Thách thức đối với doanh nghiệp Iraq thời hậu chiến
08:57' 09/07/2003 (GMT+7)

Dân chúng Iraq vẫn còn bị chiến tranh ám ảnh.

Tiến sĩ Fayez Rhene Aziz là Giám đốc điều hành Công ty Dầu thực vật Iraq. Ông chỉ đạo mọi công việc từ một văn phòng tạm thời rất lộn xộn ở Baghdad. Trụ sở trước kia của công ty đã bị cướp bóc, phá hoại chẳng bao lâu sau khi xe tăng Mỹ tiến vào thành phố. Sau 13 năm Iraq bị cấm vận, Tiến sĩ Aziz, vốn đã quen với việc điều hành trong những hoàn cảnh khó khăn, cũng phải thốt lên đây là bầu không khí tồi tệ nhất từ trước tới giờ.

Ai cũng có thể thấy điều đó ngay khi đặt chân tới văn phòng. Bên ngoài là một bức tường có khảm hình Saddam Hussein, trong tư thế đang cầm điện thoại. Bức tranh bị bôi nhọ - ai đó đã vẽ thêm răng nanh vào miệng của ông cựu tổng thống.

Chưa ''yên cư lạc nghiệp''

Tiến sĩ Aziz cho biết, giờ đây hoạt động của công ty chỉ đạt dưới 20% công suất. Nỗi lo lớn nhất trước mắt là mất điện và tình trạng không luật pháp. Rất khó làm việc khi mà ngày nào cũng mất điện vài giờ đồng hồ, mà lại không hề được báo trước điện sẽ mất vào lúc nào.

An ninh cũng là một mối lo lớn. Một số nhà máy của công ty đã bị hư hỏng do những đợt ném bom trong cuộc chiến. Rồi khi chiến tranh kết thúc thì lại đến các nhóm có vũ trang đột nhập cướp bóc. Nhưng, không giống với nhiều doanh nghiệp khác ở Iraq, công ty dầu thực vật này vẫn hoạt động tạm được. Tiến sĩ Aziz, như nhiều người dân Iraq, chỉ trích chính quyền liên quân. Ông không hiểu nổi tại sao những dịch vụ cơ bản như điện, nước vẫn gặp trục trặc khi mà chiến tranh đã qua khá lâu. Ông không thích sự hiện diện của xe tăng Mỹ trên đường phố, và buồn là liên quân đã không đem lại được an ninh thường nhật.

Thời Saddam, chính phủ sở hữu hầu hết các ngành kinh doanh chính, nhưng doanh nghiệp vẫn thường được tự quyết công việc hàng ngày. Các nhà quản lý cũng có quyền đó, miễn là họ tránh xa chính trị. Tiến sĩ Aziz cho biết ông đã quen tự đưa ra các quyết định, nhưng ông vẫn phải làm việc trong khuôn khổ nhà nước quy định. Chính phủ cũng bao cấp và cung cấp các hình thức hỗ trợ khác, mặc dù những khoản này bị giảm trong những năm tháng khó khăn ở thập niên 1990, do Iraq bị cấm vận.

Kinh tế thị trường - vừa mừng vừa lo

Tiến sĩ Aziz thấy rằng dự định của chính quyền liên quân chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ vừa đáng mừng vừa đáng lo.

Ông thích được tự mình làm chủ, và cho rằng công ty của ông có thể thành công lớn nếu có được đối tác nước ngoài cung cấp vốn và công nghệ. Nhưng ông cũng phải lo những việc khác như tiếp thị hay quản lý nhân sự để có thể sống sót trong nền kinh tế thị trường. Có vài điều làm Aziz ngạc nhiên. Trong thời hậu Saddam này, nhân viên của ông không sẵn lòng làm theo yêu cầu như trước. Trước kia họ từng như thế, nhưng giờ đây họ luôn muốn nói về quyền lợi của mình, và thương lượng các vấn đề như lương và lương hưu.

Tiến sĩ Aziz nhấn mạnh mọi thứ đều bấp bênh. Dưới chế độ cũ, cuộc sống khó khăn, nhưng ít nhất còn đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Và ông cảm thấy không có gì đảm bảo là mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, xét về lâu dài. Đúng ra ông và công ty sẽ có một tương lai tươi sáng hơn trong nền kinh tế thị trường. Nhưng Aziz nói, có quá nhiều vấn đề trước mắt đến nỗi đôi khi ông cảm thấy rất khó đối phó, và mất đi cái nhìn toàn cảnh.

Aziz cho biết ông được đào tạo tại Đông Đức cũ. Giống nhiều nhà quản lý Iraq cùng thời, ông thích nghĩ về mình như là một chuyên viên kĩ thuật có khả năng quyết định đúng đắn. Nhưng sau cả đời phải làm theo các hướng dẫn từ cấp trên, ông thấy rất khó làm việc trong một môi trường thiếu sự chỉ đạo của Chính phủ. Ông không ngại sự thay đổi, nhưng muốn biết các quy định mới là gì. Hơn tất cả, ông không thích sự hỗn độn, và trong lúc này, ông không biết đến bao giờ, và bằng cách nào tình trạng bất ổn hiện nay mới tới hồi kết thúc. Hẳn là nhiều người Iraq khác cũng cảm thấy như vậy. 

(Quang Phát - Theo BBC)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
IDG thành lập chi nhánh tại Việt Nam (09/07/2003)
Ngày 11/7, Cục Đầu tư trực tiếp nước ngoài đi vào hoạt động (09/07/2003)
Cá chim trắng, không phải Piranhas (08/07/2003)
Xuất khẩu công nghiệp Hà Nội tăng gần 30% (08/07/2003)
Thực phẩm Việt Nam vào Mỹ bị từ chối gia tăng (08/07/2003)
Một nông dân ở Bến Tre được cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (08/07/2003)
Thị trường huy chương và cúp: 10 triệu USD bị bỏ ngỏ (08/07/2003)
''VCB là đại lý tốt nhất về thanh toán SWIFT'' (08/07/2003)
Thương hiệu phải đi đôi với sản phẩm cạnh tranh (08/07/2003)
EU công nhận thêm 4 vùng nhuyễn thể an toàn (08/07/2003)
Hội An sẽ đón 5.000 khách theo tour ''Hành trình về miền Trung'' (08/07/2003)
Đà Nẵng thưởng xuất khẩu năm 2002 cho 11 DN (08/07/2003)
Sắp khởi công Khu liên hiệp sản xuất - lắp ráp ôtô (08/07/2003)
Lấy biểu tượng bông sen làm tiêu chuẩn chất lượng du lịch (08/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang