Giá điện đang đi 'ngược dòng'!
10:44' 18/08/2003 (GMT+7)
Ngành điện luôn nói lỗ nhưng người tiêu dùng khó tường?

Cơ chế giá điện hiện nay đã tỏ ra nhiều bất cập và việc ngành điện đề nghị tăng giá điện (bắt đầu từ 1/1/2004) dường như đang đi "ngược dòng", ngược với xu thế chung, ảnh hưởng đến đời sống dân chúng và toàn bộ nền kinh tế.

Trước hết, trong khi một số ngành kinh doanh như ngành bưu chính viễn thông cố gắng giảm giá để phục vụ cuộc sống của nhân dân, thì ngành điện lại tiếp tục tăng giá? Đó là chưa nói đến các ngành mà có nhiều thành phần kinh tế tham gia trong nhiều năm nay còn phải ra sức quảng cáo, tiếp thị, giảm giá dưới nhiều hình thức như ''mua 2 tặng 1'', khuyến mãi trúng thưởng, lắp đặt tại nhà vận chuyển tới tận nhà, bán trả góp... Ngay cả tiền là thứ quan trọng như vậy mà ngân hàng ''mua tiền'' của dân cư cũng phải đua nhau đưa ra mức lãi suất với khá nhiều hình thức hấp dẫn!...trong khi đó ngành điện dường như đang đi trái với quy luật.

Thứ hai, ngành điện luôn luôn nói rằng lỗ, nên phải tăng giá điện. Những không có kiểm tra của cơ quan kiểm toán độc lập thì nhà nước cũng khó biết, người tiêu dùng cũng khó tường? Kiểm toán là việc làm bình thường và thường xuyên nhằm đảm bảo tính minh bạch trong cơ chế thị trường.

Thứ ba, điện bán cho nông thôn tuy chỉ thu được 360đ/KWh, nhưng thực tế người dân đã phải trả giá cao hơn nhiều, vì  ngành điện chỉ bán buôn cho hợp tác xã đến công tơ tổng, trong khi theo kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản, giá điện bình quân ở nông thôn mà các bộ phải trả tới 693đ/KWh, ở một số tỉnh còn cao hơn nữa. Nếu ngành điện mở rộng việc bán điện trực tiếp tới từng hộ nông thôn thì nông dân sẽ chỉ phải trả thấp hơn giá hiện nay và ngành điện cũng thu được số tiền nhiều hơn.

Thứ tư, điều kiện giá tiêu dùng đã giảm 5 tháng liền, giải ngân vốn vay còn rất chậm, Nhà nước đang có chủ trương tiếp tục kích cầu, mọi sự tăng giá (nhất là sự tăng giá của một sản phẩm có tác động dây chuyền như điện) đều kích cầu ''ngược'', bởi vì với cùng một lượng tiêu dùng cho chi tiêu, nếu giá điện tăng thì lượng tiền còn lại để chi tiêu cho các loại hàng hoá khác sẽ giảm.

Thứ năm, trong cơ chế thị trường giá bán sản phẩm thông thường tỷ lệ nghịch với sản lượng sản xuất, tức là giá bán sản phẩm tiêu thụ. Nhưng với điện thì tình hình ngược lại. Sản lượng điện phát ra năm 1998 đạt 21,7 tỷ KWh, thì giá bán điện là 703đ/KWh; năm 1999 đạt 23,6 tỷ KWh, năm 2000 đạt 26,7 tỷ KWh thì giá bán điện lại tăng lên 728đ/KWh; năm 2001 đạt 30,6 tỷ KWh, thì giá bán điện tính ra lại tăng lên khoảng 840đ/KWh; năm 2003, nếu tốc độ tăng cả năm đạt được như 7 tháng đầu năm (14,9%) thì cả năm sẽ đạt khoảng 41 tỷ KWh mà tăng giá nữa là không phù hợp, ngay cả lùi việc tăng vào tháng 1/2004.

Thứ sáu, điện hiện nay cũng gần như là mặt hàng duy nhất áp dụng đơn giá luỹ tiến theo xu hướng dùng càng nhiều thì đơn giá càng cao. Đây là điều chưa phù hợp với cơ chế thị trường - cơ chế mà nước ta đã chuyển sang thực hiện từ gần 20 năm nay.

Còn có thể kể ra với nhiều lý do nữa, nhưng chỉ với những lý do đã nêu thì chẳng những không thể tăng mà nên chăng phải xem xét lại để giảm giá điện?

(Theo Thanh Niên)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù cho TP.HCM (18/08/2003)
Cuối tháng 8, đấu giá 3.970m2 đất tại khu đô thị Đền Lừ (18/08/2003)
Hai quan niệm trái ngược nhau về doanh nghiệp (18/08/2003)
Nhà nước bán quyền khai thác cảng cho doanh nghiệp (18/08/2003)
Giá đường tăng 200 đồng/kg (18/08/2003)
Giao dịch nhà đất Hà Nội tăng mạnh (17/08/2003)
Đầu tư khu du lịch: Chủ ăn xổi, khách ở thì! (17/08/2003)
DN trong nước ''bỏ quên'' thị trường nội địa? (17/08/2003)
Đề nghị hoãn thực hiện niêm yết giá thuốc từ 1/10 (16/08/2003)
DN chưa hiểu đúng quy định của cơ quan thuế (16/08/2003)
Kiểm soát chặt dư lượng kháng sinh trong thuỷ sản (16/08/2003)
Tàu ở gần bờ, vốn trôi xa bờ (16/08/2003)
WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giảm nghèo và tiết kiệm điện (16/08/2003)
Đề nghị hoãn thực hiện niêm yết giá thuốc từ 1/10 (16/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang