Mới có 1/5 DN nông nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu
14:55' 20/08/2003 (GMT+7)
Nhiều giống cây đặc sản đang chờ được đăng ký nhãn hiệu hàng hoá.

(VietNamNet) - Phó Cục trưởng Cục Khuyến nông - Khuyến lâm (Bộ NN-PTNT), ông Tống Khiêm, cho biết, qua điều tra 31 tỉnh thành các tỉnh phía Bắc, chưa đầy một nửa các sở NN-PTNT thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ và thương hiệu cho nông sản. Một năm sau ngày Bộ triển khai trên diện rộng việc xây dựng thương hiệu cho hàng hoá nông lâm sản (20/8/2002), đến nay, số DN thực hiện được còn quá ít, tốc độ chậm.

Ông Tống Khiêm cho biết, ở Việt Nam hiện xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, nhưng chủ yếu dưới dạng thô, còn trên 90% lượng hàng xuất ra thế giới phải thông qua trung gian, đội lốt nhãn hiệu hàng hoá nước ngoài. Các mặt hàng nông sản, các loại trái cây nổi tiếng của Việt Nam ít được người tiêu dùng thế giới biết đến. Do vậy, trong khuôn khổ Hội chợ giống cây trồng vật nuôi, diễn ra từ 15 đến 19/8 tại Hà Nội, sáng nay (18/8), Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội thảo Thương hiệu - nhãn hiệu hàng hoá nông sản Việt Nam.

Ông Trần Hữu Nam (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN), cho biết, đến nay, các loại hàng nông sản được đăng ký nhãn hiệu, tên gọi xuất xứ tập trung nhiều vào các giống cây đặc sản nổi tiếng, gắn với từng địa danh cụ thể, như xoài Hoà Lộc, chè Shan Tuyết, chè Mộc Châu... các loại quýt, sầu riêng, nhãn, cam... Hiện tại, có 30 loại hàng hoá nông sản đang chờ được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Kết quả điều tra từ các Sở NN-PTNT 14 tỉnh, thành phía Bắc cho thấy, trong số 173 DNNN hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực nông sản, giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu và thuốc thú y, mới có 37 DN đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, chiếm 21%. Dưới 2% số DN có đăng ký nhãn hiệu hàng hoá với nước ngoài. Riêng các DN thuộc Bộ thì tình hình khả quan hơn. 9/11 tổng công ty (277 DN), tức khoảng 82%, đã đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho 107 mặt hàng khác nhau, với 4 loại đăng ký ở nước ngoài. Hầu hết các DN này đã ý thức được sự cần thiết của việc xây dựng nhãn hiệu hàng hoá.

Ông Lưu Văn Tự, Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thanh Hoá - đơn vị đầu tiên trong ngành giống cả nước được cấp chứng nhận chất lượng ISO 9001:2000, cho biết, việc thực hiện ISO đã mang lại cho công ty hiệu quả thiết thực. Sản phẩm nhờ vậy đứng vững trên thị trường trong tỉnh và xuất sang các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam... và một số tỉnh phía Bắc. Các giống cây bán ra thị trường tăng mạnh, như lúa lai F1 1.200-1.500 tấn, lúa thuần 1.500-1.800 tấn, ngô lai F1 250-300 tấn, khoai tây 400-500 tấn, hạt giống rau các loại 25 tấn, cây ăn quả các loại 50.000-70.000 cây...

Công ty Giống bò sữa Mộc Châu hiện có 10 sản phẩm có nguồn gốc từ sữa. Đến nay, công ty đã đăng ký nhãn hiệu cho 2 mặt hàng là sữa tươi thanh trùng và sữa bánh nguyên chất. Tuy nhiên, theo đại diện công ty, cái khó mà công ty gặp phải là có quá nhiều sản phẩm chế biến và nhiều thành phần tham giá sản xuất sữa, vì thế, việc kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn và nhãn hiệu hàng hoá phức tạp hơn. "Trong khi đó, việc kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào của chúng tôi chặt chẽ, dẫn đến chi phí lớn, nhưng sản phẩm sẽ có chất lượng cao hơn, dẫn đến giá thành phần nào cũng bị ảnh hưởng", vị này nói.

Song, ông Khiêm nhận xét, số lượng các DN đăng ký nhãn hiệu với nước ngoài còn quá ít. Nhiều loại nông sản mang tính bản địa, đặc sản của từng địa phương chưa được chú ý đến. Trong số các Sở NN-PTNT được điều tra, rất ít cán bộ quản lý chú trọng đến công tác này, thậm chí, còn chưa có sự quản lý thống nhất. Khi điều tra để nắm tình hình phải qua rất nhiều người, nhiều khâu, nhiều đầu mối. Hầu hết những hiểu biết về đăng ký nhãn hiệu hàng hoá mới dừng lại là để chống hàng giả. Mặc dù việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hiện đã rất thuận lợi, song, số lượng các DN tham gia đăng ký nhãn hiệu ít đã gây khó khăn cho các cơ quan trong việc giám sát, quản lý.

Đăng ký xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ là cần thiết cho các DN, song, không nhất thiết DN nào, mặt hàng nào cũng phải có. Xây dựng thương hiệu phải đi đôi với hiệu quả kinh doanh. Trước mắt, cần ưu tiên và đi trước một bước đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản, giống cây trồng, mặt hàng mũi nhọn xuất khẩu.

Song, theo lời giám đốc một DN, nhiều khi, chẳng cần qua các DN, người nông dân, khi ý thức được ích lợi từ việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, cũng tự thân vận động. Như trường hợp một nông dân ở Bến Tre đăng ký thương hiệu cho quả sầu riêng sữa cơm vàng hạt lép của mình. Nếu không thay đổi nhận thức, thì mục tiêu 100% DN sản xuất, kinh doanh nông sản mũi nhọn xuất khẩu có nhãn hiệu hàng hoá vào năm 2005, như ngành nông nghiệp đề ra, khó có thể đạt được.

  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tờ 100 EUR giả xuất hiện ở Việt Nam (20/08/2003)
DN TP.HCM đầu tư hơn 130 tỷ đồng tại Nghệ An (20/08/2003)
Tổ chức đoàn DN Việt Nam tham gia hội chợ ở Malaysia (20/08/2003)
''Dịch vụ khách hàng là vũ khí cạnh tranh của DN'' (20/08/2003)
Những lữ hành Caravan tay lái nghịch sắp trở lại Việt Nam (20/08/2003)
Công nghệ thông tin và truyền thông sẽ chiếm 9% GDP? (20/08/2003)
Đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam có thể lên 20 tỷ USD (20/08/2003)
TP.HCM quy hoạch 25 khu công nghiệp tập trung (20/08/2003)
Quy định mức phí cấp phép quảng cáo quá chung chung! (19/08/2003)
Lựa chọn mạng di động nào: GSM, CDMA hay iPAS? (19/08/2003)
VN có 2 doanh nghiệp du lịch sinh thái kiểu mẫu (19/08/2003)
Hải quan Hải Phòng trực tiếp đến DN đòi nợ thuế (19/08/2003)
Diễn đàn thương mại và đầu tư đầu tiên tại Việt Nam (19/08/2003)
TP.HCM bán 200-300 tỷ trái phiếu đô thị cho cá nhân (19/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang