|
Luật TM loại trừ ngân hàng khỏi hành vi thương mại. |
(VietNamNet) - Sau 5 năm thực hiện, Luật Thương mại (TM) đã thể hiện có nhiều thiếu sót, hạn chế, và chưa đáp ứng được đòi hỏi của DN. Chẳng hạn, những quy định về hành vi thương mại chỉ gói gọn trong 14 điều không chỉ cản trở lớn đến đa dạng hoá các hoạt động thương mại mà còn đi ngược lại những tiêu chuẩn thương mại quốc tế.
Trước khi Luật TM 1997 ra đời, các hoạt động TM ở nước ta chỉ do các Nghị định của Chính phủ và các bộ, ngành ban hành. Các quy định này nằm rải rác trong nhiều văn bản nên hiệu quả điều chỉnh cũng như khả năng phối hợp rất kém, kìm hãm nền kinh tế thị trường đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam.
Sau khi có hiệu lực ngày 1/1/1998, Luật TM đã thể hiện nhiều ưu điểm hơn song cũng có nhiều yếu kém mà đến nay vẫn ''yên chỗ'' trong luật dù tác dụng của chúng là ''zero''. Nhiều người đã thẳng thắn nhận xét Luật TM chưa phải là luật dành cho các DN.
Luật TM tạo hành lang pháp lý thoáng hơn
Luật TM đã khuyến khích mở rộng quyền kinh danh TM, thúc đẩy rộng rãi các hoạt động TM và tạo điều kiện đa dạng hoá các loại hình kinh doanh. Bên cạnh những quy định về hoạt động TM của thương nhân Việt Nam, còn có những quy định về quan hệ TM nước ngoài nên những hoạt động giao lưu hàng hoá đã nhộn nhịp hơn trước. Đồng thời, sự tương thích giữa pháp luật TM Việt Nam với pháp luật và các tập quán TM quốc tế cũng được nâng lên đáng kể.
Luật TM quy định một cách có hệ thống về các hoạt động TM hàng hoá, đại diện, môi giới, uỷ thác, gia công, đấu giá; các dịch vụ và hoạt động xúc tiến TM. Nhờ điều này mà thương nhân có thể thoải mái hoạt động trong một hành lang pháp lý an toàn và thông thoáng hơn. Ví dụ như Nghị định số 57 quy định chi tiết thi hành Luật TM về hoạt động Xuất nhập khẩu (XNK), gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài đã tạo sự đột phá trong hoạt động XNK.
Được xây dựng theo những tiêu chí của TM hiện đại nên Luật TM cũng quy định cả quyền kinh doanh của thương nhân nước ngoài cũng như những nguyên tắc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hay ký kết. Luật TM đã được thiết kế theo ''luật chơi chung'' của quốc tế nên sở hữu nhiều cơ sở quan trọng để Việt Nam thích ứng với ''cuộc chơi'' quốc tế.
Song... vẫn nhiều quy định bị vô hiệu
Mặc dù Luật TM đã dành hẳn 7 điều (từ Điều 10 đến Điều 16) để quy định về chính sách TM, bao gồm chính sách đối với HTX, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế... nhưng hiệu quả không lớn bởi lẽ đã không phân định được chính sách và pháp luật. Thay vì đưa ra những quy định cụ thể thì Luật TM mới chỉ đưa ra những định hướng chung chung, không có tính bắt buộc về mặt pháp lý.
Một nội dung nữa trong Luật TM bị chỉ trích nhiều là đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật. Việc Luật TM chỉ đưa ra 14 hành vi thương mại là không đủ, nhất là trong điều kiện của kinh tế thị trường và môi trường kinh tế quốc tế. Theo nhiều chuyên gia, vướng mắc lớn nhất hiện nay là khái niệm thương mại được hiểu theo Luật TM Việt Nam là thương mại theo nghĩa hẹp, trong khi đó, các chế định quốc tế và pháp luật các nước hiểu thương mại theo nghĩa rộng. Bà Helle Weeke, chuyên viên của dự án Star Việt Nam, đánh giá: '' Khái niệm thương mại quá hẹp được quy định tại Luật Thương mại chỉ đề cập tới 14 hành vi, trong đó không bao gồm đầu tư, ngân hàng, xây dựng... điều này trái với các tiêu chuẩn quốc tế''.
Một số quy định của Luật Thương mại gần như không còn hiệu lực. Những quy định về đăng ký kinh doanh, quảng cáo... bị vô hiệu hoá bởi những quy định của Luật Doanh nghiệp và Pháp lệnh về quảng cáo. Ngay cả Bộ Thương mại cũng chưa biết chính xác là có bao nhiêu quy định của Luật Thương mại hiện ''có cũng như không''. Những quy định liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế cũng đã có phần ''lạc hậu''. Trong bối cảnh Việt Nam đã ký BTA với Mỹ và đang đàm phán gia nhập WTO, thì theo nhiều chuyên gia nước ngoài, Luật TM cần nhanh chóng sửa đổi nhiều điều khoản, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ.
|