Những gương mặt ''tài năng kinh doanh trẻ'':
Sống hết mình trong môi trường kinh doanh giả định
16:23' 12/09/2003 (GMT+7)
Kim Ngọc Minh.

(VietNamNet) - Họ cùng đoạt giải vàng tại Cuộc thi Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ, cùng là sinh viên ĐH Ngoại thương và chung niềm đam mê kinh doanh. Song, điều quan trọng giúp họ khẳng định được mình, không chỉ tại cuộc thi, mà ngay cả ngoài cuộc sống, đó là được vẫy vùng trong một môi trường kinh doanh của thời sinh viên. Tại một quán cà phê nhỏ, ấm cúng trên đường Nguyễn Chí Thanh, VietNamNet đã có buổi trò chuyện với 3 trong số 5 gương mặt thông minh đó.

Tố chất kinh doanh

Trước khi vào "lò" Ngoại thương, Ngô Thị Ngọc Anh là học sinh chuyên Pháp của Trường Hà Nội - Amsterdam. Ý tưởng kinh doanh lóe lên khi cô học trò bé nhỏ này phát hiện thấy gần ngôi trường cấp III thân yêu của mình chưa có cửa hàng quà lưu niệm, trang sức nào làm bằng chất liệu tự nhiên, trong khi lứa tuổi học sinh rất thích. "Su su" đã được khai trương cách đây 9 tháng, tại 111 Nam Cao, đối diện trường cấp III của cô. Vốn liếng ban đầu, Ngọc Anh vay của gia đình, họ hàng và người quen. Cô thuê hai người, trong đó có một người đáng tin cậy, để lo giúp việc quản lý tài chính. Đến nay, không những nợ đã trả hết, mà làm ăn cũng tàm tạm, Ngọc Anh tiết lộ sẽ mở thêm nhiều cửa hàng.

Cũng một học sinh trường Am, song là chuyên Lý, Kim Ngọc Minh lại đang trong vai trò "ông bầu" CLB Nhà DN tương lai của Trường ĐH Ngoại thương, lãnh đạo 500-600 sinh viên như mình. Cuộc thi "Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ", trên thực tế, đã được Minh và thành viên CLB của mình tập dượt ít nhất 2-3 lần trước đó. Sống trong môi trường Ngoại thương, các bạn đã tự tổ chức các cuộc thi tập làm doanh nhân, với việc lập ý tưởng, lập dự án kinh doanh, cách triển khai... Minh gật gù, trong số các yếu tố giúp cậu đoạt giải vàng, có lẽ, 46% là nhờ đã từng trải qua các cuộc thi ở khoa, trường.

Ba thành viên Minh, Tiệp, Ngọc Anh cùng một người bạn.

Nguyễn Quang Tiệp thì lò dò đến sau vì bận trao đổi bài với thầy. Thi chung kết mệt là vậy, 6h sáng hôm sau, Tiệp đã phải lục đục dậy để nộp đề tài NCKH lên Bộ Giáo dục. "Nâng cao năng lực sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn" là đề tài cậu đã làm cùng với Đặng Quốc Hiệp, thí sinh cũng đoạt giải vàng tại cuộc thi Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ, và một bạn khác. Ý tưởng làm đề tài rất đơn giản khi 3 người cùng về vùng vải Lục Ngạn để khảo sát tình hình thực địa cho một dự án. Trên thực tế, Tiệp đang là Chủ tịch CLB Sinh viên NCKH của ĐH Ngoại thương. Quê Tiệp thì ở xa hơn Minh và Ngọc Anh, tận... Hải Phòng. Cậu ta là học sinh chuyên Anh Trường Năng khiếu Trần Phú. Oách là vậy, song, từ hôm thi về, cậu toàn bị các bạn gọi là Tiệp "tuýt phờ nờ" - TYPN (tôi yêu phụ nữ). Hẳn những ai theo dõi đêm chung kết cuộc thi đều chưa quên những lời tuyên bố hùng hồn của chàng trai Hải Phòng này, rằng "em rất yêu phụ nữ".

Kinh doanh thử

"Vất nhất là lúc em trả lời trực tiếp ban giám khảo những câu hỏi về công việc kinh doanh. Đây là lần đầu tiên em tập kinh doanh một mình, chứ những vòng thi trước đều là cả nhóm. Đây cũng là giây phút hiếm hoi nhất để em sống hết khả năng của mình, sống trong môi trường kinh doanh giả định. Kể cả khi không được giải, thì phần thi này sẽ là kinh nghiệm trong tương lai của em", Kim Ngọc Minh tâm sự.

Với kiến thức được học, cùng với sự tiếp cận rất gần thực tế của công việc kinh doanh, Minh cho là cuộc thi không quá khó. Tháng 8 thi vòng đầu tiên. Trước khi chung kết, họ chỉ có 10 ngày chuẩn bị. 2 ngày trước khi thi mới biết nội dung. Minh và Tiệp đã tham khảo ý kiến của bạn bè, thầy cô. Còn theo Ngọc Anh, quan trọng nhất là đoán được hướng câu hỏi của ban giám khảo, từ đó, chuẩn bị năng lực tư duy để có cách trả lời hợp lý nhất.

Đối với Nguyễn Quang Tiệp, thì câu hỏi tại vòng thi thứ tư bạn trả lời được là nhờ học từ môi trường sinh viên. Trước đó, chàng trai này đã từng tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olimpia. Đến vòng thi tháng, chạm mặt với Thành Vinh (Thanh Hoá - giải nhì cuộc thi năm đó) thì Tiệp bị out. Lên sinh viên, tham gia NCKH với đề tài gần với cuộc sống, gần việc kinh doanh, Tiệp cũng như nhiều bạn khác đã không bị bỡ ngỡ trước những câu hỏi của các vị giám đốc DN.

Duy chỉ Ngọc Anh, ban đầu hơi run vì là người thi đầu tiên. "Nhưng ấn tượng, thích thú nhất là tụi em có một nhóm 10 người, cùng chí hướng, sở thích và cùng có sự đam mê kinh doanh". 10 bạn lọt vào chung kết đêm ấy giờ là một hội thân thiết, đi đâu cũng có nhau. Họ định rủ nhau cuối tháng này du hý về Đồ Sơn (Hải Phòng) - quê hương của Tiệp. Cả 10 thành viên cũng đang háo hức cho chuyến đi Lào sắp tới, do bác Phó Chủ tịch Hội các nhà DN trẻ Phương Hữu Việt mời.

Môi trường mới

Ngô Thị Ngọc Anh.

- Thời gian tới, được đào tạo trong vòng 18 tháng, hoàn toàn bằng tiếng Anh, do các GS-TS giỏi giảng dạy, các bạn có sợ vất vả không?

- Ngọc Anh trả lời: "Tụi em sẽ phải học rất căng". Minh thì cho rằng, đó cũng là một thách thức cần phải vượt qua, tuy vất vả về cường độ. Song, theo Minh, học càng cường độ, càng có chất lượng. Tiệp thì e dè hơn, vì hắn đang là SV năm thứ ba: "Em không quen nhìn xa đâu, vì càng nhìn xa quá càng không chính xác. Trước mắt, em lo hai năm tới để ra trường đã".

- Khi học xong, nếu có một liên doanh mời làm việc, các bạn có nhận lời không?

- Ngọc Anh (sau khi suy nghĩ một hồi): "Em nghĩ là nên làm cho họ, vì đó là cơ hội để mình học được cách làm việc có kỷ luật, có phương pháp và hệ thống, cách thức tổ chức công việc khoa học của họ". Minh lại cho rằng, "không nên phân biệt quá giữa làm liên doanh với làm nhà nước, vì làm ở đâu thì cũng là đóng góp cho lợi ích của quốc gia. Ra trường, tuy đã có kiến thức và khả năng, nhưng nếu chưa có thời cơ, em cũng sẽ làm cho liên doanh. Khi có cơ hội, em sẽ tự lập nghiệp ngay".

Nên phát động cuộc thi ra toàn quốc

Nguyễn Quang Tiệp.

Nhận xét về cuộc thi "Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ" vừa qua, các bạn đều cho rằng, ngoài một vài lỗi nhỏ do lần đầu tổ chức, đây là một sân chơi thật sự bổ ích. Họ đã được sống trong những giây phút căng thẳng, hồi hộp, nhưng rất thiết thực. Sự chu đáo, trẻ trung, tâm huyết của Ban tổ chức cũng làm các nhà kinh doanh trẻ này hài lòng.

Song, điều mà Ngọc Anh, Minh và Tiệp thắc mắc, là cuộc thi nên được phát động trên toàn quốc. Tiệp nhận xét, với lần đầu, cuộc thi chưa mở rộng cũng là điều hợp lý. Cậu thích nhất là hệ thống tiêu chí đánh giá của cuộc thi. Nhưng Minh đưa ra ý kiến, không nên quá chú trọng phần ngoại ngữ, vì như vậy là rất thiết thòi cho các bạn sinh viên thông minh, có tố chất kinh doanh, song không được đào tạo nhiều về ngoại ngữ, tại các trường khác. Minh còn kiến nghị, có thể mở rộng cuộc thi này tới hệ thống các trường THPT, bởi đó là cơ hội để học sinh cấp II, III yêu thích kinh doanh được tiếp xúc nhiều với thực tế, mạnh dạn hơn trong cuộc sống, sau này không bị động khi ra trường.

  • Hạnh Phương
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sắp có nghị định giám sát kiểu bán hàng đa cấp (12/09/2003)
Các nhà máy điện được chào giá bình đẳng (12/09/2003)
Kim ngạch xuất khẩu 2003 ước đạt 20 tỷ USD (12/09/2003)
13 doanh nghiệp đầu tư khu Bãi Dài - bắc Cam Ranh (12/09/2003)
Giá vàng vượt ngưỡng 700.000 đồng/chỉ (11/09/2003)
Giá phân bón sẽ giảm vào đầu tháng 10 (11/09/2003)
Doanh nghiệp VN chuẩn bị gì nếu nhân dân tệ tăng giá? (11/09/2003)
Hàn Quốc tái mở thầu mua 20.000 tấn gạo (11/09/2003)
Giá thuốc nội giảm mạnh, thuốc ngoại tăng (11/09/2003)
Cá basa Việt Nam an toàn hơn cá Mỹ (11/09/2003)
Mía đường ngày càng đắng! (11/09/2003)
Sắp có Hiệp hội kinh doanh chứng khoán (10/09/2003)
Cẩn thận khi mua vàng! (10/09/2003)
''Đang có một dòng đầu tư của các DN Nhật vào Việt Nam'' (10/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang