Dự án Luật đã bổ sung, đổi mới chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Chủ tịch HĐQT; bổ sung tiêu chuẩn cho chủ tịch HĐQT: phải có kinh nghiệm và đủ năng lực quản lý doanh nghiệp, am hiểu ngành nghề kinh doanh chính của công ty. Chủ tịch HĐQT tổ chức theo dõi và giám sát thực hiện các nghị quyết, quyết định của HĐQT, có quyền đình chỉ các quyết định của Tổng Giám đốc khi các quyết định đó không phụ hợp với nghị quyết quyết định của HĐQT. 

HĐQT có quyền sửa đổi lại các quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc. Theo đó, tổng Giám đốc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo phân cấp, uỷ quyền của HĐQT hoặc Chủ tịch HĐQT; Tổng Giám đốc là đại diện theo pháp luật điều hành hoạt động hàng ngày của tổng công ty; chịu trách nhiệm trước HĐQT và trước pháp luật về thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao; Ký kết các hợp đồng dân sự và kinh tế theo phân cấp, ủy quyền của HĐQT; Quyết định theo phân cấp, ủy quyền của HĐQT và điều lệ tổng công ty các dự án đầu tư, đồng mua bán tài sản; các hợp đồng vay, cho vay , cho thuê và hợp đồng khác, giá mua, giá bán sản phẩm và dịch vụ của tổng công ty. Việc uỷ quyền chỉ giới hạn ở một số ít hợp đồng lớn và đặc biệt quan trọng.

 ... và được quyền thuê tổng giám đốc

Dự luật quy định, giám đốc công ty nhà nước không có HĐQT phải là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, nhưng tổng giám đốc tổng công ty, công ty có HĐQT không đòi hỏi tiêu chuẩn này. Quy định này, theo Chính phủ, là nhằm tạo điều kiện cho HĐQT đã là đại diện trực tiếp sở hữu có thể chủ động lựa chọn hoặc thuê Tổng Giám đốc có năng lực, kinh nghiệm quản lý... không nhất thiết phải là công dân Việt Nam. Đối với công ty không có HĐQT là đại diện trực tiếp sở hữu, nên cần có tiêu chuẩn Giám đốc là công dân Việt Nam.

Dự luật quy định trách nhiệm của Tổng Giám đốc đối với các trường hợp thua lỗ từ 2 năm liên tục trở lên, thực hiện dự án đầu tư không hiệu quả v.v...thì phải chịu trách nhiệm tương tự như đối với thành viên HĐQT. Không bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại hoặc không ký tiếp hợp đồng đối với trường hợp người đã làm Tổng Giám đốc ( giám đốc) doanh nghiệp mà vi phạm kỷ luật đến mức đã bị cách chức, miễn nhiệm hoặc để doanh nghiệp thua lỗ 2 năm liên tiếp, trừ lỗ theo kế hoạch hoặc có lý do khách quan.

Khi công ty không thanh toán các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả, thì tổng Giám đốc phải báo cáo Hội đồng quản trị, Giám đốc phải báo cáo người quyết định thành lập công ty; Tổng Giám đốc và Giám đốc phải thông báo tình hình tài chính của công ty cho tất cả chủ nợ biết và tìm biện pháp khắc phục; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc phải chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với chủ nợ do không thực hiện các quy định vừa nêu. 

Khi công ty thua lỗ, mất vốn, không bảo đảm lương tối thiểu cho người lao động, không thực hiện được các quy định vệ quản lý vốn, tài sản, về chế độ kế toán, kiểm toán và các chế độ khác do Nhà nước quy định thì Chủ tịch, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Giám đốc sẽ không được trích thưởng từ quỹ thưởng của DN không được nâng lương hoặc bị xử phạt hành chính tuỳ theo mức độ vi phạm.

Khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả, thì thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc không được tăng tiền lương, không được trích lợi nhân trả tiền thưởng cho cán bộ quản lý và người lao động.

Trường hợp thua lỗ kéo dài từ 2 năm nên tục trở lên mà không đưa ra biện pháp xử lý thích hợp hoặc thực hiện dự án đầu tư không mang lại hiệu quả kinh tế dẫn đến không thu hồi được vốn hoặc không trả được nợ thì tuỳ theo mức độ hậu quả bị hạ bậc lương hoặc bị cách chức hoặc bồi thường thiệt hại vật chất theo quy định của pháp luật.

Sửa luật để thúc DN

Theo các đề án sắp xếp lại DNNN, trong tương lai vẫn có khoảng 50% doanh nghiệp tiếp tục do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Được ban hành từ năm 1995, qua 8 năm áp dụng, Luật Doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập: Nhiều vướng mắc đối với việc quản lý một số lượng lớn DNNN đang tiếp tục tồn tại, nhất là vướng mắc về thể chế, chính sách, tổ chức quản lý đối với DNNN, làm cho DNNN thiếu tính năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm (kể cả DNNN và cán bộ quản lý), sức cạnh tranh yếu và hiệu quả chưa cao.

Nhiều đánh giá của DN rằng Luật chưa tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy cán bộ và người lao động trong doanh nghiệp. Từ khi Luật DNNN có hiệu lực thi hành vào giữa năm 1995, đã có nhiều văn bản pháp luật mới được ban hành ( Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, các luật thuế... ) với những nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh được đổi mới hơn so với các quy định của Luật DNNN, dẫn đến một số quy định về hoạt động kinh doanh của DNNN không bình đẳng với các doanh nghiệp khác. 

  • Hồng Phúc

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Dự trữ 1,2 triệu tấn ximăng để bình ổn giá (21/04/2003)
Đang có chuyện quay vòng quota nhập nguyên liệu thuốc lá (21/04/2003)
Giá vàng: Chuyện trong nhà, ngoài phố (21/04/2003)
Cuối tháng 4 sẽ xong đường xuyên Á (21/04/2003)
Năm nay sẽ giải thể 3 DNNN ngành thuỷ sản (20/04/2003)
10 quốc gia ASEAN hợp lực đối phó vụ kiện tôm (19/04/2003)
Mới có 5% DN Việt Nam đăng ký tên miền Internet (19/04/2003)
Kem Wall's về với Kinh Đô như thế nào (19/04/2003)
Đem Luật Đất đai ra cho dân góp ý (19/04/2003)
Nha Trang huỷ hàng trăm chuyến du lịch biển (19/04/2003)
Danieli trúng thầu xây dựng Thép Phú Mỹ (19/04/2003)
Du lịch 30/4: Tour gần thắng tour xa (19/04/2003)
DN cổ phần hoá đầu tiên bán đấu giá cổ phần (19/04/2003)
Bao giờ áp dụng tăng số lần khớp lệnh, giảm lô giao dịch? (19/04/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang