(VietNamNet) - Ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho VietNamNet biết, trong một vài ngày tới ngân hàng này sẽ giảm lãi suất huy động tiết kiệm ở hầu hết các kỳ hạn. Như vậy, sau khi 4 ngân hàng lớn và ngày càng nhiều ngân hàng cổ phần làm việc này, cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động trong gần 1 năm qua giữa các ngân hàng đã chính thức chấm dứt.
|
VPBank là ngân hàng cổ phần đầu tiên giảm lãi suất huy động VNĐ. |
- Thưa ông, Eximbank và Sài gòn Thương tín (Sacombank) là hai ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất trên địa bàn TP.HCM thời gian qua, vậy do đâu mà ông sẽ quyết định sẽ giảm lãi suất huy động VNĐ?
- Đã đến lúc thị trường cần phải thay đổi và thay đổi đúng quy luật. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (VBARD), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV); Ngân hàng Công thương (ICB) và Ngân hàng Ngoại thương (VCB) vừa hạ mức lãi suất 12 tháng xuống còn 0,6%/tháng (7,2%/năm), tức mức cắt giảm vào khoảng 0,05-0,07%/tháng. Mức lãi suất huy động của các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống đã quay trở lại mức thấp hơn một chút so với thời điểm cuối năm ngoái (khoảng 0,02%/tháng). Đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng hiện cũng chỉ còn 0,55%/tháng (giảm khoảng 0,07%/tháng). Lãi suất trên 12 tháng cũng được giảm ở mức độ ít hơn so với trước, tùy theo từng kỳ hạn ở từng ngân hàng.
Chính Sacombank cách đây 2 ngày cũng vừa giảm 0,02% lãi suất huy động tiết kiệm ở tất cả các kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 3 tháng còn 0,63%/tháng và họ sẽ còn tiếp tục giảm thêm lãi suất huy động để có thể giảm lãi suất cho vay. VPbank và nhiều ngân hàng cổ phần khác cũng đã và sẽ giảm lãi suất huy động trong thời gian tới.
- Theo ông, mức lãi suất của các NH vừa giảm đã phù hợp với quy luật thị trường chưa? Thời gian tới các ngân hàng có thể đồng loạt tiếp tục giảm lãi suất huy động không?
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước: ''Mức lãi suất đã giảm là chấp nhận được, thậm chí còn có thể thấp hơn một chút nữa''.
Theo cách tính toán của bà Thanh, với mức lãi suất ngoại tệ khoảng 2%/năm, lạm phát từ đầu năm đến nay là 1,7%, và với mức độ biến động tỷ giá xấp xỉ 1%, thì tổng cộng mới chỉ có 4,7%. Nếu tính theo nguyên tắc lãi suất thực dương, thì lãi suất tiền đồng 1 năm hiện tại là 7,2%/năm vẫn cao (dương 2,5%). Con số này dao động từ 1,5% đến 2% là phù hợp với điều kiện của thị trường Việt Nam hiện nay, bởi nó vẫn đảm bảo được sức hấp dẫn của tiền đồng so với USD, người dân vẫn thấy sử dụng tiền đồng có lợi hơn, tránh tình trạng gửi tiết kiệm bằng USD thay vì tiền đồng... phù hợp với việc thực hiện mục tiêu giảm tình trạng ''đôla hóa'' nền kinh tế.
(Theo báo Đầu Tư) |
- Nhiều dự đoán của tôi là sẽ giảm bởi lãi suất hiện nay là tương đối cao, nhất là mức lãi suất ngắn hạn.
Việc giảm lãi suất lần này là một diễn biến tích cực và thuận chiều quy luật cung cầu của thị trường. Thứ nữa, vốn khả dụng của các ngân hàng sau một thời gian huy động đã tương đối ổn, có thể yên tâm với các dự án mà ngân hàng đã đăng ký đầu tư.
- Ông có cho rằng khi lãi suất xuống thấp sẽ có thể xảy ra nguy cơ nguồn vốn của ngân hàng có khả năng chảy đi chỗ khác?
- Tôi cho rằng không sợ vì việc cho vay ngoài hệ thống ngân hàng không phải là một việc an toàn. Hiện thị trường bất động sản tại TP.HCM đang chững lại và cũng không có nhiều người đầu cơ vào đất đai. Người dân vẫn tin ngân hàng hơn là các kênh khác.
- Lãi suất cho vay sẽ giảm không trong khi lãi suất huy động đang có xu hướng giảm?
- Lãi suất cho vay cũng sẽ giảm nhưng chưa phải ngay bây giờ vì sau khi giảm lãi huy động các NH cũng cần nghe ngóng thị trường rồi mới quyết định.
- Có khả năng nào cho thấy sau đợt giảm này, lãi suất huy động sẽ có thể sốt tiếp?
- Hiện tôi thấy chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ lãi suất từ bây giờ đến cuối năm sẽ tăng tiếp.
- Xin cảm ơn ông!
|