|
Cá tra, basa Việt Nam hết đường sang Mỹ? | (VietNamNet) - Đó là ý kiến của TS. Bùi Kiến Thành, Chuyên gia kinh tế cao cấp Công ty Tư vấn Phát triển đầu tư thương mại Mỹ, trụ sở tại Việt Nam. Trao đổi với VietNamNet, ông nói: "Cuộc chiến cá tra, cá basa không phải là chính sách đối ngoại của Mỹ, mà liên quan đến quyền lợi kinh tế của một số người. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đánh thuế cao chính là do chế độ phổ thông đầu phiếu của Mỹ quy định, nếu xử Việt Nam thắng thì chính giới Mỹ có nhiều người bị mất phiếu bầu".
- Thưa ông, vậy thì gần như Việt Nam đã thua trong vụ kiện cá tra, basa với Mỹ?
- Chưa hẳn. Bởi vì đến 31/7, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) mới có phán quyết cuối cùng. Còn nước còn tát. Từ nay tới thời điểm đó, chúng ta phải có đối sách hợp lý để đối phó.
- Đó là đối sách gì vậy?
- Thương lượng. Theo tôi, đây là cái mà chúng ta đã thiếu, kể từ khi vụ kiện cá tra, cá basa bắt đầu từ năm 2002. Đối với Hoa Kỳ, chúng ta không thể thuê luật sư để kiện tụng. Như tôi đã nói, nước này bầu cử theo chế bộ phổ thông đầu phiếu. Vì vậy, để có thêm một phiếu bầu cử, họ sẵn sàng đi ngược lại những quy định của luật pháp quốc tế. Chúng ta phải thuê lobby (vận động hành lang) nhằm thương lượng và thực hiện việc gây sức ép để hai bên cùng có lợi.
- Ông có thể nói rõ hơn?
- Các nước châu Âu, Nhật Bản đã giành được thị trường ôtô, sắt, thép của Mỹ nhờ thuê các lobby. Một mặt, lobby cam kết giới hạn vấn đề xuất khẩu sang Mỹ, hứa dành thời gian cho các ngành công nghiệp ôtô, sắt, thép của Mỹ hiện đại hoá, mặt khác, họ tác động trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ, làm cho Mỹ không thể ngăn các mặt hàng trên.
- Vậy, chi phí thuê lobby có lớn?
- Không ăn thua gì so với thiệt hại khoảng 20 triệu USD từ việc Mỹ nâng mức thuế chống bán phá giá đánh vào sản phẩm cá tra, basa đông lạnh.
- Ngoài lobby, chúng ta còn có cách nào khác không?
- Không còn phương pháp nào khác để thay đổi cục diện, dù chúng ta có bỏ ra 10 triệu USD để thuê luật sư, vì không tổng thống, bộ trưởng nào dám chống lại chế độ phổ thông đầu phiếu. Trước đây, Mỹ đã từng đánh thuế sắt, thép 30% của châu Âu khi vào thị trường Mỹ, dù điều này hoàn toàn trái ngược luật pháp quốc tế, trái với công ước hai bên đã ký.
- Hiện nay chúng ta đang bàn đến việc tìm kiếm các thị trường thay thế và chuyển sang nuôi con khác?
- Đó cũng là một cách. Nhưng theo tôi, các DN Việt Nam cứ thế mà làm, không nên bày tỏ thái độ gì nữa vì mọi chuyện gần như kết thúc. Chúng ta đã xây dựng các thị trường ở châu Âu, Nhật Bản, Hongkong, Trung Quốc... thì ngay bây giờ, phải bắt tay đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường này. Còn nếu tiếp tục xuất vào thị trường Mỹ, phải chú ý bảo vệ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, như tôm đông lạnh, cá đông lạnh... Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng này lớn hàng chục lần so với cá basa.
- Nhưng còn đời sống của hàng trăm nghìn hộ nuôi cá tra, basa tại ĐBSCL?
- Theo tôi, một mặt, Chính phủ phải có những chính sách hỗ trợ; mặt khác, kêu gọi các DN Mỹ, các tổ chức, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng châu Á... vào thị sát, trao đổi thương mại, đầu tư và "thiết kế" viện trợ thiệt hại cho người dân.
|