Máy bay ''made in Vietnam'' cất cánh
14:23' 25/08/2003 (GMT+7)
Mô hình máy bay cánh quạt loại nhỏ hai chỗ ngồi.

Hôm qua (24/8), Ban Chỉ đạo đề án ''Máy bay cánh quạt loại nhỏ 2 chỗ ngồi'' ở Việt Nam đã chính thức nhóm họp phiên đầu tiên nhằm xác định lộ trình thực hiện đề án. Theo kế hoạch dự kiến thì tháng 9 tới, chiếc máy bay ''made in Vietnam'' đầu tiên với 20% nội địa hoá sẽ được vận hành thử; tháng 12/2003 sẽ vận hành thử một chiếc khác có tỷ lệ nội địa hoá 70%.

Hai câu trả lời...

Giáo sư Nguyễn Văn Đạo, Hội Cơ học Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo mở đầu phiên họp bằng những thông tin gây phấn chấn: trước khi triển khai đề án, có khá nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh 2 câu hỏi: Liệu Việt Nam có chế tạo được máy bay và làm xong thì ai dùng? Đến nay, sau hơn 4 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ cho phép Hội Cơ học chế tạo thử loại máy bay cánh quạt nhỏ 2 chỗ ngồi (tháng 4/2003), các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu và cả 2 câu hỏi đều có câu trả lời: Việt Nam hoàn toàn có khả năng chế tạo thành công máy bay nhỏ 2 chỗ ngồi có người lái.

Loại máy bay này có thể ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, cứu hộ, cứu nạn, khảo sát, du lịch, phục vụ công tác ít người... ''Chỉ tính nhu cầu mỗi tỉnh, thành vài chiếc thì trong nước đã cần đến hàng trăm chiếc. Tuy nhiên, trong đề án này, ngay từ đầu, chúng tôi đã tính hướng xuất khẩu ra thị trường các nước'' - Giáo sư Đạo nói.

Công nghệ chế tạo được định hướng là nắm vững nguyên lý hoạt động của loại máy bay này, mô phỏng theo một số mẫu và sau đó tự sản xuất các chi tiết, trừ phần động cơ. Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng, Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ mới, Trưởng ban điều hành đề án cho biết, đến nay 70% mục tiêu của đề án này đã được thực hiện, trong đó, đáng lưu ý là đã hoàn thành phần mềm mô phỏng, tính toán thiết kế máy bay, hoàn tất thiết kế 2 kiểu máy bay siêu nhẹ; chuẩn bị nguồn nhân lực chế tạo, điều khiển...

Đồng lòng nâng cánh máy bay ''made in Vietnam''...

Điểm khá đặc biệt của đề án này là không hoàn toàn sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn đầu, mà kết hợp giữa nhiều ''nhà'': khoa học, trường đại học, DN... để cho ra một sản phẩm chế tạo thử. Một số DN như Công ty Hoà Bình, Công ty Đạt Thanh... trực tiếp tham gia ban điều hành và đã sẵn sàng tham gia vào giai đoạn sau thử nghiệm là sản xuất hàng loạt sản phẩm đưa ra thị trường. Ngoài ra, còn phải kể đến một số DN Việt kiều rất tâm huyết với đề án này. Ông Nguyen Sang, Giám đốc NT Enterprise Inc và ông Tim Trung Tran, Giám đốc Asean Telecom Network, không chỉ đặt ra nhiều hy vọng vào tính khả thi của đề án mà còn sẵn sàng tiêu thụ các sản phẩm nếu đạt tiêu chuẩn quốc tế với số lượng đặt hàng đợt đầu tiên là trên 100 chiếc, đồng thời vận động đầu tư cho dự án sản xuất và tiêu thụ máy bay siêu nhỏ (nếu được thành lập) 5 triệu USD...

Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao sự hợp tác, đóng góp của các DN nói chung và các DN Việt kiều nói riêng cho dự án. Ông Nhân cũng cam kết thành phố sẽ hỗ trợ tối đa, huy động các nguồn lực để tham gia đề án này, sẵn sàng ứng trước một phần chi phí trong giai đoạn ban đầu cho dự án...

Không chỉ có các nhà khoa học, DN, chính quyền... mà có cả những cá nhân góp hết sức mình vào đề án. Phạm Duy Long và Phan Bá Trác là 2 thanh niên đầu tiên tham gia khoá huấn luyện lái máy bay nhỏ tại Canada, mà theo giới thiệu của GS. Nguyễn Văn Đạo thì ''họ đã bán cả nhà để tự đi học lái''. Ông Vimar Nguyễn, Giám đốc Công ty Hoà Bình - người dẫn Long và Trác qua học tại Canada, cho biết, tinh thần học tập của 2 thanh niên này đã làm ngạc nhiên bạn bè quốc tế. Cả hai đạt bằng lái với số điểm 98% và họ đã cùng Vimar Nguyễn lắp ráp một chiếc máy bay nhỏ 2 chỗ ngồi dự kiến sẽ vận hành thử tại Việt Nam. Long và Trác có nhiều khả năng sẽ là những người bay thử những chiếc máy bay ''made in Vietnam'' đầu tiên...

Cho đến thời điểm hiện nay, việc cất cánh của những ''con chim sắt made in Vietnam'' vẫn còn ở phía trước. Nhưng với những nỗ lực của các nhà khoa học, DN và sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Nhà nước, vấn đề còn lại chỉ là thời gian, để từ đây mở ra một ngành công nghiệp mới của Việt Nam: sản xuất, chế tạo máy bay.

(Theo Thanh Niên)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thuỷ sản "sạch" - yêu cầu số 1 để vào thị trường EU (25/08/2003)
Việt Nam sở hữu chiếc Boeing đầu tiên (25/08/2003)
Việt Nam sở hữu chiếc Boeing đầu tiên (25/08/2003)
Cơ hội nhận tài trợ không hoàn lại (25/08/2003)
Việt Nam bị động trong nuôi trồng thuỷ sản bền vững (25/08/2003)
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng nhẹ (24/08/2003)
Giá cá tra, basa nội địa quá cao (24/08/2003)
“Sẽ triển khai đấu thầu các tuyến xe buýt mới mở” (24/08/2003)
DN trẻ TP.HCM kiến nghị lập quỹ đầu tư mạo hiểm (23/08/2003)
Giảm 10% giá đất Phú Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng (23/08/2003)
Sẽ có thương hiệu ''Thanh Long Bình Thuận'' (23/08/2003)
Xây dựng khách sạn 5 sao đầu tiên tại Tây Nguyên (23/08/2003)
Khai trương trung tâm bảo hành Cityphone tại Hà Nội (23/08/2003)
Hà Nội điều chỉnh giá đất nông nghiệp nội thành (23/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang