|
Khi mọi thứ đều biến động thì vàng được coi là phương tiện đầu tư an toàn nhất. |
Người ta cho rằng giá vàng tăng do các nhà đầu tư lo lắng về tình hình lạm phát, do bất ổn chính trị ở Iraq, Trung Đông, do một số ngân hàng trung ương các nước mua nhiều vàng hơn... Nhưng có lẽ nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp nhất đẩy giá vàng tăng 29 USD, lên 375 USD/ounce trong mấy tháng qua là các nước đều cố gắng giữ cho đồng tiền của mình yếu.
Đồng tiền của các nước không thể yếu hơn so với nhau khi mà cả thế giới đều tìm cách hạ giá đồng tiền của mình, vì vậy nó buộc phải mất giá so với với những thứ khác. Vàng vừa có tính chất như là tiền tệ vừa là tài sản nên nó là đối tượng tuyệt vời: vàng không phải là tiền giấy nên khi tiền tệ giảm giá, nó lại trở thành một loại tiền vô cùng quan trọng.
Trước tiên chúng ta hãy xem xét đồng USD. Gần một nửa số người được hỏi trong một cuộc điều tra gần đây cho rằng USD bị lên giá trong khi chỉ có 14% cho rằng USD mất giá (quan điểm mà hầu hết các nhà kinh tế hoàn toàn đồng ý). Nhưng một đồng USD yếu không phải điều mà các nước trên thế giới muốn, do họ đều phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu sang Mỹ. Trước hết là Nhật Bản, nước này thường xuyên can thiệp vào thị trường tiền tệ năm nay nhằm cố gắng giữ cho đồng yên không bị mạnh lên. Quan chức Nhật Bản bào chữa rằng họ phải giữ cho đồng yên yếu do ''đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giữ tỷ giá với USD thấp đến mức vô lý''. Giá nhân dân tệ thấp làm cho một số nước châu Á phản ứng bằng cách dìm giá đồng tiện của mình xuống thấp hơn. Các nhà sản xuất Mỹ thì kêu rằng, điều này tạo cho Trung Quốc lợi thế so sánh không công bằng, họ có thể bán hàng hoá rẻ hơn.
Một nhà kinh tế học của Mỹ, ông Paul Kasriel nói: "Không nước nào muốn có một đồng tiền mạnh và do USD yếu nên tất cả các ngân hàng trung ương nước ngoài đều cần phải mua USD để giữ cho tiền của nước mình không bị mạnh lên. Khi ngân hàng trung ương mua vào USD, nước đó sẽ rơi vào tình trạng thừa USD và cần phải làm gì đó, và dễ nhất là cho vào ngân khố quốc gia. Trung Quốc chính là ví dụ điển hình''. Thực tế, theo số liệu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, trong tháng 6 ngân khố nước ngoài nắm giữ số USD lớn nhất từ trước tới nay trị giá 747 tỷ USD ở Ngân hàng dự trữ liên bang Hoa Kỳ.
Ngân hàng trung ương các nước có khả năng mua USD một cách dễ dàng do nó có quyền in tiền. Do đó tác dụng phụ của việc mua USD là có nhiều nội tệ hơn được đưa vào lưu thông. Và tất nhiên khi thứ gì có quá nhiều nó sẽ bị mất giá, nhưng trái lại lượng vàng chỉ có hạn. Các nhà đầu tư phải lựa chọn giữa vàng và tiền mặt, tất nhiên họ sẽ chọn vàng.
Ông Kasriel nói: "Do tất cả các nước đều giữ không để tiền của mình lên giá so với USD dẫn đến tình trạng tất cả các đồng tiền đều sụt giá so với vàng và các loại hàng hoá khác nói chung''. Kết quả cuối cùng là lạm phát và "cái gì hơn thế" mà các ngân hàng trung ương đang theo đuổi.
(Cẩm Tú - Theo AFP)
|