Nghịch lý chuyện lãi suất
15:55' 07/08/2003 (GMT+7)

Việc tăng lãi suất huy động thời gian qua không phải do khan hiến vốn VND.

Có một nghịch lý trong thời gian qua là sự dịch chuyển ngược chiều giữa lãi suất VNĐ và lãi suất quốc tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất chỉ đạo xuống còn 1% đã kéo theo hiệu ứng đô-mi-nô đến nhiều nước. Trong khi đó lãi suất VNĐ vẫn ở mức tương đối cao so với lãi suất quốc tế với khung cảnh lạm phát không có sự khác biệt đáng kể.

Lãi suất VNĐ cao không kích thích dòng vốn chảy mạnh vào Việt Nam nhưng lại làm đau đầu các nhà chính sách. Câu hỏi đặt ra là sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như thế nào để điều tiết thị trường, hạn chế những cú sốc hay tính bất ổn của thị trường?

Tại sao có sự gia tăng lãi suất "thất thường"?

Có thể thấy tham vọng tiềm ẩn hoặc lộ diện của một số ngân hàng muốn mở rộng quy mô tổng tài sản và trở thành ngân hàng có tài sản lớn nhất ở Việt Nam. Lãi suất là công cụ hữu ích để các ngân hàng sử dụng nhằm thực hiện được mục đích đó. Cuộc cạnh tranh này kéo theo các ngân hàng "không chịu nhún nhường" hay "không chịu thua chị kém em" vào cuộc. Kết quả là các ngân hàng nối đuôi nhau tăng lãi suất và tất nhiên ngân hàng sau sẽ điều chỉnh lãi suất cao hơn hoặc thậm chí phải bằng mức lãi suất của ngân hàng đi trước đó.

Sự minh bạch, uy tín của chính sách tiền tệ là rất cần thiết. Có như vậy mọi hành động của NHNN sẽ là tín hiệu cho các ngân hàng điều chính linh hoạt, phu hợp với thị trường và tránh gây được cú sốc cũng như hạn chế được tính trễ của chính sách tiền tệ. NHNN có thể có báo cáo định kỳ đánh giá tương quan cung-cầu vốn, diễn biến lãi suất và tình hình kinh tế cũng như những ngụ ý trong điều hành chính sách tiền tệ có thể công bố được. Qua đó các ngân hàng sẽ biết được xu hướng mà có đối sách phù hợp chứ không mang tính đơn lẻ, thiếu định hướng và tính liên kết kém của thị trường rõ ràng như hiện nay.

Các ngân hàng phải sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư trung dài hạn. Nhưng do nguồn vốn trung dài hạn tương đối mỏng so với nhu cầu đầu tư dẫn đến rủi ro thanh khoản tiềm ẩn. Lo sợ không đủ nguồn vốn trung - dài hạn để đáp ứng những dự án trong tương lai cũng làm các ngân hàng đồng loạt huy động nguồn vốn trung hạn 2-5 năm với mức lãi suất nhảy vọt. Trong khi đó các NHTM cổ phần biết được vị trí của mình trên thị trường nên cũng phải đẩy lãi suất lên ngang bằng hoặc cao hơn các NHTM quốc doanh. Những nhân tố nêu trên đã tổng hoà đẩy lãi suất lên cao.

Chi phí đè nặng lên doanh nghiệp

Việc tăng lãi suất huy động khuyến khích công chúng gửi tiền vào ngân hàng và cũng đem lại lợi tức cao hơn cho các doanh nghiệp có nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi hoặc muốn đa dạng hoá nguồn đầu tư (mức lợi tức 8-8,5%/năm không phải là nhỏ). Tuy nhiên, mặt trái của nó tác động đến nền kinh tế đang được chú ý, đề cập. Lãi suất huy động tăng cao buộc các ngân hàng phải đẩy cao hơn lãi suất cho vay để đảm bảo duy trì lợi nhuận. Chi phí lại đè nặng hơn đến doanh nghiệp.

Mặt khác, lãi suất tăng khiến các doanh nghiệp có thể trì hoãn mở rộng sản xuất theo kế hoạch. Kết quả, nền kinh tế bị tác động. Hậu quả khác có thể tiềm ẩn phát sinh. Lãi suất vay VNĐ cao trong khi lãi suất USD ở mức thấp, tỷ giá ổn định khiến nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang vay USD. Vay USD tăng lên đồng nghĩa với việc tăng đô la hoá tiền vay và rủi ro có thể xuất hiện tác động mạnh đến hiệu quả của doanh nghiệp khi tỷ giá biến động mạnh. Và đây cũng không phải là vấn đề được mong đợi xảy ra do nó sẽ tác động không nhỏ đến điều hành chính sách tiền tệ.

NHNN chưa kiểm soát được lãi suất

Hiện nay NHNN chỉ sử dụng lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất trên thị trường mở kết hợp với các công cụ khác để điều tiết chính sách tiền tệ. Lãi suất cơ bản chỉ là lãi suất tham khảo. Lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn chưa phản ánh hết lãi suất thị trường mà bản chất của nó chỉ thể hiện diễn biến lãi suất ngắn hạn, đặc biệt là những khoản vay nóng của các ngân hàng khi thiếu hụt thanh khoản thì mới phát huy tác dụng. Nó không được điều chỉnh theo lãi suất thị trường nên các ngân hàng khó có thể nhìn nó để ấn định lãi suất cho phù hợp.

Trong khi đó, lãi suất giao dịch trên thị trường mở chủ yếu là cho kỳ hạn ngắn và đôi khi lãi suất của nó có phần quá cứng nhắc. Bản chất của việc tăng lãi suất trong thời gian qua không phải là do khan hiếm vốn VNĐ như trước đây đã xảy ra, do đó công cụ này cũng không phát huy tác dụng hạn chế làn sóng tăng lãi suất bất thường của các NHTM.

Hiện nay cơ sở để các NHTM xác định lãi suất huy động là dựa vào các nhân tố là lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng, lãi suất của các đối thủ cũng như lượng vốn cần huy động.

Lấy lãi suất cơ bản làm điểm chuẩn?

Hạn chế ngay cú sốc hay sự bất ổn của thị trường là bài toán rất khó trong việc điều hành chính sách tiền tệ vì các ngân hàng vẫn lấy chính sách giá làm trọng trong chiến lược kinh doanh của mình và chính sách tiền tệ luôn có độ trễ. Giải pháp trước mắt có thể bị cho rằng là bất hợp lý, đi ngược quá trình tự do hoá tài chính nhưng được xem là hữu hiệu, đó là cần buộc các ngân hàng phải sử dụng lãi suất cơ bản làm điểm chuẩn cộng với biên độ tối đa cho phép để xác định lãi suất cho vay.

Giải pháp này cũng mang tính hành chính hay kiềm chế tài chính mà các ngân hàng sẽ khó tiếp nhận do đã "quen" với việc tự do ấn định lãi suất theo ý riêng mình. Nhưng để biện pháp này sát với thực tế mà các ngân hàng có thể chấp nhận đòi hỏi NHNN phải xây dựng được lãi suất cơ bản linh hoạt theo lãi suất thị trường và phản ánh trung thực hơn thông qua việc xây dựng giá (lãi suất) dựa theo thu nhập-chi phí từ các tài sản chịu lãi của các NHTM. Qua đó, trong thời gian dài các ngân hàng sẽ đón nhận lãi suất cơ bản như là tâm điểm để họ điều chỉnh lãi suất cho hợp lý và họ cảm thấy cần thiết đến nó trong hoạt động.

Thị trường vốn cần phải được phát triển nhằm tạo ra lãi suất thị trường. Các kỳ hạn dài của trái phiếu trên 5 năm đến 30 năm vẫn chưa được giao dịch. Có thể thời gian đầu các ngân hàng sẽ không tham gia do kỳ hạn quá dài và nguồn vốn để đầu tư không có sẵn, nhưng nó sẽ là cơ sở để các ngân hàng tham khảo khi ấn định lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, cho dù không có giao dịch nào được thực hiện nhưng lãi suất của trái phiếu này phải luôn phản ánh trung thực lãi suất của thị trường. Có như vậy, các ngân hàng sẽ điều tiết lại mối quan hệ giữa lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và dài và giữa lãi suất cho vay ngắn hạn với trung dài hạn sao cho hợp lý với lãi suất thị trường. Qua biến động của nó, các ngân hàng sẽ có hành vi thích hợp hơn.

(Theo TBKTVN)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Nhiều dự đoán lãi suất tiền đồng sẽ chững lại
SBV giảm một loạt lãi suất
Ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất huy động tiền đồng
CÁC TIN KHÁC:
"Quan trọng là hoạch định chiến lược xuất khẩu vào Mỹ" (07/08/2003)
''WB hỗ trợ Việt Nam gia nhập WTO dưới bất kỳ hình thức nào'' (07/08/2003)
Hải quan Hoa Kỳ bắt đầu kiểm tra DN dệt may tại TP.HCM (07/08/2003)
Triển lãm hàng Thái Lan tại Hà Nội (07/08/2003)
Thêm 1 "ông lớn" bảo hiểm nhân thọ ngấp nghé thị trường VN (06/08/2003)
Việt Nam xuất khẩu 50.000 tấn gạo sang Cuba (06/08/2003)
"Đường vào WTO mỗi ngày mỗi khó" (06/08/2003)
Khuyến nông qua mạng (06/08/2003)
Chống hàng giả bằng quyền sở hữu công nghiệp (06/08/2003)
TP.HCM cấm kinh doanh nông sản, thực phẩm trên nhiều tuyến đường (06/08/2003)
17.000 USD mua... lối đi chung ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng? (06/08/2003)
Tàng trữ, lưu hành tiền giả và một bản án 21,5 năm tù (06/08/2003)
Giá hạt tiêu tăng cao, nông dân vẫn găm hàng (06/08/2003)
Việt Nam tiếp tục xuất khẩu điện qua Lào (06/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang