|
Bibica đã khá quen thuộc với đông đảo người tiêu dùng. |
(VietNamNet) - Sau 3 lần ''lỗi hẹn'', ngày 23/5, Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa (BIBICA) đã công bố Báo cáo tài chính năm 2002 (đã kiểm toán), đồng thời kèm theo văn bản giải trình. Báo cáo tài chính cho thấy, cả năm 2002 Bibica lỗ 5,4 tỷ đồng, trong khi báo cáo tài chính 3 quý đầu năm rất khả quan, lãi 4,1 tỷ đồng.
Theo báo cáo này, doanh số năm 2002 của Bibica đạt 216,0 tỷ đồng, tăng 29,3 tỷ (15,71%) so với năm trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận lại bị âm 5,4 tỷ, ngược dấu với con số lãi hơn 5,7 tỷ của năm 2001.
Gánh nặng dồn về cuối năm
Về việc ''lãi 3 quý, lỗ cả năm'', Công ty Bibica giải trình là do ''thực tế quý IV/2002 gánh rất nặng toàn bộ chi phí của các kỳ trước''. Cụ thể, Nhà máy Bánh kẹo Biên Hòa II mới đưa vào hoạt động cuối quý II/2002 do nhân sự và tổ chức hoàn toàn mới nên chưa ghi nhận đầy đủ chi phí sản xuất trong kỳ, dẫn đến giá vốn hàng bán trong kỳ của công ty thấp, nhưng khi kết toán hết vào cuối năm lại tăng cao. Giá vốn hàng bán của cả năm 2002 là 168,2 tỷ, cao hơn 30 tỷ so với năm 2001.
Ngoài ra, gánh nặng chi phí dồn vào cuối năm còn do một số chi phí bán hàng lớn, đặc biệt chi phí ở mùa Trung thu kết chuyển ở quý IV/2002. Hàng tồn kho được đánh giá theo phương pháp bình quân quý nên cũng có sai lệch khi tính lại bình quân năm. Các dự án đầu tư chưa được quyết toán do đó một số chi phí nguyên nhiên vật liệu chạy thử chưa được bóc tách nằm trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang, dẫn đến giá thành sản xuất trong kỳ thấp.
Lỗ do chi phí tăng cao
Về nguyên nhân làm cho kết quả năm 2002 không tốt, Công ty Bibica giải trình chủ yếu do ''chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng so với năm trước''. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất là giá đường (từ 4.500 đồng/kg lên 5.500 đồng/kg), bột mì (từ 2.700 đồng/kg lên 3.500 đồng/kg), giá tinh bột sắn để sản xuất nha (từ 2.000 đồng/kg lên 2.650 đồng/kg). Chi phí bao bì nhựa tăng, nguyên liệu, phụ gia nhập khẩu tăng do tỷ giá. Bình quân tổng chi phí nguyên vật liệu làm tăng giá thành khoảng 1%. Chi phí vận chuyển, năng lượng tăng do giá xăng dầu tăng.
Trong năm qua, tình hình cạnh tranh rất gay gắt đặc biệt về giá. Để giữ được thị phần trong năm, Công ty đã thực hiện nhiều chính sách để cạnh tranh trực diện với các đơn vị cùng ngành. Chẳng hạn như tăng 30% trọng lượng sản phẩm snack theo các đơn vị khác trong khi vẫn phải giữ giá bán như cũ. Sản xuất dòng kẹo xốp có giá cạnh tranh với sản phẩm mạnh nhất của Hải Hà (giá thấp hơn sản phẩm kẹo truyền thống khoảng 20%). Trong khi đó, một số sản phẩm bánh kẹo truyền thống hiệu quả không còn cao nhưng bắt buộc phải duy trì để đảm bảo mục tiêu thị trường. Ngoài ra, Công ty còn phải tăng chi phí hỗ trợ cho kênh phân phối thông qua các đợt trưng bày, chiết khấu thưởng, khuyến mãi, hỗ trợ vận chuyển; mở rộng hệ thống phân phối ra cả nước, tăng cường lực lượng bán hàng ở các khu vực...
Năm 2002 cũng là năm công ty tập trung triển khai nhiều dự án đầu tư nhằm tạo cơ sở cho bước phát triển lâu dài. Tuy nhiên các dự án này cần có thời gian mới phát huy hiệu quả: Các dự án mới đầu tư bánh Trung Thu, bánh Bông lan kem, Chocolate vừa đưa vào hoạt động, sản phẩm trong giai đoạn thâm nhập thị trường nên mức công suất huy động còn thấp (30-50%), trong khi chi phí sản xuất thời gian đầu cao do hiệu chỉnh, ổn định công nghệ. Dự án nhà máy Bánh kẹo Biên Hòa II triển khai lắp đặt đến tháng 4/2002 mới đưa vào hoạt động, dây chuyền được tháo di dời trong giai đoạn này đã làm giảm năng lực sản xuất chung của công ty. Mặt khác cùng với việc mở rộng quy mô, chi phí quản lý cũng tăng theo.
Công ty Bibica cho biết, chi phí tiền lương năm 2002 tăng hơn 4 tỷ đồng và cao hơn tỷ lệ tăng doanh số so với năm 2001 do lực lượng lao động tăng theo các dự án và một số sản phẩm yêu cầu thủ công nhiều trong khâu hoàn tất snack, chocolate.
Có sai phạm đã xẩy ra?
Bibica đã ''nhận lỗi'' trong văn bản giải trình: ''Công ty nhận trách nhiệm của mình trong quản lý điều hành còn nhiều mặt hạn chế để kết quả trong năm vừa qua không được tốt đẹp như kế hoạch đề ra cũng như mong muốn của các cổ đông, các nhà đầu tư. Công ty nhìn nhận nhược điểm lớn nhất trong thời gian qua là hệ thống quản trị tài chính kế toán còn yếu, không cập nhật và phản ánh kịp thời tình hình tài chính dẫn đến sai sót khi tổng hợp cuối năm''.
Tuy nhiên, theo một số nhà đầu tư, báo cáo tài chính và giải trình vừa công bố của Bibica chỉ mới thể hiện được phần nổi của ''tảng băng chìm''? Trong 5 tháng gần đây, một số thành viên nòng cốt trong Hội đồng quản trị (HĐQT) của Bibica đã bán một lượng lớn cổ phiếu, điển hình là trường hợp ông Lâm Vĩnh. Điều này không thể tránh được nghi vấn của nhà đầu tư cho rằng, thành viên HĐQT bán cổ phiếu này là do nắm rõ tình hình làm ăn kém hiệu quả? Rồi việc Kế toán trưởng Bibica xin nghỉ việc ( từ ngày 7/3/2003) có liên quan gì đến việc chậm quyết toán và liệu có gian lận tài chính xẩy ra hay không?
Đoạn cuối văn bản giải trình đã ''động viên'' cổ đông và nhà đầu tư: ''Công ty vẫn hoạt động ổn định và tăng trưởng trong các tháng đầu năm 2003. Chúng tôi tin rằng trong thời gian tới công ty sẽ có những bước phát triển mới và đạt hiệu quả cao như mong đợi''. Nhưng hiện nay, Công ty vẫn chưa có báo cáo tài chính quý I/2003 và liệu lời ''động viên'' này có giống như những con số khả quan 3 quý đầu năm 2002 hay không thì còn chờ câu trả lời bằng con số thực, thuyết phục.
|