Vì sao một số lãnh đạo Petro Việt Nam bị cách chức?
10:12' 12/05/2003 (GMT+7)
 

Một trong những nguyên nhân chính của trục trặc này xuất phát từ chuyện đấu thầu xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đầy khó hiểu và uẩn khúc. Đó là vòng cuối cuộc đấu thầu, khi chỉ còn hai tổ hợp S và T (gọi tắt theo yêu cầu của cơ quan chức năng). Cả hai đang theo đuổi tới cùng thì nhận được kết quả mở thầu khá bất ngờ: hai tổ hợp này đều vi phạm quy chế đấu thầu.

Tổ hợp S vi phạm tư cách pháp nhân vì thay đổi giữa chừng một nhà thầu có hạng trong liên danh của mình. Còn tổ hợp T thì vi phạm về kỹ thuật, vì không tuân thủ đúng ''đề bài'' - những yêu cầu mà chủ đầu tư đưa ra để mời thầu.

Kết quả này đẩy ban lãnh đạo Công ty Liên doanh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào tình huống khó xử: tổ hợp S, sau khi thay đổi nhà thầu liên danh, không chứng minh được là đủ khả năng xây dựng công trình này, vì bản thân nhà thầu S chưa bao giờ xây trọn gói một nhà máy lọc dầu nào cả. Trước đây, để đủ tư cách, S đã phải mời một nhà thầu Mỹ dày dạn, kinh nghiệm liên danh, nhưng đến khi nộp hồ sơ vòng cuối, S lại thay nhà thầu Mỹ bằng nhà thầu Hà Lan (nhà thầu này lại chỉ đảm nhận xây dựng một nhà máy lọc dầu duy nhất ở Ấn Độ, và 10 năm nay vẫn chưa xây xong). Điều kỳ lạ là cuối cùng, nhà thầu Hà Lan cũng không còn đứng tên chung trong tổ hợp S nữa.

Tổ hợp T thì sai về bố trí mặt bằng nhà máy, mà theo họ lý giải, cách bố trí như ''đề bài'' không đảm bảo an toàn về mặt cháy nổ, nên chủ động sửa đề bài theo ý họ. Việc tự sửa như vậy, theo quy chế, là không được phép. Lẽ ra, nhà thầu phải tuân thủ đề bài, nếu có phương án hay hơn thì phải trình bày riêng mới được xem là không vi phạm.

Để giải quyết tình huống đau đầu này, Phó Tổng Giám đốc Petro Việt Nam Đinh Văn Ngà ra một quyết định "táo bạo": cho phép cả hai tổ hợp nhà thầu này tự bổ sung, tức tự sửa sai và coi như chuyện đấu thầu được ''đánh bài ngửa". Tổ hợp S lập tức mời nhà thầu Hà Lan liên danh trở lại, còn tổ hợp T bố trí lại mặt bằng cho phù hợp yêu cầu đề bài. Và tổ chấm thầu tiến hành chấm thầu lại, và kết quả tiếp tục gây bất ngờ, thậm chí là nhiều người sững sờ.

Có phải tráo thầu?

Kết quả bất ngờ là chỉ có hồ sơ của tổ hợp S phù hợp, còn hồ sơ của tổ hợp T vị huỷ vì sai ''đề bài''. Điều này cũng có nghĩa là tổ hợp S đương nhiên trúng thầu. Nhưng thật ra, theo điều tra của cơ quan chức năng, hồ sơ của tổ hợp T hoàn toàn không bị huỷ mà vẫn được đưa vào chấm thầu. Kết quả điểm thật sự của tổ hợp T cao hơn tổ hợp S, trong khi giá bỏ thầu của tổ hợp T lại thấp hơn tổ hợp S.

Cơ quan chức năng đã chính thức kết luận: ông Đinh Văn Ngà, với tư cách là đồng Chủ tịch Hội đồng tư vấn xét thầu, đã ''có biểu hiện gian dối khi trình cho tổ hợp S trúng thầu và loại tổ hợp T''. Chính ông Ngà cũng cố tình bỏ qua kết quả chấm thầu tổ hợp T và báo cáo sai sự thật là tổ hợp này không được chấm điểm vì hồ sơ đã bị huỷ. Điều này đồng nghĩa với việc tráo thầu và cơ quan chức năng, sau khi làm rõ sự thật từ những văn bản còn lưu lại và nhưng tài liệu được phục hồi trong máy tính, đã kết luận đây là "sai phạm nghiêm trọng". Cái sai thứ hai của ông Ngà là cho phép nhà thầu S và T tự bổ sung - hoàn toàn trái thẩm quyền và vi phạm quy chế đấu thầu.

Những cái sai trên của ông Ngà đều có liên quan trực tiếp đến ông Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Nhậm, nhất là chuyện kiến nghị loại bỏ tổ hợp T để cho tổ hợp S trúng thầu. Chính ông Nhậm cũng đã ký hai văn bản hợp thức hóa những thay đổi của tổ hợp S. Văn bản thứ nhất ông Nhậm đồng ý cho tổ hợp S thay nhà thầu Mỹ bằng nhà thầu Hà Lan; văn bản thứ hai phê duyệt những điểm sửa đổi, bổ sung hồ sơ mời thầu gói thầu số 1, trị giá trên 700 triệu USD.

Điều hết sức kỳ lạ là trong cả hai văn bản này, ông Nhậm đều ký gửi cho chính mình: người ký là uỷ viên HĐQT Nguyễn Xuân Nhậm kính gửi tổng giám đốc Nguyễn Xuân Nhậm hoàn toàn không thông qua HĐQT. Trong khi những việc thay đổi này, theo quy chế đấu thầu, và theo quy chế đặc cách cho công trình này, đều phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng.

Đến khi dư luận xôn xao và các cơ quan chức năng vào cuộc thì mới té ngửa, tổ hợp S mới thật sự là người trúng thầu. Thủ tướng đã ra văn bản  không công nhận kết quả chấm thầu do ông Nhậm và ông Ngà đạo diễn. Tổ hợp S bị loại và tổ hợp T đã đựoc mời thương thảo ký hợp đồng xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Dự án quá chậm lại càng chậm hơn, và đằng sau còn nhiều dấu hỏi chưa trả lời được: vì sao người trúng thầu thành người trượt, người trượt thành trúng? Liệu có tham nhũng, hối lộ không?

Một vị lãnh đạo đương chức Petro Việt Nam nói theo theo lôgic của vấn đề thì phải có tiêu cực người ta mới ưu ái cho nhau như thế, nhưng cái khó là phải tìm ra chứng cứ cụ thể. Việc xử lý kỷ luật về mặt Đảng và cách chức tổng giám đốc, phó tổng giám đốc chỉ mới căn cứ vào các sai phạm rành rành trên các văn bản mà các vị này đã ký. Còn có tiêu cực hay không, còn phải chờ cơ quan điều tra làm rõ.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xe buýt mới chất lượng cao bị ''liệt'' (12/05/2003)
Vì sao một số lãnh đạo Petro Việt Nam bị cách chức? (12/05/2003)
Thêm một Công ty chứng khoán ra đời (12/05/2003)
Áo mưa đã vào mùa (12/05/2003)
Hạn ngạch dệt may sang Mỹ sẽ tính cả lượng hàng xuất từ 1/5 (12/05/2003)
182 chương trình xúc tiến thương mại, 235 tỷ đồng (12/05/2003)
Vietnam Airlines giảm 28-75% giá vé cho các thị trường trọng điểm (11/05/2003)
Trả 1 USD để được ở khách sạn năm sao (11/05/2003)
Quảng Ngãi thiếu lúa giống vì SARS (11/05/2003)
USDA dự báo sản lượng gạo Việt Nam 2003 (10/05/2003)
TP.HCM sẽ thành lập công ty chuyên định giá và bán đấu giá (10/05/2003)
Chỉ 1/3 lò giết mổ lợn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu (10/05/2003)
Giá vàng thế giới tăng vọt (10/05/2003)
Chỉ lập hải quan ngoài cửa khẩu khi hàng hóa bị ách tắc (10/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang