Hà Nội:
5 năm chưa xoá được ''cai thầu'' điện
16:00' 20/08/2003 (GMT+7)

Người dân Hà Nội đến bao giờ mới được dùng điện giá rẻ?

Mục tiêu của đề án điện nông thôn ở Hà Nội là xoá bỏ cai thầu, giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng an toàn điện, đảm bảo giá bán điện đến hộ dân thấp hơn hoặc bằng giá trần quy định... Tuy nhiên, vì  thiếu sự kiểm tra đôn đốc của các cấp chính quyền và sự buông lỏng quản lý của các cơ quan hữu trách nên kết quả đã không đạt được như mong muốn.

Từ "cai thầu" xã chuyển thành "cai thầu" thôn

Chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn trên địa bàn Hà Nội được xây dựng theo nguyên tắc, xoá bỏ cai thầu tư nhân về điện để chuyển sang một pháp nhân kinh tế đảm nhiệm. Tuy nhiên, kết quả thanh tra mới nhất của thành phố Hà Nội được tiến hành tại 25/125 xã thuộc 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Từ Liêm, Thanh Trì cho thấy, mô hình quản lý điện nông thôn hiện chưa được thống nhất theo hình thức HTX dịch vụ điện như chủ trương của thành phố đề ra.

Các xã được đầu tư lưới điện mới nhưng thất thoát điện năng vẫn rất cao, không đúng như mục tiêu các dự án đề ra. Theo báo cáo của các xã, tại huyện Gia Lâm, xã Đông Dư thất thoát điện năng 25%, xã Dương Xá 20,1%, xã Văn Đức 30,3%. Huyện Từ Liêm: Xã Xuân Phương 35,3%, Mễ Trì 21,3%, Đại Mỗ 20,4%. Huyện Sóc Sơn: Thôn Thống Nhất xã Trung Giã 49%, thôn Kim Sơn, xã Hồng Kỳ 48%.

(Trích báo cáo số 890/BC - TTHN ngày 25.7.2003 của Thanh tra thành phố Hà Nội về kết quả kiểm tra công tác quản lý điện nông thôn)

Cụ thể, chỉ có ở 8 trong số 25 xã đã triển khai thực hiện mô hình HTX dịch vụ bán điện trực tiếp đến các hộ dân. Các HTX ở 8 xã này đều mở sổ sách theo dõi thu chi tiền điện và hạch toán hàng năm là là có lãi. Tiêu biểu trong số này là HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Mỗ. HTX này đã thành lập 3 tổ điện, hàng tháng trả lương cho thợ điện, ký hợp đồng bán điện đến từng hộ dân với giá điện sinh hoạt là 670 đồng/kWh, điện phục vụ mục đích khác là 1.100đồng/kWh, đồng thời mở sổ sách hạch toán thu chi, theo dõi đến từng hộ dân. Trong 4 năm, HTX hạch toán lãi 109 triệu đồng.

Còn lại 6/12 xã, hoạt động theo mô hình HTX dịch vụ bán điện cho thôn, thôn bán điện trực tiếp đến hộ dân hoặc thông qua cai thầu bán đến hộ dân. Với mô hình này, HTX có hình thức khoán hoặc tổ chức đấu thầu điện cho cai thầu tại các thôn với giá bán khống chế nhỏ hơn 700 đồng/kWh. Cá biệt, có HTX còn để cho những người có tiền án, tiền sự về tội trộm cắp điện được nhận thầu điện (thôn Kim Trung, xã Kim Lũ và thôn Lương Phúc, xã Việt Long huyện Sóc Sơn). Một số xã còn thực hiện cơ chế bán điện theo 4 cấp: Điện lực bán tới xã, xã bán tới thôn, thôn bán tới xóm, xóm bán tới dân (xã Hồng Kỳ - Sóc Sơn). Ngoài ra, còn tồn tại mô hình cai thầu toàn xã. Đó là trường hợp của xã Kim Chung, huyện Đông Anh. HTX không tham gia quản lý và kinh doanh bán điện mà ký hợp đồng với cai thầu trong thời hạn 5 năm.

Cũng qua công tác kiểm tra, đoàn thanh tra đã phát hiện tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm có 2 hộ tư nhân xây dựng trạm điện từ năm 1996 và 2000 để cấp điện cho thôn. UBND xã đã ký hợp đồng mua điện với chi nhánh điện và giao cho 2 hộ tư nhân quản lý, thu chi tiền. Về sự việc này, UBND huyện Từ Liêm đã báo cáo là không biết và không được UBND xã, chi nhánh điện báo cáo.

Ai quản lý giá bán điện?

Về cơ bản, giá bán điện tại các xã tới các hộ dân phần lớn nhỏ hơn hoặc bằng 700đồng/kWh (dao động từ 610 - 700 đồng/kWh). Tuy nhiên, cũng có một số xã đang bán điện với giá trên 700đồng/kWh như thôn Ái Mộ, Đề Trụ, Quang Trung, Quán Khê (Gia Lâm), thôn Sằn, xã Cổ Loa (Đông Anh), xã Nam Sơn (Sóc Sơn)... Nguyên nhân của tình trạng giá bán điện đến hộ dân cao được đoàn kiểm tra xác định là do mạng lưới điện quá cũ nhưng chưa được đầu tư, các thôn phải mua điện qua các doanh nghiệp hoặc qua các đơn vị quân đội hoặc do bộ máy quản lý quá nhiều người.

Hiện các cơ quan quản lý vẫn chưa kiểm tra được mục đích sử dụng điện của từng đối tượng (điện sản xuất, điện chiếu sáng...) dẫn đến tình trạng tỷ lệ áp giá hợp đồng mua điện với điện lực huyện không chính xác, tạo sơ hở gây thất thoát tiền điện. Thực tế cho thấy, việc thu tiền điện tại một số xã không được lưu giữ đầy đủ hoá đơn, sổ sách. Có xã chỉ hạch toán được phần thu tiền điện theo giá bán đến các cai thầu thôn, không biết việc thu tiền đến từng hộ dân. Thậm chí, có xã không hạch toán mà chỉ theo dõi theo hình thức ghi sổ phần tiền điện nộp cho điện lực... Do vậy đoàn kiểm tra không thể xác định được khoản thu nhập thực tế của HTX và của cai thầu.

Qua kiểm tra, việc xây dựng cơ cấu giá bán điện tại 25 xã đều không thực hiện theo hướng dẫn của UBND các huyện. Do tính tỷ lệ tổn thất điện năng không chính xác, thiếu cơ sở khi tính các yếu tố khác nên việc xây dựng cơ cấu giá còn hình thức, theo cảm tính. Trên thực tế, tại các HTX bán điện trực tiếp đến hộ dân, đơn giá điện sinh hoạt cũng không được căn cứ theo cơ cấu giá đã xây dựng. Còn đối với cai thầu điện (xã, thôn) thì hoàn toàn không xây dựng cơ cấu giá bán điện. Giá điện đang thực hiện được căn cứ vào quy định theo giá trần của Chính phủ do UBND các huyện thông báo, thấy có lãi nên các cai thầu điện chấp nhận thực hiện.

Ông Phạm Trung Sơn, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Nội cho biết, chậm nhất đến tháng 7/2004 các xã phải hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình hợp pháp, phù hợp với quy định chung. Theo đó, Sở Công nghiệp sẽ phối hợp với Công ty điện lực thành phố xây dựng cụ thể mô hình quản lý điện nông thôn để triển khai thống nhất chung tại các huyện ngoại thành, xoá bỏ cai thầu, bán điện trực tiếp đến hộ dân. Đồng thời hoàn thành kế hoạch đầu tư bàn giao hệ thống điện nông thôn cho ngành điện quản lý để bán điện trực tiếp cho người sử dụng theo quy định của Nhà nước.

(Theo Lao Động)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Việt Nam tự sản xuất xăng vào cuối năm nay (20/08/2003)
Chính phủ quyết tâm thực hiện Luật Doanh nghiệp (20/08/2003)
Mới có 1/5 DN nông nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu (20/08/2003)
Tờ 100 EUR giả xuất hiện ở Việt Nam (20/08/2003)
DN TP.HCM đầu tư hơn 130 tỷ đồng tại Nghệ An (20/08/2003)
Tổ chức đoàn DN Việt Nam tham gia hội chợ ở Malaysia (20/08/2003)
''Dịch vụ khách hàng là vũ khí cạnh tranh của DN'' (20/08/2003)
Những lữ hành Caravan tay lái nghịch sắp trở lại Việt Nam (20/08/2003)
Công nghệ thông tin và truyền thông sẽ chiếm 9% GDP? (20/08/2003)
Đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam có thể lên 20 tỷ USD (20/08/2003)
TP.HCM quy hoạch 25 khu công nghiệp tập trung (20/08/2003)
Quy định mức phí cấp phép quảng cáo quá chung chung! (19/08/2003)
Lựa chọn mạng di động nào: GSM, CDMA hay iPAS? (19/08/2003)
VN có 2 doanh nghiệp du lịch sinh thái kiểu mẫu (19/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang